Chiều 24/6, đa số các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM. Ngoài các chính sách kế thừa từ Nghị quyết 54, Quốc hội đồng ý trao thêm một số cơ chế đặc thù mới, mang tính đột phá, lan tỏa.
Mục tiêu của nghị quyết nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.
Nhân dịp này, Tri Thức Trực Tuyến đã có cuộc phỏng vấn ngắn bên hành lang Quốc hội với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM.
Thành lập nhiều cơ quan đặc biệt
- Thưa ông, ông có thể đánh giá ý nghĩa của Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM, đặc biệt là sự vượt trội so với Nghị quyết 54?
- Chúng tôi đánh giá Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua cho phép TP.HCM thí điểm các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các khó khăn, chủ động hơn trong giải quyết thủ tục hành chính. Đây cũng là cơ hội để Thành phố huy động nguồn lực để phát huy các tiềm năng - thế mạnh, tạo sự phát triển đột phá, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của cả nước.
Các cơ chế, chính sách được thí điểm thành công là cơ sở để xem xét thể chế hóa, áp dụng chung cho cả nước hoặc các đô thị lớn khác.
- UBND TP.HCM đã có kế hoạch cụ thể về chương trình hành động, trong đó có việc thiết kế bộ máy năng động hơn, phù hợp với chức năng nhiệm vụ? Dự kiến những cơ quan nào sẽ được thành lập, các chức danh nào sẽ được bổ sung, số lượng nhân sự ở các cơ quan, địa phương nào sẽ được tăng cường?
- Ngoài các tổ chức và chức danh được nêu rõ trong Nghị quyết như Sở An toàn Thực phẩm, Ban Đô thị HĐND TP Thủ Đức, số lượng phó chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND TP Thủ Đức…, TP.HCM sẽ nghiên cứu thành lập các đơn vị sự nghiệp hướng đến tự chủ kinh phí.
Điển hình như chúng tôi sẽ tiến tới thành lập Viện Công nghệ Tiên tiến TP.HCM, Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, Ban quản lý các công trình giao thông trọng điểm, Trung tâm An sinh TP.HCM… để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
TP.HCM cũng sẽ rà soát để củng cố tổ chức, nhân sự các bộ phận tham mưu, quyết định trực tiếp các nội dung triển khai Nghị quyết. Đồng thời, chúng tôi cũng thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác triển khai Nghị quyết một cách phù hợp.
Một trong những vấn đề chúng tôi cũng tính đến là việc sẽ nghiên cứu phát triển các hình thức mới trong việc cung ứng dịch vụ công, dịch vụ tư vấn để huy động tốt hơn trí tuệ, nguồn lực xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Triển khai nhiều công trình trọng điểm với hình thức PPP
- Ngay sau khi có nguồn lực khi cơ chế đặc thù có hiệu lực, UBND TP.HCM sẽ tập trung vào những dự án hạ tầng trọng điểm nào, dự kiến vốn đầu tư là bao nhiêu?
Phát huy các cơ chế, chính sách được Nghị quyết cho phép thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) như BOT (xây dựng vận hành chuyển giao), BT (xây dựng chuyển giao)..., chúng tôi sẽ tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm như: Hoàn thiện dự án đường vành đai 2, xây dựng đường vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, dự án mở rộng quốc lộ 13, các dự án đường trên cao, dự án cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ…
Chúng tôi cũng phát huy các cơ chế, chính sách được cho phép để huy động nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện công trình đường sắt đô thị, chống ngập… Đặc biệt, Nghị quyết mới của Quốc hội cũng cho phép TP.HCM áp dụng hình thức PPP trong triển khai các dự án văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục… Chúng tôi sẽ vận dụng cơ chế chính sách này để triển khai các dự án trong lĩnh vực nêu trên.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ phát huy các cơ chế chính sách về TOD để phát triển đô thị. TOD (Transit Oriented Development) là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.
Do đó, TP.HCM sẽ tận dụng quỹ đất dọc các tuyến metro, vành đai để phát triển các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ, gắn tái cơ cấu bố trí dân cư, hình thành các hành lang đô thị - công nghiệp - dịch vụ - logistics và các trung tâm đô thị mới.
- Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, việc quản lý các dự án TOD cần một cơ quan chuyên trách. UBND TP.HCM có dự kiến thành lập một cơ quan chuyên trách phát triển TOD hay không?
- Về thành lập cơ quan quản lý TOD, Thành phố sẽ nghiên cứu để thành lập tổ chức phù hợp như đã nêu trên, có thể là Ban quản lý các dự án trọng điểm TP.HCM. Tuy nhiên, trước mắt, TP.HCM sẽ đã lập Tổ công tác nghiên cứu về TOD, có nhiệm vụ xác định vị trí, đề xuất mục đích khai thác và các bước chuẩn bị cần thiết.
Phân công cụ thể "sát người, sát việc"
- Công tác tự giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cơ chế đặc thù sẽ được TP.HCM thực hiện ra sao để đảm bảo minh bạch?
- Ngoài các biện pháp động viên, TP.HCM sẽ rà soát phân công cụ thể, sao cho “sát người, sát việc”. Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên kiểm tra qua chương trình kiểm tra hàng năm và các tổ công tác. Thành phố sẽ đánh giá cán bộ hàng quý kết hợp với chi thu nhập tăng thêm và thực hiện nghiêm khen thưởng - kỷ luật.
Trong quá trình thực hiện, Thành phố cũng sẽ điều chỉnh bố trí cán bộ phù hợp, đảm bảo năng lực thực thi.
Về cơ chế kiểm tra, Thành phố sẽ đưa vào chương trình thanh tra - kiểm tra hàng năm; tăng cường các tổ công tác, giám sát thường xuyên. Thành phố cũng thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác, tư vấn kịp thời có biện pháp thực thi hiệu quả.
- Sau khi Nghị quyết hoàn thiện, UBND TP.HCM sẽ xúc tiến xây dựng cơ chế phát triển trung tâm tài chính quốc tế như thế nào?
- Thành phố đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện đề án, hồ sơ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội trong thời gian sắp tới.