Tại buổi lễ chứng kiến chiếc xe điện thứ 5 triệu lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất ở Thâm Quyến ngày 9/8, ông Wang Chuanfu, người sáng lập kiêm chủ tịch BYD, đã cam kết rằng công ty của ông sẽ không chỉ tăng thị phần bên ngoài Trung Quốc đại lục mà còn lọt vào top các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, giành được sự công nhận và đánh giá cao như những cái tên quen thuộc trên toàn cầu.
“Trung Quốc vẫn chưa tạo ra một danh hiệu quốc tế nào của riêng mình được công nhận và tôn trọng trên toàn cầu”, ông Wang cho biết, “Đã đến lúc các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thay đổi trật tự của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu và vạch ra con đường tiến vào một lãnh thổ rộng lớn mới.”
Lời phát biểu của vị tỷ phú này phản ánh tham vọng của BYD trong việc bán nhiều ô tô điện hơn ở nước ngoài nhằm thể hiện sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện. Mặc dù công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, được sở hữu khoảng 10% bởi Berkshire Hathaway của Warren Buffett, đã là nhà chế tạo xe điện lớn nhất thế giới.
BYD đã vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới về doanh số bán hàng vào năm 2022. Tuy nhiên, phần lớn doanh số bán hàng của hãng đến từ quê nhà Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Tổng doanh số bán xe điện ở Trung Quốc chiếm khoảng 60% tổng doanh số toàn cầu vào năm 2022.
Ông Wang cho biết BYD và các đối thủ Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng mình thành những cường quốc như General Motors, Volkswagen và BMW, những sản phẩm của họ được người lái xe trên toàn thế giới đón nhận nồng nhiệt.
David Zhang, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Cao đẳng Khoa học và Công nghê Huanghe, cho biết: “Chủ tịch BYD đã gửi một thông điệp lớn tới các hãng xe và khách hàng toàn cầu rằng BYD sẽ trở thành một công ty xe điện mới hùng mạnh, có khả năng cạnh tranh với bất kỳ thương hiệu ô tô quốc tế lâu đời nào ở bất kỳ thị trường quốc tế nào”.
Bây giờ, Wang và các đồng nghiệp của mình phải theo kịp trên trường toàn cầu. Zhang cho biết: “Điều quan trọng sống còn đối với BYD và các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác là tạo ra một số lượng lớn xe được bán bên ngoài Trung Quốc nếu họ quyết tâm trở thành những người chơi toàn cầu.
Theo chiến lược công nghiệp Made in China 2025, Bắc Kinh muốn hai nhà sản xuất EV hàng đầu của đất nước tạo ra 10% doanh số bán hàng của họ từ thị trường nước ngoài vào năm 2025.
Bằng cách giữ giá thấp hơn nhiều so với 'rào cản tâm lý' 100.000 NDT (330 triệu đồng), BYD đã trở thành thương hiệu được những người mới bắt đầu lái xe lựa chọn, giúp hãng có lợi thế hơn các đối thủ lớn hơn như Volkswagen, Toyota và Honda. Thậm chí ngày nay, trong thị trường xe điện đang phát triển nhanh chóng, BYD được biết đến với các mẫu xe có giá dưới 200.000 NDT (660 triệu đồng) – rẻ hơn khoảng 30% so với các mẫu xe cao cấp của Tesla và các đối thủ cùng quê như Nio và Xpeng.
Trải qua 20 năm phát triển, CEO BYD đã nhấn mạnh rằng quyết tâm chi mạnh tay cho nghiên cứu và phát triển của ông là chìa khóa thành công của BYD.
“Chúng tôi hiện đủ mạnh để dẫn đầu quá trình chuyển đổi của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Trung Quốc có thể tiếp thêm sức mạnh cho quá trình điện khí hóa của ngành”, ông Wang nói.
Năm 2011, giám đốc điều hành của Tesla, Elon Musk, từng cười phá lên trong một cuộc phỏng vấn khi BYD được nêu tên là đối thủ cạnh tranh tiềm năng.
BYD bắt đầu tích cực khai thác các thị trường bên ngoài Trung Quốc vào năm ngoái với kế hoạch bán ô tô do Trung Quốc sản xuất hoặc thành lập các nhà máy lắp ráp địa phương để sản xuất ô tô cho thị trường quốc tế.
Tháng trước, họ đã công bố kế hoạch đầu tư 620 triệu USD vào một khu liên hợp công nghiệp ở bang Bahia phía đông bắc Brazil. Họ cũng đang xây dựng một nhà máy ở Thái Lan, sẽ có công suất hàng năm là 150.000 xe khi hoàn thành vào năm tới.
Hồi tháng 5, BYD đã ký thỏa thuận sơ bộ với chính phủ Indonesia để sản xuất ô tô điện tại nước này. Công ty cũng đang xây dựng một nhà máy lắp ráp ở Uzbekistan.
Tại đại lục, BYD đã giao 262.161 chiếc trong tháng 7, tăng 3,6% so với tháng 6. Hãng đã phá kỷ lục doanh thu hàng tháng trong tháng thứ 3 liên tiếp.