Ngay từ đầu buổi đối thoại với doanh nghiệp ngày 24/6 về thực trạng của ngành xây dựng những năm qua, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thừa nhận nếu đúng theo quy định pháp luật hiện hành, không dự án nhà ở nào có thể hoàn thành thủ tục giấy tờ trong thời gian ngắn hơn 1,5-2 năm, có những dự án kéo dài trên 2-5 năm.
"Chúng tôi cảm nhận được sức ép phải thay đổi quy trình, thể chế làm việc, tuy nhiên còn nhiều khó khăn. Từ cuối 2021 đến nay chúng tôi đã đề xuất rút ngắn các quy trình liên quan đến nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, đang tiến tới rút ngắn quy trình đối với nhà ở thương mại nhằm cải tạo môi trường đầu tư kinh doanh tại TP.HCM", ông Huỳnh Thanh Khiết giãi bày.
Hơn 30 năm bỏ hoang
Kể lại câu chuyện đầu tư kinh doanh của chính bản thân mình, ông Đinh Công Khương - Chủ tịch Công ty Thép Khương Mai, đồng thời là Chủ nhiệm CLB các doanh nghiệp thép TP.HCM - cho biết hơn 30 năm sau khi mua đất ở quận 7 trong khu dân cư hiện hữu, đến nay ông vẫn phải bỏ hoang vì gặp khó khăn trong việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở.
"Nhiều công ty dịch vụ không dám nhận hỗ trợ vì cho rằng thủ tục phức tạp. Mãi đến năm 2004 tôi mới chuyển được một nửa, 2006 chuyển được nửa còn lại. Sau đó, tôi mua thêm miếng đất ngay phía sau, định gộp chung để xây dựng văn phòng hoặc kho bãi nhưng đến nay sau 5 lần nộp hồ sơ vẫn chưa chuyển được mục đích sử dụng đất, dù không vướng mắc gì", ông Khương nói.
Theo ông, chỉ tính riêng miếng đất mua sau này, ông đã phải vay ngân hàng trên 40 tỷ đồng với lãi suất hơn 300 triệu đồng/tháng. Thế nhưng đến nay, ông vẫn chưa thể khai thác miếng đất, điều này ngược lại cũng khiến ngân sách Nhà nước mất một khoản thu.
"Ở các vùng ven như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi vẫn còn nhiều khu đất nông nghiệp bị bỏ hoang, trong khi đó dân không có nhà ở, doanh nghiệp không có kho bãi để lưu trữ hàng hóa. Có biện pháp nào đưa những miếng đất này vào khai thác sử dụng hiệu quả trong thời gian tới hay không?, ông Đinh Công Khương chất vấn lãnh đạo các sở, ngành của TP.HCM.
Vì nhiều lý do, chủ yếu về thủ tục đầu tư, nhiều đại gia bất động sản phải chạy đi nơi khác. Ví dụ như Novaland hay Hưng Thịnh, họ tìm về các địa phương khác như Bình Thuận, Bình Định... đầu tư hàng loạt dự án cả 1.000 ha. Tại sao TP.HCM lại để chảy máu tư sản như vậy?
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành
Nhấn mạnh tại hội nghị, ông cho rằng vấn đề này sẽ khiến người dân, doanh nghiệp đổ về các tỉnh thành lân cận khác.
Ông dẫn chứng một doanh nghiệp ở Bình Phước chỉ mất vài tháng để chuyển mục đích sử dụng đất trồng cao su sang đất làm trại heo, hay một xưởng đóng tàu ở Long An cũng chỉ mất thời gian tương tự để chuyển 10.000 m2 đất trong xưởng làm đất đầu tư sản xuất pallet.
"Vậy TP.HCM có vướng mắc như thế, liệu các sở ban ngành đã mạnh dạn đề xuất, xử lý hay chưa? Nếu chính quyền không mạnh dạn thì dân chết, doanh nghiệp chết", ông Đinh Công Khương nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng trong vòng 3-4 năm nay số dự án ở TP.HCM rất ít, gần như không còn nữa.
"Vì nhiều lý do, mà trong đó chủ yếu liên quan đến các thủ tục đầu tư, nhiều đại gia bất động sản phải chạy đi nơi khác. Ví dụ như Novaland hay Hưng Thịnh, họ tìm về các địa phương khác như Bình Thuận, Bình Định... đầu tư hàng loạt dự án cả 1.000 ha. Tại sao TP.HCM lại để chảy máu tư sản như vậy?", ông Đực đặt vấn đề.
Sẽ tháo gỡ vướng mắc của từng dự án
Trả lời các doanh nghiệp, ông Huỳnh Thanh Khiết cho rằng nguyên nhân chính là các quy trình, thủ tục chưa được điều chỉnh tương thích với sự thay đổi của các luật, nghị định, thông tư mới được ban hành hoặc sửa đổi từ năm 2019 đến nay.
Tuy nhiên, sau 3 đợt kiến nghị của hơn 110 dự án do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổng hợp gửi lên, Chính phủ đã thành lập tổ công tác vào TP.HCM để tháo gỡ vướng mắc của từng dự án. Trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến đất công, thủ tục đầu tư, quá trình cấp phép trước đây...
"Chúng tôi hi vọng trong năm nay sẽ có hướng tháo gỡ, bởi riêng Sở Xây dựng chúng tôi đang thụ lý trên 60 dự án còn vướng mắc, Sở Tài nguyên Môi trường cũng có con số tương tự", ông chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường khẳng định đất nông nghiệp nếu phù hợp với đất ở, đất thương mại dịch vụ thì được điều chỉnh quyền sử dụng đất, miễn là có kế hoạch sử dụng đất hàng năm, có dự án đầu tư được duyệt và có năng lực tài chính, phải kí quỹ theo quy định và không vi phạm Luật Đất đai.
Vị này cho rằng để hạn chế tình trạng hoang hóa đất đai, cần bám sát hiện trạng sử dụng đất để lập quy hoạch. Điều này đang được các sở ngành thực hiện trong quá trình điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, các thủ tục hành chính phải được đảm bảo thời gian theo quy định, riêng một số trường hợp nếu có thể thì đề xuất rút ngắn thời gian xử lý để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.
Riêng với loại hình đất nông nghiệp, ông cho biết vừa qua TP đã thí điểm đầu tư xây dựng công trình trên đất nông nghiệp ở Cần Giờ, Nhà Bè và Củ Chi. Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cũng chỉ đạo trong thời gian thí điểm nếu đánh giá giải pháp này hữu dụng thì sẽ triển khai thêm ở Hóc Môn và Bình Chánh, nhằm tránh lãng phí tài nguyên đất.