Nguồn lực hứa hẹn chảy vào ĐBSCL
Tâm điểm đầu tư hạ tầng giao thông đang dồn về khu vực phía Nam, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL. Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua 5 dự án quan trọng quốc gia, trong đó có tới 4 dự án đường cao tốc thuộc khu vực phía Nam. Cụ thể, 3 dự án đường cao tốc mới gồm Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng; Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng); và dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng). Bên cạnh đó, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM cũng được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong nhiệm kỳ này, Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ và Quốc hội đã tập trung nguồn lực rất lớn cho ĐBSCL. Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách đã được Quốc hội thống nhất để tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực này.
Bộ Giao thông - Vận tải nhận định, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL hiện nay còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn. Với khoảng 90 km đường bộ cao tốc hiện nay, cả khu vực chỉ chiếm khoảng 7% khối lượng đường bộ cao tốc của cả nước. Nguyên nhân chủ yếu khiến nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu là điều kiện địa hình bị chia cắt, nền địa chất yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên suất đầu tư xây dựng lớn. “Theo tính toán, suất đầu tư đường bộ cao tốc tại khu vực ĐBSCL cao hơn 1,3-1,5 lần so với các khu vực khác, đây cũng là một phần lý do khiến số lượng công trình được đầu tư chưa được nhiều, đồng thời khả năng kêu gọi nguồn lực từ xã hội bị hạn chế”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Duy Lâm thông tin.
Cơ chế đặc thù giúp khơi thông nguồn lực
Trên thực tế, nhu cầu phát triển hệ thống đường cao tốc khu vực ĐBSCL là rất cấp bách, song vấn đề vướng mắc nhất hiện nay vẫn là nguồn lực. Theo đó, vốn thực hiện dự án chủ yếu là nguồn đầu tư công, mà theo đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), nguồn vốn đầu tư công 2 triệu tỷ đồng dự kiến chỉ huy động được trong điều kiện lý tưởng, khi nguồn thu ngân sách dồi dào. Còn trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, nguồn lực hỗ trợ trực tiếp từ phía ngân sách Trung ương chắc chắn sẽ rất khó khăn. Trong khi việc dựa vào nguồn của địa phương cũng rất mong manh. Bởi hiện nay một số tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang… đều là những tỉnh rất nghèo, thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng/năm, lại chủ yếu dựa vào những nguồn thiếu bền vững như dầu khí, xổ số kiến thiết... thì một năm cân đối để bỏ ra được vài trăm tỷ đồng vốn đối ứng là vấn đề không đơn giản.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang kỳ vọng việc phát triển hệ thống đường cao tốc sẽ là đòn bẩy để địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân và từ đó có nguồn chi trả trở lại cho các dự án hạ tầng trọng điểm này. Theo đó, trong chương trình đầu tư đường cao tốc vừa được Quốc hội thông qua, tỉnh Hậu Giang có 2 tuyến đường với chiều dài hơn 100 km, mỗi tuyến đường đều kết nối với tỉnh ở ít nhất là 4 điểm. Ông Thanh cho biết, việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng sẽ là cơ sở để Hậu Giang tận dụng lợi thế kết nối với các tỉnh giàu có hơn trong khu vực, từ đó tạo lực đẩy thu hút vốn tư nhân.
Trong bối cảnh nguồn tiền hạn chế, thì cơ chế vẫn là ưu tiên hàng đầu. Cần lưu ý thêm rằng cả 3 dự án hạ tầng trọng điểm đều được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, trong đó có nội dung được thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp; được giao cho các địa phương làm chủ đầu tư các đoạn đi qua địa bàn...
Đối với dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, vừa qua Bộ Giao thông - Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo hướng chuyển vốn vay về cho vay lại, đồng thời bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước đối với các dự án do DNNN làm chủ đầu tư. Sở dĩ đây được coi là cơ chế ưu đãi, vì trước đó theo Luật Ngân sách 2015, các khoản vay nước ngoài sẽ được Chính phủ cho chính quyền các địa phương vay lại và giảm tối đa phần cấp phát để đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, “xét trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, Chính phủ đã nhận thấy việc đặt trọng trách huy động vốn lên vai các chính quyền địa phương là quá khó khăn, vì vậy Chính phủ đã trực tiếp phát huy vai trò cầm trịch để đảm bảo huy động nhanh nhất nguồn lực cho các dự án trọng điểm”. TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng bình luận.
Theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được huy động vốn theo các hình thức như phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; vay vốn các TCTD; vay lại Bộ Tài chính từ các nguồn vay nước ngoài; tạm ứng tồn ngân quỹ Kho bạc Nhà nước; vay Ngân hàng Phát triển. Vì vậy theo các chuyên gia, nguồn huy động vốn của địa phương là rất đa dạng. Vấn đề chỉ là địa phương sẽ lấy nguồn thu từ đâu để đảm bảo chi trả cho các nguồn vay này.
Theo một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, quỹ đất công được tạo ra khi triển khai giải tỏa mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm chính là nguồn lực cần được khai thác hiệu quả. Bài học về việc huy động nguồn lực này từ khu vực Thủ Thiêm, TP. HCM chính là ví dụ điển hình cho thấy việc đưa giá trị đất đai vào phát triển kinh tế có thể mang lại nguồn lực lớn tới mức nào cho chính quyền địa phương. Theo đó, các hình thức huy động nguồn lực từ đất công, trong đó có đấu giá quyền sử dụng đất là một phương án hữu hiệu.
Tuy nhiên, câu chuyện Thủ Thiêm cũng cho thấy rằng việc đấu giá công khai, minh bạch, đồng thời quy trình thanh toán, phương án sử dụng đất… cần được hoạch định rõ và giám sát chặt chẽ, từ đó sẽ là cơ sở để chính quyền các địa phương khơi thông nguồn lực từ quỹ đất công.