Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (11/5), khi cuộc khủng hoảng trần nợ và những lời cảnh báo u ám về một vụ vỡ nợ của Washington tiếp tục đè nặng lên tâm trí nhà đầu tư. Mối lo này cũng là nguyên nhân khiến giá dầu giảm phiên thứ hai liên tiếp, với mức giảm hơn 2%.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 221,82 điểm, tương đương giảm 0,66%, còn 33.309,51 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp. Chỉ số S&P 500 giảm 0,17%, còn 4.130,62 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,18%, đạt 12.328,51 điểm.
Thị trường bất an sau khi hãng tin CNBC đưa tin rằng cuộc họp về trần nợ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ lẽ ra diễn ra vào ngày thứ Sáu tuần này đã được dời sang tuần tới.
Một lần nữa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen hối thúc Quốc hội tăng trần nợ từ mức 31,4 nghìn tỷ USD để ngăn một vụ vỡ nợ chưa từng có tiền lệ của Washington - một sự kiện có thể khiến không chỉ kinh tế Mỹ mà cả kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Nhà đầu tư còn lo lắng về cuộc khủng hoảng ngân hàng, khi các cổ phiếu ngân hàng khu vực bị bán mạnh phiên này sau khi PacWest Bancorp báo cáo lượng tiền gửi giảm sút.
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) cho thấy lạm phát có dấu hiệu dịu bớt, với mức tăng 3,2% của PPI tháng 4 so với cùng kỳ năm trước là thấp nhất trong hơn 2 năm. Tuy nhiên, điểm dữ liệu này không thể xoa dịu mối lo của nhà đầu tư về một cuộc suy thoái kinh tế có thể sắp xảy đến, nhất là khi chỉ có một số ít cổ phiếu giữ vai trò trụ đỡ cho toàn bộ thị trường.
“Đây là một trạng thái tương đối điển hình. Chỉ có vài cổ phiếu tăng, và sẽ đến lúc sự tăng trưởng giảm tới mức đủ để dẫn đến một cuộc bán tháo cổ phiếu lấy tiền mặt”, nhà phân tích Jason Hunter của JPMorgan nhận định.
Trong phiên ngày thứ Sáu, tâm lý nhà đầu tư sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của các số liệu kinh tế bao gồm niềm tin người tiêu dùng và giá nhập khẩu hàng hóa. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ tháng 5 giảm còn 63 điểm, từ mức 63,5 điểm của tháng trước. Giá nhập khẩu hàng hóa tháng 4 được dự báo tăng 0,3%, giảm từ mức tăng 0,6% ghi nhận trong tháng 3.
Chứng khoán Mỹ đã giảm từ đầu tuần đến nay, tiến tới hoàn tất tuần giảm thứ hai liên tục. Tính từ đầu tuần, Dow Jones và S&P 500 đã giảm tương ứng 1,08% và 0,14%. Tuy nhiên, Nasdaq “ngược dòng”, đã tăng 0,76% từ đầu tuần và tiến tới hoàn tất tuần tăng thứ ba liên tiếp.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,43 USD/thùng, tương đương giảm 1,87%, còn 75,98 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,67 USD/thùng, tương đương giảm 2,32%, còn 70,88 USD/thùng.
Một báo cáo khác từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần có tăng lên, nhưng chưa tới mức có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chuyển sang cắt giảm lãi suất trong năm nay. Thị trường vẫn tin Fed sẽ dừng tăng lãi suất từ cuộc họp tháng 6, nhưng kỳ vọng về sự xoay trục đang giảm sút, và điều này không có lợi cho giá nhiều tài sản, trong đó có dầu thô.
Đồng USD tăng giá sau báo cáo trên, với chỉ số Dollar Index đạt mức cao nhất 1 tuần, đặt thêm áp lực giảm lên giá dầu.
Phát biểu ngày thứ Năm, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari, nói rằng một thời kỳ lãi suất cao kéo dài có thể gây thêm áp lực đối với hệ thống ngân hàng, nhưng là điều cần thiết nếu lạm phát còn dai dẳng ở mức cao.
“Những bấp bênh về trần nợ của Mỹ, những vấn đề gần đây trong hệ thống ngân hàng có thể gây ra tình trạng thắt chặt tín dụng trong ngành công nghiệp dầu lửa, và khả năng suy thoái kinh tế còn lớn… Tất cả đều là những trở ngại lớn đối với thị trường dầu”, một báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận định.
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) giữ nguyên dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2023 tháng thứ 3 liên tiếp. OPEC nói rằng tiềm năng tăng trưởng ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, có thể bù đắp lại rủi ro kinh tế ở những quốc gia khác, chẳng hạn cuộc khủng hoảng trần nợ ở Mỹ.