“Kéo rèm ra”, Phương Thảo (29 tuổi, quận 7, TP.HCM) nói chuyện với trợ lý ảo trong phòng ngủ mỗi sáng.
Buổi tối, trở về nhà sau 10-12 tiếng làm việc liên tục tại công ty, nữ nhân viên văn phòng chỉ cần một vài thao tác là có bữa tối, bát đũa được làm sạch và nhà cửa được hút bụi tinh tươm.
“Nếu không có các thiết bị điện tử, tôi sẽ bỏ bữa tối, mặc kệ nhà cửa bừa bộn để leo lên giường đi ngủ. Áp lực công việc khiến tôi kiệt sức khi về nhà”, Phương Thảo chia sẻ với Zing.
Nấu ăn, dọn nhà bằng nút bấm
Theo đơn vị nghiên cứu thị trường Statista, tính đến tháng 8/2020, thị trường smarthome (nhà thông minh) tại Việt Nam đạt doanh thu khoảng 179 triệu USD và các chuyên gia dự đoán con số này sẽ đạt 524 triệu USD vào năm 2025.
Thị trường smarthome ở Việt Nam còn khá non trẻ so với các quốc gia khác, song đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng.
Phương Thảo cho biết cuộc sống của mình thay đổi từ khi sở hữu hàng loạt thiết bị thông minh trong nhà.
Coi nấu ăn là phương pháp giải tỏa áp lực hiệu quả, song chỉ khi có sự trợ giúp của máy rửa/sấy khô chén, bát, cô mới chăm chỉ xắn tay vào bếp.
Số tiền Phương Thảo chi cho thiết bị công nghệ tương đối lớn.
Trong đó, những máy móc giá cao nhất có thể kể đến máy rửa bát 25 triệu đồng, robot hút bụi hơn 10 triệu đồng và máy lọc không khí 8 triệu đồng.
Tương tự Phương Thảo, Phương Trà (30 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng trang bị hàng loạt thiết bị trong nhà bếp, phòng khách, phòng ngủ.
Cô sở hữu 5 loại nồi điện tử bao gồm nồi chiên không dầu, nồi áp suất đa năng, robot nấu ăn...
“Nếu không có thiết bị nhà bếp thông minh, tôi lựa chọn đặt đồ ăn trên ứng dụng giao hàng”, nữ nhân viên văn phòng chia sẻ.
Trở về nhà từ phòng gym lúc 21h, Đức Thắng (30 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) khởi động tủ sấy/ủi quần áo, robot hút bụi và máy lọc không khí.
“Cạn kiệt năng lượng ở văn phòng, tiêu tốn sức lực tại phòng gym, tôi không muốn làm việc nhà nữa”, Thắng tâm sự.
Thay vì tốn 2-3 tiếng đồng hồ lau chùi, dọn rửa mỗi tối, anh có thể chơi game giải trí, xem phim thư giãn sau một ngày làm việc dài. Các thiết bị dọn nhà thông minh đều có thể tự vận hành và dừng hoạt động sau khi hoàn thành quy trình làm sạch sàn nhà, quần áo.
Sản phẩm Đức Thắng đầu tư số tiền lớn nhất là chiếc tủ chăm sóc trang phục với giá 50 triệu đồng. Trước đây, anh đều tốn công mang quần áo ra hàng giặt khô là hơi để bảo quản những bộ vest, tuxedo hàng hiệu.
“Bây giờ, tôi đã có một cửa hàng giặt là tại nhà. Các bước sấy khô, ủi đồ, khử khuẩn đều được tích hợp trong một chiếc tủ đứng duy nhất”, Thắng nói về món đồ có giá trị lớn trong căn hộ.
Hiện đại đôi khi hại điện
Tuy vậy, chia sẻ với Zing, Đức Thắng thừa nhận gặp rắc rối trong quá trình sử dụng thiết bị dọn nhà thông minh. Thỉnh thoảng, nam nhân viên văn phòng phải “giải cứu” robot hút bụi mắc kẹt trong gầm giường, góc nhà.
Thậm chí, robot này còn hút những món đồ như đinh tán, nhẫn, khuyên tai rơi trên sàn khiến hộp chứa quá tải.
“Trước khi bật thiết bị hút bụi, tôi phải kiểm tra trước sàn nhà, đảm bảo không có đồ vật rơi vãi. Việc này đôi khi còn tốn công hơn tự tay quét, lau nhà”, Đức Thắng nói.
Vấn đề lớn nhất của Thắng khi vận hành cùng lúc 5-7 thiết bị dọn nhà thông minh là sự gia tăng trong hóa đơn tiền điện hàng tháng. Trước đây, anh chỉ phải trả khoảng một triệu đồng cho khoản này.
Bây giờ, cuối mỗi tháng, Đức Thắng đều tiêu tốn chi phí điện cao gấp rưỡi hoặc 2 lần so với trước. Anh thú nhận không tiếc tiền mua sắm, song ái ngại về khoản phí “nuôi” đồ công nghệ trong nhà.
Trong khi đó, khi biết con gái đầu tư lớn số tiền lớn cho “trợ lý dọn nhà” chạy bằng điện, pin, bố mẹ Phương Thảo kịch liệt phản đối. Phụ huynh không tin nồi chiên không dầu làm được món gà rán, thịt nướng, hay máy rửa bát có thể cọ rửa sạch đống chén đĩa, nồi chảo đầy dầu mỡ.
Đã tốn 2-3 năm thuyết phục, song Thảo đành bó tay khi bố mẹ vẫn bật bếp ga, nấu ăn bằng nồi inox, chảo chống dính.
“Mặc dù tôi đã tốn công hướng dẫn cách khởi động, điều chỉnh chế độ, lựa chọn chức năng, phụ huynh vẫn từ chối sử dụng. Tôi là người duy nhất trong nhà dùng những món đồ này”, cô cho biết thêm.
Phụ thuộc nhiều vào robot nấu ăn hiện đại, Phương Trà từng bối rối, hoang mang khi nồi chiên không dầu tự đổi chế độ, lò nướng đa năng dừng hoạt động.
Dù đã chi trả mức giá cao để sở hữu những sản phẩm đến từ thương hiệu nổi tiếng, cô vẫn phải đối diện với tình trạng hỏng hóc thường xuyên.
“Thợ sửa chữa không làm việc buổi tối, tôi đành nhiều lần bỏ dở việc nấu nướng, gọi đồ ăn về thay thế”, nữ nhân viên văn phòng chia sẻ với Zing.
Cô luôn ghi nhớ bảo trì máy rửa bát 6 tháng/lần, thay màng lọc định kỳ cho máy lọc không khí, hạn chế khả năng hỏng hóc.
“Nếu không chịu khó 'chăm' thiết bị, việc sửa chữa, bảo dưỡng còn tốn kém thời gian và tiền bạc hơn nhiều”, cô bày tỏ.
Theo báo cáo của Statista, hầu hết nhà thông minh nằm trong các dự án mới xây dựng ở 2 thành phố đô thị hóa nhất của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM.
Nhìn vào chủ sở hữu smarthome theo thu nhập, phần lớn gia chủ đến từ nhóm thu nhập cao (36,7%), nhóm thu nhập trung bình và thấp có tỷ lệ người dùng tương đương nhau (lần lượt là 32% và 31%).
Trong khi đó, theo Fortune Business Insights, thị trường smarthome tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đang trên đà tăng trưởng nhanh nhất. Số lượng lớn khách hàng trẻ thuộc thế hệ MZ (Millenials và Gen Z) đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng thiết bị thông minh trong nhà.
Theo tổ chức xã hội Ruh Global Impact, công nghệ - thông tin được ứng dụng vào các khía cạnh khác nhau trong đời sống, bao gồm nhà cửa. Các thiết bị điện tử hỗ trợ con người trong việc dọn dẹp, nấu nướng, bật/tắt đèn, đóng/mở rèm cửa.
Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế, khi sử dụng thiết bị công nghệ trong nhà, người dùng vẫn gặp một số khó khăn, rắc rối. Đối với ngành hàng smart kitchen (nhà bếp thông minh), nồi chiên không dầu, lò nướng đa năng vẫn không thể đảm bảo thức ăn đạt độ chín như mong muốn, tránh mất độ ẩm.
Trong khi đó, quần áo, sàn nhà, bề mặt kính vẫn còn tồn đọng vết bẩn do máy giặt, robot dọn nhà không có khả năng nhận diện vết bẩn cứng đầu để xử lý.