Căn hộ được cải tạo theo phong cách Bắc Âu hiện đại, tối giản.
Zing chia sẻ câu chuyện cải tạo căn hộ 97 m2 tại của Ly Nguyễn (24 tuổi, Hà Nội). Căn chung cư thuộc một dự án tại quận Nam Từ Liêm, được gia đình cô mua qua chủ sở hữu cũ.
Trước khi mua nhà mới, gia đình tôi sống tại một khu nhà cấp 4 đã xuống cấp. Một đêm, hệ tủ bếp hàng chục năm tuổi bỗng sập xuống vì đinh vít lỏng lẻo và tường quá yếu. Sự cố đó khiến tất cả thành viên hốt hoảng, lo lắng suốt thời gian dài về sau.
Tháng 2 vừa qua, tôi và cha mẹ chuyển đến căn hộ mới. Sau khi mua nhà, ngân sách không còn dư dả, gia đình tôi quyết định sẽ dọn vào ở luôn và tận dụng đồ nội thất còn để lại của gia chủ cũ.
Tuy vậy, sau khi xem xét, chúng tôi thấy rằng hiện trạng căn hộ đã khá cũ, nhiều phần không đáp ứng được công năng cũng như thẩm mỹ. Nghĩ đến tình huống nguy hiểm như trước đây, tôi đề xuất ý kiến sửa nhà.
Ban đầu, cha mẹ tôi không đồng ý. Gia đình tiêu tốn nhiều tiền cho nơi ở mới, mọi người lo ngại quá trình cải tạo sẽ tốn kém, đồng thời mất thời gian và công sức. Tôi phải thuyết phục phụ huynh khá lâu, đứng ra nhận trách nhiệm cho việc sửa chữa.
Thú thực, trước đây tôi chưa có kinh nghiệm sửa nhà. Đây là trải nghiệm rất áp lực, nhưng cũng đầy hào hứng vì tôi được tự tay sửa sang căn hộ theo ý thích.
Cải tạo
Bắt tay vào cải tạo căn hộ, điều tôi bận tâm nhất đó chính là chi phí. Căn nhà có diện tích khá lớn, nhiều phòng và phải làm mới gần như toàn bộ. Tôi lo sợ không đủ tiền gồng gánh tất cả.
Tôi hiểu rằng muốn không tốn kém tiền bạc vô nghĩa, việc đầu tiên là mình phải tìm hiểu thông tin và học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Tôi lao vào tìm đọc các bài chia sẻ trên mạng xã hội, đồng thời tìm kiếm đơn vị thiết kế - thi công uy tín, phù hợp với nhu cầu.
Ly Nguyễn và gia đình dành chi phí 250 triệu đồng cho việc sửa chữa không gian sống.
Tôi cũng xác định sẽ chọn mua các thiết bị, nội thất với mức giá bình dân, vừa tầm. Của bền tại người, đồ dùng bền hay không phần lớn phụ thuộc vào cách sử dụng, gìn giữ của con người.
Quá trình sửa căn hộ bắt đầu từ bước cải tạo phần thô. Tôi không thay đổi kết cấu căn nhà mà chỉ thay mới lại những hạng mục đã xuống cấp, bao gồm sơn lại tường, thay sàn gạch đá hoa bằng sàn ốp gỗ kết hợp gạch men, ốp trần thạch cao và sau cùng là đi lại toàn bộ toàn bộ đường dây điện và hệ thống ánh sáng.
Đến phần trang trí, tôi lựa chọn phong cách Bắc Âu (Scandinavian) vì yêu thích sự tối giản, vừa đủ.
Chủ nhà cũ trước đây là một gia đình 3 thế hệ. Họ trang bị khá nhiều đồ dùng phong cách cũ, không đồng đều. Khi cải tạo, tôi thanh lý toàn bộ đồ nội thất này.
Tôi mua đồ dùng mới với chất liệu gỗ sáng màu, không họa tiết, kết hợp thêm các chi tiết tông màu kem, xám, trắng, đồng thời ưu tiên các đường nét bo tròn tạo sự mềm mại. Tôi yêu thiên nhiên nên cũng cố gắng bố trí cây xanh để tăng thêm sức sống cho căn hộ, giảm đi phần nào sự buồn tẻ của một không gian ít chi tiết.
Hoàn tất công trình, tôi tính toán mình đã tiêu tốn khoảng 250 triệu đồng.
Kinh nghiệm
Vì đứng ra nhận trách nhiệm cải tạo nhà, tôi làm việc một mình với đơn vị thiết kế - thi công, nhiều lúc không tránh khỏi khó khăn, vất vả. Bù lại, tôi tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm cho riêng mình:
Muốn nhanh phải chậm
Không riêng gì chuyện cải tạo nhà, tôi cho rằng làm bất kỳ việc gì đều nên có quá trình nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng. Sau khi đã có nền tảng vững chắc, quá trình hoàn thiện sẽ nhanh hơn và hạn chế các vấn đề phát sinh.
Từ lúc bắt đầu lên ý tưởng đến khi hoàn thiện, tôi mất khoảng 3 tháng. Trong đó, tôi phải dành gần 2 tháng nghiên cứu về phong cách mình muốn. Ngoài ra, tôi cũng tự tìm hiểu về quy trình thiết kế/thi công, những thuật ngữ liên quan, đi khảo sát các đơn vị thi công và đọc review về các thiết bị.
Nhiều người có thể thấy công đoạn này rất mất thời gian, nhưng với một người chưa có kinh nghiệm gì như tôi, việc tìm hiểu rất cần thiết. Cũng nhờ nghiên cứu kỹ, tôi dễ dàng hình dung về ngôi nhà tương lai của mình. Quá trình làm việc với các bên thiết kế - thi công cũng đơn giản và nhanh chóng hơn. Tôi chỉ mất khoảng một tháng để hoàn thiện bản vẽ và mất thêm 2 tuần thi công.
Luôn có dự trù chi phí
Tôi chia tỉ lệ ngân sách như sau:
- Chi phí thiết kế và thi công
- Chi phí mua sắm đồ, thiết bị điện tử
- Chi phí trang trí
Ngân sách thực tế có thể vượt quá mức ngân sách dự kiến. Vậy nên tôi đã dành ra một khoản dự trù khoảng 10-15% so với tổng chi phí.
Tìm hiểu trước về phong cách bản thân mong muốn
Trước khi trao đổi với kiến trúc sư, tôi xác định trước phong cách mà mình mong muốn để tránh phát sinh hiểu nhầm và kéo dài thời gian thiết kế. Bạn cũng có thể nhờ kiến trúc sư gợi ý phong cách, nhưng việc trao đổi thông tin giữa hai bên cần rõ ràng.
Để biết được phong cách mình yêu thích, tôi vào Pinterest và gõ những từ khóa như Scandinavian (Bắc Âu), Japandi (Nhật Bản), Indochine (Đông Dương), Vintage (cổ điển)... Bạn cũng có thể tìm từ khóa chung nhất là "interior style" (phong cách nội thất) và chọn ra mẫu mà mình ưa thích, từ đó sẽ biết được phong cách phù hợp.
Trong quá trình thi công, bạn cần bám sát phong cách thiết kế chủ đạo để đạt hiệu quả thẩm mỹ mong muốn.
Phong cách phải phù hợp với không gian nhà
Ban đầu tôi rất thích phong cách Japandi với các mảng màu hơi trầm, nội thất đặt thấp, không có chân. Tuy nhiên, căn hộ của gia đình tôi có rất ít ánh sáng tự nhiên và phần trần cũng khá thấp, nếu thiết kế theo phong cách này sẽ khiến không gian bí bách hơn. Vì thế, tôi đành từ bỏ phong cách Japandi và lựa chọn Bắc Âu.
Tôi cũng thích những căn bếp mở, có thể bày biện bát đĩa ra ngoài. Nhưng vì ngại đồ đạc bụi bặm, phải dọn dẹp thường xuyên nên tôi chuyển sang thiết kế nhiều hệ tủ giúp giấu đồ.
Chi tiết nhỏ làm nên sự tinh tế
Trong căn hộ của mình, tôi khá tâm đắc phần mảng tường bo tròn mềm mại. Bởi vậy, tôi cũng ứng dụng chi tiết bo tròn này vào các đồ nội thất khác như sofa, bàn, ghế hay thậm chí là loại bồn rửa để tạo sự đồng nhất.
Bám sát quá trình thi công
Tôi chủ động đưa ra khung thời gian với đơn vị thi công và duyệt từng hạng mục để đảm bảo thời gian hoàn thiện. Đặc biệt, nếu ở chung cư, ban quản lý tòa nhà sẽ tính thêm chi phí thi công theo ngày. Bởi vậy, bạn hãy cố gắng bám sát và rút ngắn quá trình thi công để tiết kiệm được chi phí này.