Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (13/5), với chỉ số Dow Jones chấm dứt chuỗi 8 phiên giảm liên tiếp, khi nhà đầu tư lo ngại vì dữ liệu cho thấy kỳ vọng lạm phát tăng và trở nên thận trọng trước các báo cáo lạm phát quan trọng dự kiến được công bố trong tuần này. Giá dầu thô tăng do có dấu hiệu về sự khởi sắc của nhu cầu.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 81,33 điểm, tương đương giảm 0,21%, còn 39.431,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,02%, còn 5.221,42 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,29%, còn 16.388,24 điểm.
Một cuộc khảo sát người tiêu dùng do chi nhánh New York của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện cho thấy kỳ vọng lạm phát đã tăng lên trong tháng trước, cả về ngắn hạn và dài hạn. Xét trên cơ sở 1 năm, kỳ vọng lạm phát tăng lên mức 3,3%; đối với kỳ 5 năm, con số kỳ vọng là 2,8%.
Triển vọng lạm phát tăng có thể dẫn tới gia tăng lạm phát trên thực tế, gây áp lực buộc Fed phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Các chỉ số đã tăng vào đầu phiên nhưng quay đầu giảm sau khi kết quả khảo sát này được công bố.
Dữ liệu kỳ vọng lạm phát được công bố trước hai báo cáo lạm phát quan trọng dự kiến sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố trong tuần này, gồm chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Ba và chỉ số giá tiêu dùng (PPI) vào ngày thứ Tư. Về CPI, các nhà kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo mức tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. PPI được dự báo tăng 0,3% so với tháng trước.
Gần đây, các số liệu kinh tế Mỹ yếu đi đã củng cố kỳ vọng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay, do đó mở đường để giá cổ phiếu ở Phố Wall đi lên. Tuần trước, Dow Jones tăng hơn 2%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất từ đầu năm. S&P 500 và Nasdaq đều tăng hơn 1% trong tuần trước.
Tuy nhiên, sự suy giảm trong kỳ vọng giảm lãi suất so với thời điểm đầu năm đã khiến cả ba chỉ số tụt khỏi mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 3. Cả Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq hiện đều thấp hơn khoảng 1% so với mức đóng cửa kỷ lục.
Trao đổi với hãng tin Reuters, chiến lược gia Paul Nolte của công ty Murphy & Sylvest nhận định cả báo cáo PPI và CPI đều sẽ rất quan trọng đối với nhà đầu tư. Ông nói thêm: “Đang có quá nhiều tranh luận về người tiêu dùng. Liệu người tiêu dùng đã đuối sức hay chưa? Liệu họ còn sức để chi tiêu không. Báo cáo CPI sẽ hé lộ nhiều về điều này”.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,42 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, chốt ở mức 83,21 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,66 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở mức 78,92 USD/thùng.
Giá dầu tăng do có dấu hiệu về sự cải thiện nhu cầu dầu ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới. Số liệu của Trung Quốc công bố vào cuối tuần vừa rồi cho thấy giá tiêu dùng đã tăng tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 4 vừa qua. Ngoài ra, nước này cũng đang dự kiến huy động 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 138 tỷ USD, trái phiếu để kích cầu nền kinh tế.
Giá dầu còn được hỗ trợ bởi nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu cho cháy rừng ở phía Tây của Canada. Chính phủ Canada đã cảnh báo vụ cháy rừng đang xảy ra có thể trở thành một “thảm hoạ”.
“Sản lượng dầu cát của Canada hiện ở mức khoảng 3,3 triệu thùng/ngày. Nếu nguồn cung này bị gián đoạn, ảnh hưởng sẽ kéo dài tới mùa hè”, nhà phân tích Alex Hodes của công ty StoneX nhận định với Reuters.
Trong khi đó, Nga và Ukraine tiếp tục tấn công vào các cơ sở hạ tầng dầu khí của Nga. Một vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Ukraine đã khiến nhà máy lọc dầu lớn nhất ở miền Nam nước Nga phải đóng cửa một phần. Ngoài ra, những hy vọng về một thoả thuận ngừng bắn cho dải Gaza vẫn còn rất mong manh.
Cả Nga và Trung Đông đều là những nguồn cung cấp dầu lửa chủ lực của thế giới.
Giá dầu còn được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng OPEC+ sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng sang nửa sau của năm nay. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.