Trong vài năm qua, thị trường smartphone đang tiếp bước theo những gì đã từng xảy ra ở thị trường ôtô cũ.
Nhiều người dùng hiện nay có xu hướng nâng cấp điện thoại của mình theo chu kỳ 2 hoặc 3 năm một lần và coi những chiếc cũ chỉ là đồ dùng một lần.
Tuy nhiên, thực tế là những chiếc điện thoại cũ vẫn tồn tại tốt và có tuổi thọ lâu dài. Nói cách khác, điện thoại cũng giống như phương tiện. Chúng đắt tiền, bền bỉ và đối với phần lớn người dùng, thiết bị cũ là quá đủ tốt.
Thậm chí, chính sách với thiết bị cũ đã phần nào hé lộ cách mà những ông lớn trong ngành kiếm được phần lớn lợi nhuận mà không cần phụ thuộc vào doanh số bán phần cứng.
Thân thiện với thiết bị cũ
Dữ liệu của WSJ cho thấy người Mỹ vẫn đang chuộng sử dụng các thiết bị cũ, đã qua sử dụng hay được tân trang lại.
Theo Counterpoint Research, trong quý II/2022, lần đầu tiên thị phần smartphone của Apple tại Mỹ vượt mốc 50%.
Hanish Bhatia, nhà phân tích tại Counterpoint cho biết, tính đến tháng 12/2022, điện thoại iPhone đã chiếm đến 52,5% số smartphone được sử dụng ở Mỹ.
Sự bền bỉ của iPhone không phải là trùng hợp ngẫu nhiên mà nó đến từ chính sách hợp lý của Apple.
Cụ thể, "Táo khuyết" vẫn hỗ trợ nâng cấp phần mềm cho các thiết bị đã được sản xuất từ năm 2017.
Chính cam kết này đã giúp những chiếc iPhone có tuổi thọ đáng kể, khi vẫn có thể hoạt động mượt mà dù đã sang tay ít nhất 3 người dùng trước khi bị loại bỏ.
Ngoài ra, các nhà mạng tại Mỹ còn hạ giá cho mẫu điện thoại mới khi người mua đổi điện thoại cũ.
Tác động của chính sách này đã đem về thắng lợi to lớn cho "Táo khuyết". Nếu Apple có thể giữ cho thị phần ngày càng gia tăng, cuối cùng phần lớn smartphone ở Mỹ sẽ là iPhone.
Apple và quá trình "cao cấp hóa" sản phẩm
Trên thực tế, việc Apple từng bước thống trị thị trường smartphone tại Mỹ đã được thực hiện trong một thời gian dài.
Carolina Milanesi, nhà phân tích công nghệ của Creative Strategies, lập luận Apple đã xây dựng cả một hệ sinh thái bao gồm các sản phẩm tương thích và phụ thuộc lẫn nhau như AirPods, máy tính Mac và Apple Watch.
Bà Milanesi mô tả điều này như việc xây dựng "một khu vườn có tường bao quanh" khiến người dùng có xu hướng gắn bó với Apple.
Bên cạnh đó, mức giá ngày càng tăng của những mẫu điện thoại mới cũng góp phần quan trọng.
Giống như các thị trường khác, từ thức ăn cho thú cưng, phương tiện đi lại cho đến nhà ở và giày dép, thiết bị điện tử tiêu dùng đã trải qua quá trình “cao cấp hóa”.
Đây là thuật ngữ trong tiếp thị ám chỉ việc một công ty sẽ tìm ra cách tính phí người tiêu dùng ở mức cao nhất mà họ vẫn sẵn lòng chi trả.
iPhone 14 Pro Max, phiên bản cao cấp nhất hiện này của Apple với giá tới 1.599 USD chính là ví dụ tiêu biểu nhất.
Kể từ mùa lễ năm 2022-2023, Apple đã tăng giá trung bình ở tất cả các đợt ra mắt iPhone mới lên hơn 900 USD. Đây là mức giá cao chưa từng có và hơn gần 10% so với chỉ một năm trước đó.
Tuy nhiên, người dùng không hề khó chịu mà ngược lại còn có xu hướng ưa chuộng những chiếc điện thoại như vậy.
Nguyên nhân bởi đi kèm với việc giới thiệu những thiết bị cực kỳ đắt tiền, Apple cũng khéo léo bổ sung một số tính năng công nghệ đáng chú ý như màn hình lớn và camera tốt hơn.
Tính đến mùa hè 2022, chuyên gia phân tích Ming-Chi Kuo của TF International Securities cho biết iPhone 14 Pro Max là mẫu điện thoại phổ biến nhất trong số các thiết bị cao cấp của hãng.
Không cần bán nhiều phần cứng vẫn lãi lớn
Theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường IDC, có tới 283 triệu smartphone đã qua sử dụng hoặc tân trang được bán vào năm 2022, chiếm gần 1/5 tổng số điện thoại bán ra trên toàn cầu.
So với số lượng điện thoại cũ được bán vào năm 2021, con số này đã cao hơn 11,5%.
Đến năm 2026, IDC dự đoán doanh số bán điện thoại đã qua sử dụng sẽ đạt 415 triệu, tương ứng với tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 14%.
Để so sánh, tốc độ này gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng doanh số bán điện thoại mới hàng năm.
Trong khi đó, theo công ty phân tích công nghệ CCS Insight, điện thoại của Apple đã chiếm hơn 80% thị trường điện thoại đã qua sử dụng.
Nhiểu người có thể nghĩ rằng việc doanh số bán thiết bị đã qua sử dụng sẽ là mối đe dọa đối với doanh thu của Apple thông qua việc đe dọa doanh số bán điện thoại mới.
Tuy nhiên, "Táo khuyết" đã tìm ra cách để kiếm tiền trên gần như mọi chiếc iPhone mà không cần lo lắng đến việc bị giảm doanh số do thị trường điện thoại cũ.
Theo đó, Apple đã tạo ra doanh thu dịch vụ kỷ lục 20,8 tỷ USD cho công ty vào quý trước.
Phần lớn trong doanh thu ấn tượng này là nhờ vào 935 triệu thuê bao đăng ký trả phí cho các dịch vụ của chính Apple, bao gồm iCloud và Apple Music.
Con số này chiếm gần 17% doanh thu của "Táo khuyết" trong giai đoạn này. Thậm chí, trong tổng lợi nhuận của Apple, tỷ suất lợi nhuận trên dịch vụ đã cao hơn nhiều so với việc bán phần cứng.
Chetan Sharma, chuyên gia phân tích ngành viễn thông nhận định xu hướng như ở Mỹ sẽ lặp lại trên toàn cầu.
Từ châu Âu đến châu Á, ở các quốc gia giàu có, người tiêu dùng dưới 29 tuổi vẫn ưa chuộng iPhone. Tình trạng này cũng xảy ra ngay cả ở Hàn Quốc, nơi được xem như quê hương của đối thủ Samsung.
Với việc nhu cầu mua điện thoại cũ đang phát triển với tốc độ bùng nổ, viễn cảnh Apple sớm thống trị thị trường smartphone bên ngoài nước Mỹ là điều có thể được dự báo trước.