>>> Xem thêm: Bán khống bất hợp pháp là gì?
Chứng khoán Hàn Quốc tăng vọt sau động thái cấm bán khống hoàn toàn trong khoảng 8 tháng. Trong thời gian này, các nhà chức trách sẽ tìm cách ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp để hạn chế hỗn loạn thị trường.
Chỉ số Kospi đã tăng tới 2% vào đầu phiên giao dịch. Trong đó, giá cổ phiếu của LG Energy Solution Ltd. và Posco Future M Co. có mức tăng lớn nhất. Chỉ số Kosdaq vốn hóa nhỏ tăng tới 3,5%.
Ngày 5/11, Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) Hàn Quốc thông báo rằng giao dịch bằng cổ phiếu vay mượn sẽ bị cấm đối với các cổ phiếu thuộc Chỉ số Kospi 200 và Chỉ số Kosdaq 150 từ ngày 6/11 đến hết tháng 6/2024. Trước đó, lệnh cấm bán khống trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã được dỡ bỏ đối với hai chỉ số này từ tháng 5/2021, nhưng vẫn giữ nguyên đối với khoảng 2.000 cổ phiếu khác.
Chỉ số Kospi đã tăng mạnh vào đầu năm nay nhờ hoạt động mua vào mạnh cổ phiếu của các hãng pin xe điện và cổ phiếu chip liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Lo ngại về căng thẳng địa chính trị và lãi suất tăng cao trong những tháng gần đây đã đảo ngược đà tăng, khiến chỉ số này rơi vào vùng điều chỉnh, xóa sạch thành tích tăng trưởng trong năm.
Động thái cấm bán khống được đưa ra ngay trước cuộc tổng tuyển cử Quốc hội của Hàn Quốc vào tháng 4 tới. Một số nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền kêu gọi chính phủ tạm thời cấm bán khống cổ phiếu để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư cá nhân. Những người này đã tổ chức biểu tình để phản đối hành vi bán khống. Hầu hết hoạt động này ở Hàn Quốc được thực hiện bởi các nhà đầu tư tổ chức.
Các cơ quan quản lý tài chính cho rằng việc các ngân hàng đầu tư toàn cầu bán khống bất hợp pháp quy mô lớn và nhiều sai phạm khác đã gây gián đoạn thị trường. Họ sẽ tìm cách cải thiện để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ và cân nhắc những hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những nhà giao dịch vi phạm luật.
Theo Bloomberg