Thị trường gas thế giới
Giá gas quốc tế (Hợp đồng tương lai khí tự nhiên Natural Gas - mã hàng hoá: NGE) hôm nay 13/12 ghi nhận giảm giá nhẹ còn 6,63 USD/mmBTU sau cú tăng mạnh vào phiên giao dịch đầu tuần.
Tại châu Á, giá khí tự nhiên hóa lỏng tăng do tâm lý tích cực sau khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế về Covid -19 và một số công ty lớn thực hiện mua giao ngay. Trung Quốc đã ba năm thực hiện chính sách zero Covid. Hiện nay, chính quyền Trung Quốc đã nới lỏng đáng kể các biện pháp nghiêm ngặt, cắt giảm yêu cầu xét nghiệm, kiểm dịch và phong tỏa.
Tại châu Âu, nhu cầu khí đốt hiện đang tăng cao hơn bao giờ hết, giá LNG ở mức cao nhất trong 10 tuần do nhiệt độ giảm xuống dưới mức tiêu chuẩn theo mùa, buộc phải rút mạnh nguồn khí đốt tại kho dự trữ.
Ở Anh, lượng khí đốt tiêu thụ trong tuần vừa qua đã tăng 44% so với giữa tháng trước. Theo trích dẫn từ dữ liệu từ cơ quan báo giá ICIS. Công ty National Grid PLC, nhà điều hành hệ thống năng lượng của Anh, cho biết họ dự kiến nhu cầu khí đốt ở nước này tăng lên 417 triệu mét khối mỗi ngày, tăng 65% so với giữa tháng trước. Dự báo được đưa ra trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt đang xuất hiện trên toàn Vương quốc Anh, với nền nhiệt có thể giảm xuống -10 độ C ở một số khu vực trong những ngày tới.
Mới đây, cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đưa ra cảnh báo đối với Liên minh châu Âu (EU) khi lượng khí đốt có thể có đủ để sử dụng cho mùa đông năm nay, nhưng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí đốt vào năm tới nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung cấp. Cơ quan này cũng kêu gọi các chính phủ hành động nhanh hơn để tiết kiệm năng lượng và mở rộng năng lượng tái tạo.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp với Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cũng đưa ra cảnh báo, nếu Nga vẫn duy trì cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu và nhu cầu khí đốt của Trung Quốc phục hồi sau khi dỡ bỏ phong tỏa thì EU có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt 27 tỷ mét khối (bcm) khí đốt vào năm 2023. Đây là một thách thức nghiêm trọng với các nước thành viên liên minh châu Âu.
Thị trường gas trong nước
Tại thị trường trong nước, một số thương hiệu gas đã thông báo tăng giá bán gas từ 1/12. Theo đó, trung bình mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng tăng từ 13.000-14.000 đồng, loại 45kg tăng 52.000-53.000 đồng/bình, tùy thương hiệu, so với tháng trước.
Sau khi điều chỉnh giá, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu này là 438.000 đồng/bình 12kg.
Thương hiệu gas City Petro thông báo giá bán lẻ gas City Petro ở mức 259.500 đồng/bình 6kg, 461.500 đồng/bình 12kg, 496.500 đồng/bình nhựa VIP, 1.730.500 đồng/bình 45kg và 1.922.000 đồng/bình 50kg.
Với gas đến từ Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam có giá gas bán lẻ của công ty này đến tay người tiêu dùng là 442.000 đồng với bình loại 12 kg và hơn 1.660.000 đồng cho 1 bình loại 45 kg.
Tại miền Bắc, Gas Petrolimex công bố giá bán lẻ tại thị trường Hà Nội sau đợt tăng giá ngày 1/12 là 440.900 đồng/bình 12kg và 1.763.600 đồng/bình công nghiệp 48kg.
Tương tự, Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam (Gas South) tăng giá gas bán lẻ của thương hiệu này thêm 1.167 đồng cho mỗi kg gas (bao gồm thuế VAT) từ 1/12. Giá sau khi tăng sẽ tăng thêm 14.000 đồng/bình 12kg và tăng 52.515 đồng/bình 45kg.