Một chiếc tủ lạnh trống rỗng, một bồn rửa chứa đầy những gói mỳ ăn liền và các hóa đơn chưa thanh toán là những gì lấp đầy ngôi nhà của một người đàn ông 50 tuổi ở Gangseo-gu, Seoul, người vừa phát hiện tự sát vào hôm 28/6 vừa qua.
Việc gia tăng về những cái chết cô đơn ở Hàn Quốc đang khiến nhiều người lo lắng. Tại đất nước này, những người đang phải sống một mình, không vợ con, không gia đình đang chiếm tới 1/3 tổng số hộ gia đình.
Sự cô lập xã hội và nỗi cô đơn đang trở thành vấn đề nghiêm trọng trong xã hội hiện đại, một vấn đề nan giải không chỉ riêng tại Hàn Quốc.
Chính phủ Anh, Nhật Bản cũng phải trực tiếp "nhúng tay" vào để giải quyết sự cô đơn cho người dân nước họ.
Cảm giác bị cô lập
Theo thống kê Tổng cục dân số Hàn Quốc, số hộ gia đình độc thân tăng vọt từ 5,39 triệu hộ vào năm 2016 lên đến 6,64 triệu hộ vào năm 2021, chiếm 31,7% tổng số hộ gia đình trên cả nước.
Ngoài việc là những người sống một mình, sự xa cách xã hội trong đại dịch Covid-19 cũng làm tăng thêm cảm giác bị cô lập.
Cuộc khảo sát do Gallup Korea và tờ báo địa phương Seoul Shinmun thực hiện vào tháng 12/2021 cho thấy 45,9% trong số 1008 người được hỏi cho biết họ cảm thấy “đơn độc hơn” so với thời kỳ trước đại dịch.
Một báo cáo năm 2021 của Viện Nghiên cứu Thống kê cũng cho thấy cảm giác cô đơn ở nam giới đã tăng từ 19,6% vào năm 2019 lên 21,2% một năm sau đó. Trong khi đó, con số này tăng từ 21,5% lên 23,4% đối với phụ nữ.
Các chỉ số về sự hài lòng với cuộc sống, tìm thấy ý nghĩa cuộc sống và cảm xúc giữa một người bị xã hội cô lập và một người không gặp phải vấn đề này cũng có sự chênh lệch lên mức báo động.
Năm 2018, Hiệp hội Tâm lý học Lâm sàng Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 317 nhà tâm lý học thành viên để chẩn đoán mức độ cô đơn của người Hàn.
Kết quả trung bình được công bố là 78/100 điểm. Những người tham gia khảo sát chọn "chủ nghĩa cá nhân" ngày càng tăng (62,1%). Đây được đánh giá là nguyên nhân hàng đầu của hiện tượng này. Tiếp theo là các yếu tố như căng thẳng gia tăng giữa các giai cấp, tầng lớp và suy thoái kinh tế lần lượt ở mức 54,6% và 48,3%.
Trong một báo cáo được thực hiện cùng năm bởi công ty thăm dò ý kiến địa phương Hankook Research, 7% người được hỏi cho biết họ “luôn cảm thấy cô đơn”, trong khi 19% nói rằng họ thường xuyên cảm thấy như vậy.
Khoảng 41% những người độc thân cho biết họ thường xuyên hoặc liên tục cảm thấy cô đơn. Trong khi con số này giảm xuống chỉ còn 18% đối với các cặp vợ chồng.
Tất cả các nghiên cứu trên đều chỉ ra cảm giác cô đơn ngày càng tăng đến mức báo động ở người Hàn Quốc. Đồng thời, các nghiên cứu khác trên khắp thế giới cũng chỉ ra rằng điều này có thể gây ra mối nguy hiểm thực sự cho sức khỏe của họ.
Sự cô đơn giết chết họ
8/2022, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố khoa học rằng sự cô lập và cô đơn trong xã hội có thể làm tăng nguy cơ mắc hoặc tử vong do đau tim và đột quỵ.
Crystal Cene, chủ tịch nhóm nghiên cứu công bố trên Tạp chí AHA cho biết: “Có bằng chứng chứng minh rằng sự cô lập và cô đơn trong xã hội ngày nay làm gia tăng các bệnh về tim mạch và làm trí não hoạt động kém hơn".
Báo cáo cho thấy nguy cơ đau tim hoặc tử vong do bệnh tim tăng 29% và nguy cơ đột quỵ tăng 32% ở những người cảm thấy cô đơn và không tìm được sự gắn kết từ các mối quan hệ ngoài xã hội.
Một bài báo năm 2020 của các học giả về sức khỏe cộng đồng từ Leeds (Vương quốc Anh) cũng nhấn mạnh mối tương quan giữa sự cô lập xã hội, sự cô đơn và sức khỏe thể chất.
“Sự cô lập với xã hội làm tăng 29% nguy cơ tử vong, trong khi cô đơn làm tăng 26% và sống một mình là 32%. Đối với những người dưới 65 tuổi, bất cứ điều nào trong 3 điều này cũng là nguy cơ lớn đối với sức khỏe của họ".
“Sự cô lập với xã hội, hoặc thiếu cơ hội giao lưu, làm phát sinh cảm giác cô đơn. Dù điều này đến một cách trực tiếp hay gián tiếp đều dẫn đến nhiều hậu quả đối với sức khỏe tâm lý cũng như sức khỏe thể chất, thậm chí là tuổi thọ của chúng ta, ”các nhà nghiên cứu viết.
"Nói tóm lại, sự cô đơn giết chết con người."
Chính phủ tham gia
Vào năm 2018, Thủ tướng Vương quốc Anh là Theresa May đã đề xuất thành lập những cơ quan với các lãnh đạo cao cấp để giải quyết vấn đề cô đơn của người dân trong nước. Người nắm giữ vị trí bộ trưởng giải quyết nỗi cô đơn này thuộc bộ văn hóa thể thao, hiện là ông Nigel Huddleston đảm nhiệm.
Năm 2021, thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Yoshihide Suga cũng đã bổ nhiệm một bộ trưởng giải quyết các vấn đề về sự cô đơn để đối phó với tình trạng tử vong do tự tử ngày càng gia tăng tại Nhật Bản,
Tính đến năm 2020, tỷ lệ tự tử tại Hàn Quốc đứng đầu trong số các nước thành viên OECD ( Organization for Economic Cooperation and Development - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) với 25,4%. Tiếp theo là Lithuania và Slovenia lần lượt là 20,3% và 15,7%. Nhật Bản và Anh lần lượt là 14,6% và 8,5%.
Con số này, nghe có vẻ đáng buồn, nhưng thực sự đã đánh dấu sự cải thiện so với 10 năm trước đây.
Tuy nhiên, hiện nay người Hàn Quốc vẫn chưa cởi mở trong vấn đề để chính phủ can thiệp vào vấn đề cô đơn của họ. Ngay khi vương quốc Anh bổ nhiệm bộ trưởng cấp cao chuyên phụ trách các vấn đề về sự cô đơn, một khảo sát đã được mở ra tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, 46% trong số đó từ chối sự giúp đỡ từ chính phủ.
Ngày 23/8 vừa qua, Đảng Nhân dân cầm quyền và Đảng Dân chủ Hàn Quốc đã tổ chức diễn đàn giải quyết vấn đề cô đơn và cô lập xã hội tại kỳ họp quốc hội.
Tại hội nghị này, ông Shin In-chol, trợ lý giáo sư xã hội học đô thị tại Đại học Seoul đã nhấn mạnh sự thiếu nhận thức về mức độ nghiêm trọng của vấn đề cô đơn trong xã hội Hàn Quốc.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Jeon Byeong-geuk cũng nhấn mạnh sự cần thiết và vai trò của chính phủ trong việc giải quyết sự cô lập xã hội tại đất nước này. Họ cũng đề ra các cam kết, các biện pháp đối phó khi tỷ lệ người cô đơn và bị mất kết nối xã hội tại đất nước tăng cao.