Với Trịnh Khôi (25 tuổi), freelancer ở TP.HCM, thời điểm cuối năm giống như cuộc đua marathon.
“Ngày xưa còn làm công việc ‘9-to-5’, cuối năm là được nhận bonus, thưởng Tết, lương tháng 13. Nhưng với dân freelancer, những khoản đó trở nên xa xỉ. Cũng là 10 đồng đó, chúng tôi phải ‘cày’ rất nhiều mới có được”, anh giải thích.
Tuy nhiên, Khôi không xem điều đó là thiệt thòi. Chàng trai cho rằng với những freelancer có sự chuẩn bị tốt và tính kỷ luật, thu nhập của họ có thể còn cao hơn các khoản thưởng của nhân viên bình thường.
Thiệt thòi ở đây, nếu có, là freelancer phải làm việc quá tải vào cuối năm. Thế nhưng, mọi thứ đều có giá của nó.
Đó không phải suy nghĩ của riêng Trịnh Khôi. Nhiều bạn trẻ làm freelance dành những tháng cuối năm để chạy đua về tiền bạc. Bởi họ không có lương cứng hay thưởng Tết, “ế” job đồng nghĩa thu nhập trở về 0.
Ảnh hưởng sức khỏe
Thanh Mai (20 tuổi), làm freelance mảng nội dung khoảng 4 năm nay, cho biết công việc tự do mang lại cho cô thu nhập khá.
“Sự phát triển công việc trong năm nay của tôi khá tốt, mức thu nhập vượt so với dự kiến đầu năm khá nhiều. Ít nhất, tôi đã đạt mục tiêu đề ra là tự lập về tài chính, không phụ thuộc vào gia đình và có khoản tiết kiệm nhỏ”, cô nói.
Giống nhiều freelancer, Thanh Mai bận rộn hơn vào cuối năm.
Cuối năm, Mai có nhiều việc hơn, vấn đề chỉ là đủ thời gian để đảm nhận khối lượng lớn hay không. Điều này giúp cô có thu nhập tốt hơn, đủ bù cho lương tháng 13 hay các khoản khác như nhân viên bình thường.
“Tôi không làm việc ‘9-to-5’ mà phải là ‘5-to-9’ hay 24/7 mới đúng. Việc nhiều, thu nhập tăng, nhưng đổi lại là sức khỏe, thời gian hạn chế”.
Mai thường thức rất khuya, có hôm 2h sáng vẫn mở máy tính để giải quyết công việc. Sau đó, cô ngủ bù tới 15-16h. Lịch trình sinh hoạt không khoa học gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.
Ngoài ra, do công việc có deadline nhưng không ai thúc giục, Mai đôi khi rơi vào cảnh hoảng hốt, không biết xoay xở thế nào vì chồng chéo 3-4 job phải hoàn thành trong một ngày khi lỡ nhận quá dày. Nếu ốm đau, cô cũng không có đồng nghiệp để đỡ việc.
Những tháng cuối năm, Tâm Thương (24 tuổi), quản lý mạng xã hội và viết nội dung tự do, cũng có một số trăn trở liên quan đến vấn đề tài chính.
“Vì không có thưởng Tết hay lương tháng 13, tôi phải tìm cách gia tăng thu nhập, cắt giảm chi tiêu và trích một khoản lớn để mua sắm cho gia đình dịp Tết ngay từ bây giờ”, cô nói.
Tâm Thương không đặt ra mục tiêu tài chính quá cao trong năm đầu tiên làm freelancer toàn thời gian.
Đầu tiên, Thương dành ít thời gian hơn cho các dự án lương thấp và chủ động tìm kiếm khách hàng mới trả phí cao hơn. Bên cạnh đó, cô cũng đề xuất tăng phí dịch vụ với khách hàng cũ.
Tiếp đó, Thương không có dự định mua sắm quần áo hay giày dép mới cho dịp Tết vì cảm thấy không có nhu cầu. Cô cũng hạn chế đi chơi, du lịch và sẽ tối giản các chi phí Tết ở nhà như mua sắm vừa đủ bánh kẹo, không đầu tư quá nhiều vào hoa,...
Tháng 4 năm nay, Thương mới chính thức trở thành freelancer toàn thời gian. Cô may mắn chưa có tháng nào “ế” job và thu nhập bằng 0. Ngay tháng đầu tiên, cô đã có thu nhập cao hơn 20% so với khi làm công việc “9-to-5” nhờ sự chuẩn bị trước và chủ động thông báo với mọi người để được giới thiệu job.
Tuy nhiên, trong năm qua, Thương không tiết kiệm được nhiều.
Một phần, cô gái 24 tuổi chuyển từ TP.HCM lên Đà Lạt sinh sống nên tốn kém khoản mua sắm. Đồng thời, cô cũng phải chi trả thêm tiền điện, nước, các công cụ quản lý công việc, phát triển kênh cá nhân hay nâng cấp bản thân như mua khóa học, tham gia workshop.
“Theo tôi, freelancer có mức thu nhập tối thiểu 10-15 triệu đồng/tháng được coi là đủ trang trải/không phải lo lắng. Tuy nhiên, về lâu dài, mọi người nên chủ động tìm cách tăng thu nhập từ nhiều nguồn và kiếm thêm khách hàng để sống tốt hơn với nghề, tránh áp lực nếu đột nhiên bị ngừng hợp tác”.
Tự thưởng
Khi từ bỏ công việc văn phòng để trở thành freelancer writer, Hải Dương (27 tuổi), hiện sống tại Đà Nẵng, lo lắng mất đi các khoản thu nhập như lương tháng 13 và thưởng Tết. Đặc biệt, khi càng về cuối năm, những thứ cần chi tiêu ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, lúc bắt tay vào làm việc với khách hàng, dự án này nối tiếp dự án kia và nhận về phản hồi tích cực, cô không còn nỗi lo này nữa.
Theo Hải Dương, tài chính là một trong số yếu tố cần chuẩn trước khi trở thành freelancer, ít nhất là đủ lo 6-12 tháng chưa có thu nhập.
“Không có lương, thưởng nhưng bù lại, tôi nhận được các khoản bonus từ khách hàng. Tôi còn vận hành một blog và thỉnh thoảng được học viên gửi tặng quà. Vào sinh nhật hay dịp lễ, tôi cũng thường có những bất ngờ”.
Nếu không, cô gái 27 tuổi cũng sẽ tự thưởng.
Thời điểm bắt đầu định hướng làm tự do, Dương không lao đầu vào tìm kiếm khách hàng hay các dự án. Cô chọn phát triển bản thân, trau dồi học tập.
Dương dành gần 11 tháng chỉ để học và luyện viết, chấp nhận thu nhập 0 đồng. Nhờ sự chuẩn bị tốt, ngay tháng đầu tiên làm freelancer, cô có thu nhập bằng mức lương khi làm văn phòng.
Ba tháng sau đó, thu nhập của Dương đạt 8 con số, cao hơn so với mặt bằng chung của nhân viên cùng ngành làm full-time ở cùng thành phố. Đến tháng 8, cô đã nhân đôi thu nhập so với mức khởi điểm.
“Thế nhưng, mức thu nhập này không duy trì được lâu vì tháng 9, tôi quyết định giảm tải công việc để tập trung phát triển dự án cá nhân”.
Trước đây, Dương có xu hướng tiết kiệm. Tuy nhiên, khi trở thành freelancer, cô thay đổi tư duy và thoải mái đầu tư những sản phẩm/dịch vụ giúp phát triển bản thân như sách, khóa học.
“Tôi không thuộc tuýp người nhạy bén, cũng không giỏi đầu tư nên chọn cách gửi tiết kiệm. Hiện tại, tôi không phải lo lắng nhiều về chuyện chi tiêu bởi luôn biết cách cân đối tài chính”, cô cho biết.
Về phía Tâm Thương, cô quản lý tài chính bằng nhiều cách.
Đó là luôn trích khoản thu nhập cố định mỗi tháng cho quỹ tiết kiệm và quỹ khẩn cấp; theo dõi và ghi chép các khoản thu chi, đầu tư, tiết kiệm; áp dụng quy tắc chi tiêu (6 chiếc lọ hoặc 50-30-20); ưu tiên dùng tiền mặt và hạn chế sử dụng thẻ tín dụng; tắt hết thông báo của các trang thương mại điện tử, xóa bớt ứng dụng mua sắm; gia tăng thu nhập bằng nhiều nguồn (gửi tiết kiệm, đầu tư vàng/bitcoin); cố gắng tìm kiếm và hợp tác với khách hàng dài hạn thay vì làm theo dự án.
Mỗi tháng, Trịnh Khôi trích 10% tổng thu nhập để thưởng cho bản thân.
Với quan điểm chi tiêu thoải mái, Thanh Mai coi đây là cách khiến đầu óc có không gian phát triển trong công việc sáng tạo. Cách để quản lý tài chính vẫn là dấu hỏi với cô.
“Có tháng, tôi thu nhập khá nhưng đến ngày 20 đã hết tiền. Tôi nghĩ phương pháp tốt nhất hiện tại là tiết kiệm. Tôi sử dụng gói tiết kiệm của ngân hàng, mỗi ngày tự động trừ 100.000 đồng chuyển vào quỹ. Tuy nhiên, cách này hiệu quả dựa trên tinh thần không rút ra giữa chừng để tiêu tạm khi rỗng túi”, cô chia sẻ.
Mai nói thêm làm freelancer thu nhập không đều, mọi người cần có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tháng nhiều bù tháng ít nếu không sẽ rất khó khăn khi “ế” job hay chưa phải mùa cao điểm.
Trong khi đó, Trịnh Khôi kết hợp chi tiêu thoải mái và tiết kiệm. Bởi theo anh, sống mà chỉ biết tiết kiệm rất áp lực và gần như không thể phát triển bản thân, còn tiêu xài quá mạnh tay thì tiền làm ra bao nhiêu cũng hết.
Do thu nhập đến từ nhiều nguồn, Khôi luôn nắm rõ về dòng tiền vào - ra của mình và lập bảng tổng kết cuối tháng.
Anh thường chia ra các khoản sau: Tiền để sống (nhà cửa, điện nước, ăn uống, xăng xe đi lại, gửi về gia đình,…) chiếm 50%; Quỹ dự phòng khi cần gấp (15%); Đầu tư 15% (10% cho các tài sản với mục tiêu dài hạn, 5% cho các kênh ngắn hạn); Giáo dục (10%, bao gồm học tập, cà phê giao lưu và mở rộng mối quan hệ trong ngành,…); Thưởng cho bản thân (10% hoặc dồn các tháng lại để mua đồ đắt tiền hơn).
Các khoản trên có thể dao động theo mức thu nhập cũng như tình hình kinh tế chung của chàng trai 25 tuổi.
“Cuối năm của freelancer rất áp lực, các doanh nghiệp cũng vậy nên họ rất ngại chi trong thời điểm này. Vì vậy, để tránh tình trạng ‘ế ẩm’, mọi người nên tập trung vào những hợp đồng có giá trị dài hạn bằng cách chăm sóc thật tốt khách hàng cũ và chứng minh năng lực cho họ thấy. Ngoài ra, sự kỷ luật trong cả công việc lẫn vấn đề tài chính cũng luôn quan trọng với người làm tự do”, Khôi kết luận.