Khi được hỏi về mục tiêu trong năm 2023, nhiều quản lý ngay lập tức khẳng định muốn phát triển chiến lược của doanh nghiệp, hoặc tập trung vào lộ trình thăng tiến.
Song, họ lại chần chừ khi phải nhắc đến vấn đề thể chất và tinh thần. Một số còn cho rằng phải mất quá nhiều thời gian và công sức để cân bằng cả sự nghiệp lẫn sức khỏe.
Thực tế, bạn vẫn có thể trở thành một nhà lãnh đạo giỏi mà không cần ép bản thân làm việc đến kiệt sức. Ngược lại, nếu cố đẩy bản thân đến giới hạn, bạn chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần hoạt động của nhân viên dưới quyền.
Dưới đây là một số lời khuyên từ Fast Company để bạn tránh cảnh kiệt sức khi ở vị trí quản lý.
Nguyên nhân và hậu quả
Theo huấn luyện viên nghề nghiệp Jody Michael, burn out có thể xảy ra với bất kỳ ai.
Đặc biệt, nhóm lãnh đạo càng dễ rơi vào tình trạng đuối sức vì đặc thù nhiệm vụ áp lực cao.
Theo khảo sát của tổ chức sự nghiệp JMA, một số quản lý dùng 70-80% thời gian trong ngày chỉ để tập trung vào những sai lầm của mình và đội ngũ nhân viên.
Cứ như vậy, lượng cortisol, hormone xuất hiện khi stress, được tiết ra liên tục, gây hại đến tâm trí và cơ thể của họ.
“Nhóm quản lý trẻ tuổi thường ‘quên’ trách nhiệm tự chăm sóc sức khỏe tinh thần. Họ hao phí quá nhiều năng lượng khi lo âu, nghĩ ngợi.
Tuy nhiên, dưới cường độ làm việc cao, cùng những đòi hỏi của xu thế lao động hiện nay, nhóm này khó tránh khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan”, Michael nói.
Bên cạnh đó, sự cam kết quá mức cũng là nguyên nhân lớn khiến lãnh đạo kiệt quệ. Cụ thể, họ không dám từ chối bất kỳ nhiệm vụ nào, cũng như chưa xác lập các ranh giới lành mạnh giữa công việc - đời sống riêng.
Tình trạng này chỉ cho thấy bạn đang thiếu định hướng và kỳ vọng rõ ràng cho vị trí của mình, thay vì thực sự là một người dẫn dắt thành công. Điều quản lý cần làm là điều khiển công việc, chứ không phải để mình bị các nhiệm vụ cuốn đi quá xa.
Hướng giải quyết
Trở thành quản lý đồng nghĩa với việc bạn phải chịu trách nhiệm với nhiều nhân viên dưới quyền.
Do đó, nếu không có ý thức cân đối thời gian, chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, nhiều khả năng bạn sẽ gây tác động xấu đến tiến độ và hiệu quả lao động của tập thể.
Trong trường hợp bạn đang điều hành đội nhóm, cảm thấy mệt mỏi và chưa tìm được lối ra, hãy cân nhắc một số lời khuyên sau:
Cho phép mình nghỉ ngơi
Làm việc quần quật chưa bao giờ là ý tưởng hay, dù bạn là nhân viên bình thường hay đã ở vị trí lãnh đạo.
Bên cạnh đó, một quản lý giỏi sẽ chấp nhận việc mình đang bị quá tải, thay vì giả vờ như mọi chuyện đều ổn.
Lúc này, điều bạn cần làm là cho phép bản thân chậm lại và nghỉ ngơi. Chúng ta vẫn có thể theo dõi tiến độ chung, song đừng để các tin nhắn từ nhóm công việc điều khiển tâm trí mình. Nếu được, hãy dành chút thời gian tập thể dục, dạo quanh khu nhà, đọc sách hoặc làm bất kỳ điều gì yêu thích.
“Bạn sẽ không thể đi xa hơn nếu ghìm mọi thứ quá chặt. Những đoạn nghỉ ngơi nhẹ nhàng có ý nghĩa tiếp thêm năng lượng, cải thiện sức bền cho quản lý trên con đường sự nghiệp”, Michael khẳng định.
Học cách nói “không”
Chúng ta đều hiểu rằng nhóm quản lý thường có xu hướng nhận thêm việc, dù lịch trình đã tương đối bận rộn. Họ nghĩ đây chỉ đơn giản là cách thể hiện trách nhiệm và thử thách bản thân.
Song, để thực sự là một nhà lãnh đạo tốt, bạn cần tập từ chối. Nhờ đó, bạn không tự đặt mình vào thế bị động, hay phải hối hận vì đã quá ôm đồm.
Quan trọng hơn cả, nó còn cho thấy thái độ quyết đoán, yếu tố bắt buộc với người dẫn dắt tập thể.
Sắp xếp lại thời gian biểu
Thay vì gắng gượng, bạn có thể cân nhắc, dành ra một tuần để sắp xếp lại lịch làm việc sao cho phù hợp nhất với khả năng hiện tại. Nên ưu tiên các hoạt động làm bạn dễ chịu, có thể thực hiện cùng đồng nghiệp hoặc nhân viên dưới quyền thân thiết.
Bên cạnh đó, hãy luôn tự xác định lại đâu mới là mục tiêu quan trọng trong từng thời điểm. Bạn sẽ không lạc lối hay phải dồn sức vào những thứ chưa thực sự cần thiết. Đồng thời, đây là cơ hội tốt để dành thời gian cho một số hoạt động cải thiện tinh thần, tùy theo nhu cầu và sở thích cá nhân.
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Trong trường hợp vẫn thấy quá sức dù đã cố sắp xếp, hãy thử nhờ cậy đồng nghiệp hoặc cấp dưới. Suy nghĩ “chỉ mình tôi chống đỡ mọi thứ” sẽ nhanh chóng hủy hoại bạn.
Luôn nhớ rằng, bạn không thể tự mình làm tất cả mọi thứ. Ngoài ra, việc chủ động san sẻ, giao trách nhiệm của bạn sẽ khiến nhân viên cảm thấy được tin tưởng và cố gắng hoạt động có trách nhiệm hơn.
Hãy xác định rõ giới hạn của bản thân, cố giữ mọi thứ trong khả năng kiểm soát. Người lao động, dù ở bất kỳ vị trí nào, cũng dễ rơi vào tuyệt vọng nếu phải cố chứng tỏ tinh thần trách nhiệm cao.