Anh Mahesh Patel, 41 tuổi, đã làm công việc cắt và đánh bóng kim cương trong gần hai thập kỷ cho nhiều công ty khác nhau ở thành phố Surat - một trong những trung tâm đánh bóng kim cương lớn nhất thế giới - ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ.
Kinh nghiệm lâu năm và con mắt tinh tường từng mang lại cho anh thu nhập tương đối cao khi làm việc tại các khu chợ đông đúc ở vùng Mahidharpura của Surat.
Nhưng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến anh Patel và hàng ngàn đồng nghiệp của anh không có việc làm hoặc chỉ có số giờ làm việc tối thiểu. Ngành công nghiệp kim cương tại Surat sử dụng hầu hết kim cương thô từ Nga, và khi chúng trở nên ít sẵn có hơn, các nhà máy kim cương phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngày càng tăng.
Anh Patel nói với phóng viên kênh DW rằng: "Việc thiếu hụt nguồn cung kim cương thô đã khiến nhiều chủ nhà máy phải sa thải công nhân. Chúng tôi đã bị ảnh hưởng nặng nề và rất khó kiếm được việc làm. Các cơ sở kim cương nhỏ đã ngừng hoạt động."
Không đủ kim cương, không đủ việc làm
Chợ kim cương đã trở nên im ắng trong những tháng gần đây. Theo một ước tính sơ bộ của Hiệp hội Công nhân Kim cương Surat, Surat có khoảng 6.000 cơ sở đánh bóng kim cương, sử dụng hơn nửa triệu công nhân, đạt doanh thu hàng năm vào khoảng 21 - 24 tỷ USD. Nhưng gần đây, khoảng 10.000 công nhân làm trong ngành kim cương đã mất việc.
Ông Chander Bhai Suta - một nhà kinh doanh kim cương lâu năm ở Surat - nói với phóng viên kênh DW rằng: "Không có đủ kim cương. Vì vậy, không có đủ việc làm."
Alrosa - một doanh nghiệp khai thác kim cương thuộc sở hữu một phần của nhà nước Nga - cung cấp khoảng 30% kim cương thô trên toàn cầu. Đây là nguồn cung quan trọng đối với Ấn Độ - nơi nhập khẩu, cắt và đánh bóng 80-90% kim cương thô của thế giới. Theo kênh DW, Ấn Độ nhận được 60% kim cương thô từ Alrosa.
Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, các biện pháp trừng phạt Nga do phương Tây áp đặt đã làm xáo trộn nguồn cung kim cương thô trên thế giới, và Surat ở Ấn Độ cũng chịu ảnh hưởng. Mỹ là thị trường lớn nhất của kim cương Ấn Độ, nhưng một số công ty lớn của Mỹ hiện đã từ chối mua hàng hóa có nguồn gốc từ Nga.
Tài khoản "vostro" của Ấn Độ không đủ sức vượt qua lệnh trừng phạt
Ông Vipul Shah - Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Đá quý và Trang sức (GJEPC) - nói với phóng viên kênh DW rằng, ngành công nghiệp của ông đang đối mặt với một "thách thức".
Ông Shah nói: "Các biện pháp trừng phạt đã khiến khối lượng kim cương giảm hơn 30% và khối lượng xuất khẩu giảm 35%. Chắc chắn tình hình đã ảm đạm hơn trong vài tháng qua và chúng tôi hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn."
Các nhà cung cấp kim cương cũng chỉ ra rằng, lệnh trừng phạt đã loại bỏ Ngân hàng Trung ương Nga và 2 ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT toàn cầu.
Tháng 11 năm ngoái, Ấn Độ đã cho phép 9 ngân hàng mở tài khoản "vostro" (tài khoản do một ngân hàng nắm giữ thay mặt cho một ngân hàng khác) để giúp tạo thuận lợi cho giao dịch bằng đồng rupee với Nga. Ý tưởng là để lách qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga bằng cách thực hiện giao dịch bằng đồng rupee.
Tuy nhiên, động thái này đã không giải quyết được vấn đề. Mặc dù Ấn Độ muốn thúc đẩy thương mại bằng đồng rupee, nhưng vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận thương mại quốc tế lớn nào được thanh toán bằng đồng nội tệ của Ấn Độ.
Ông Shah nói: "Việc thanh toán giao dịch thương mại đã trở nên khó khăn và điều này dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung. Không có nhiều công ty đang sử dụng tài khoản vostro."
Kim cương nhân tạo được xem như kế hoạch B
Các nhà kinh doanh kim cương hiện đã nhận ra những khó khăn trong việc bù đắp cho sự sụt giảm kim cương thô từ Nga. Giá thành sản phẩm cũng đang tăng lên. Những người trong ngành chỉ ra rằng, trên thị trường quốc tế, kim cương được đánh bóng chất lượng cao đang có giá cao hơn 20 - 30% so với trước khi xảy ra cuộc xung đột Ukraine.
Ông Sanjay Kothari - một nhà công nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kim hoàn và đồng thời là Phó chủ tịch của tập đoàn sản xuất kim cương KGK Group - nói với phóng viên kênh DW rằng: "Sự gián đoạn chắc chắn là có, và tôi thấy mọi thứ sẽ chỉ ổn định vào nửa cuối năm nay, nếu không muốn nói là muộn hơn. Việc thiếu nguồn cung kim cương thô đã khiến một số công ty đầu tư vào lĩnh vực nuôi cấy kim cương trong phòng thí nghiệm."
Kim cương nhân tạo nuôi trong phòng thí nghiệm giống hệt kim cương tự nhiên về mọi mặt, ngoại trừ nguồn gốc của chúng. Chúng có các tính chất hóa học, vật lý và quang học giống như kim cương tự nhiên và cùng lấp lánh như nhau.
Tuy nhiên, những người trong ngành này tin rằng, kim cương nhân tạo có thể không trở thành một sự thay thế ngay lập tức nếu lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Alrosa vẫn tiếp tục.
Phần lớn kim cương được xử lý ở Gujarat có nguồn gốc từ Nga. Trong khi đó, một số cơ sở đánh bóng kim cương đã bắt đầu mua nguyên liệu thô từ các nước châu Phi, nhưng việc này mất chi phí nhiều hơn. Theo cơ quan xếp hạng Crisil, cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine cũng có khả năng làm cho giá kim cương thô tăng từ 10 đến 12% trong năm tài chính này.