Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai (8/5) với mức biến động nhẹ, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ các báo cáo lạm phát quan trọng dự kiến được công bố trong tuần này. Giá dầu tăng 2% khi nỗi lo về suy thoái kinh tế Mỹ giảm bớt và một số nhà giao dịch cho rằng chuỗi 3 tuần mất giá của dầu do áp lực đến từ triển vọng nhu cầu đã kết thúc.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,05%, đạt 4.138,12 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,18%, đạt 12.256,92 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 55,69 điểm, tương đương giảm 0,17%, còn 33.618,69 điểm.
“Nhìn thoáng qua, thị trường có vẻ như ít biến động hơn trong phiên ngày thứ Hai, khi nhà đầu tư nghiền ngẫm về những thông tin của tuần trước và chuẩn bị đón nhận thêm những dữ liệu kinh tế mới trong tuần này. Nhưng nhìn sâu hơn, sẽ thấy sự biến động lớn hơn”, một cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.
Hai báo cáo đến từ Bộ Lao động Mỹ trong tuần này sẽ có ảnh hưởng lớn đến các quyết sách sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Đó là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 công bố vào ngày thứ Tư, tiếp đến là báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Năm.
Theo hãng tin Bloomberg, CPI lõi tháng 4 của Mỹ được dự báo tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi ghi nhận mức tăng 5,6% trong tháng 3. Trong vòng 4 tháng trở lại đây, CPI lõi dao động trong khoảng 5,5-5,7%. Một mức tăng có sự chênh lệch lớn so với dự báo có thể khiến thị trường biến động mạnh.
Một tín hiệu tích cực của phiên này là một số cổ phiếu ngân hàng khu vực hồi phục sau đợt bán mạnh vào tuần trước. PacWest tăng 3,6% và Western Alliance tăng 0,6%. Các cổ phiếu ngân hàng lớn gồm Wells Fargo và JPMorgan Chase cũng tăng.
Theo nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda, nhà đầu tư đang tranh luận quanh việc liệu cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực Mỹ cuối cùng đã dịu đi hay chưa. “Có vẻ như Phố Wall sẽ cố gắng xác định xem sức ép ngân hàng đã gần được giải tỏa hay chưa. Tuần này sẽ không bận rộn như tuần trước, nhưng vẫn sẽ là một tuần quan trọng”, ông Moya nói.
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh trong tuần trước, khi Dow Jones và S&P 500 ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3, với mức giảm tương ứng 1,24% và 0,8%. Gây áp lực giảm lên thị trường trong tuần trước là mối lo về khủng hoảng ngân hàng, khủng hoảng trần nợ của Mỹ, và nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ.
Phiên này, mối lo suy thoái kinh tế Mỹ dường như dịu bớt trong tâm trí nhà đầu tư, nhờ đó giá dầu duy trì đà hồi phục có từ cuối tuần trước.
Chốt phiên, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,65 USD/thùng, tương đương tăng gần 2,2%, chốt ở 76,95 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,78 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, chốt ở 73,12 USD/thùng.
Hôm thứ Sáu, báo cáo việc làm tháng 4 khả quan hơn dự kiến đã giúp giá dầu tăng khoảng 4%. Tuy nhiên, tin tốt cũng có thể là tin xấu, bởi sự vững vàng của thị trường lao động đặt ra khả năng Fed giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn dự kiến.
Tuy phục hồi trong phiên ngày thứ Sáu, giá dầu Brent giảm 5,3% và giá dầu WTI mất 7,1% trong cả tuần trước. Giá cả hai loại dầu đã có chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái.
“Giá dầu tăng trong phiên ngày thứ Hai, nối tiếp sự phục hồi của phiên ngày thứ Sáu, sau khi báo cáo việc làm mạnh của Mỹ giúp xoa dịu mối lo về một cuộc suy thoái kinh tế có thể sắp xảy ra”, nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nói với hãng tin Reuters.
Ngoài ra, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nói rằng trong phiên đầu tuần, nhà đầu tư dầu lửa cũng bớt lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng - nhân tố cũng có thể dẫn tới suy thoái kinh tế và gây tổn hại đến nhu cầu tiêu thụ dầu.
Chiến lược gia trưởng Ole Hansen của Saxo Bank thì cho rằng đợt giảm gần đây của giá dầu có vẻ đã quá đà. Các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận định mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu trong ngắn hạn đã bị “thổi phồng”. Tất cả những yếu tố này đều có tác dụng đưa giá dầu bật tăng trở lại.