Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (2/10), cho dù Quốc hội nước này thông qua được một dự luật ngân sách tạm thời giúp ngăn Chính phủ rơi vào cảnh phải đóng cửa. Giá dầu giảm 2% dưới sức ép từ đồng USD mạnh và hoạt động chốt lời của nhà đầu tư.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 74,15 điểm, tương đương giảm 0,22%, còn 33.433,35 điểm.
Riêng hai chỉ số còn lại chốt phiên trong trạng thái “xanh” nhưng mức tăng cũng khiêm tốn. S&P 500 tăng 0,01%, đạt 4.288,39 điểm. Nasdaq có phiên tăng thứ tư liên tiếp, với mức tăng 0,67%, đạt 13.307,77 điểm.
Tiếp tục xu hướng gần đây, giá cổ phiếu ở Phố Wall đương đầu với đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Trong phiên đầu tuần, đầu tháng và đầu quý, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm vượt 4,7%, mức đỉnh mới kể từ tháng 10/2007.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, chỉ có 3 nhóm là công nghệ, dịch vụ truyền thông và tiêu dùng không thiết yếu tăng trong phiên này, với mức tăng tương ứng lần lượt là 1,3%; 1,5%; và 0,3%.
Trước đó vào cuối tuần, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn một dự luật ngân sách tạm thời ở thời điểm chỉ vài giờ đồng hồ là bước sang ngày 1/10 - ngày bắt đầu của năm tài khóa mới. Sau đó, Tổng thống Joe Biden đã ký để dự luật chính thức trở thành một đạo luật duy trì ngân sách cho Chính phủ Mỹ hoạt động tới giữa tháng 11. Khoảng thời gian 1 tháng rưỡi đó được cho là cần thiết để Quốc hội Mỹ hoàn tất dự luật ngân sách cho tài khóa mới.
Những tuần gần đây, nhà đầu tư ở Phố Wall chịu sức ép tâm lý từ khả năng Chính phủ Mỹ phải đóng cửa - một sự kiện có thể gây ảnh hưởng bất lợi đối với định hạng tín nhiệm quốc gia và sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, họ cũng bị ám ảnh bởi nỗi lo Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát - kỳ vọng được phản ánh qua xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD.
Trao đổi với hãng tin CNBC, chiến lược gia cấp cao Kevin Gordon của công ty tài chính Charles Schwab nói rằng lịch sử cho thấy thị trường thực ra “không quan tâm lắm” về các vụ Chính phủ đóng cửa. Ông cho biết nếu tính bình quân trong những lần Chính phủ Mỹ đóng cửa trước đây, chỉ số S&P 500 về cơ bản đi ngang kể từ khi việc Chính phủ đóng cửa bắt đầu cho tới khi kết thúc.
“Tôi cho rằng tình hình của nền kinh tế hiện nay là vấn đề quan trọng hơn. Nếu từ giờ đến cuối năm mà các khu vực chủ đạo của nền kinh tế, như nhà đất và sản xuất, không được cải thiện, và nếu xuất hiện vết nứt trên thị trường lao động, thị trường sẽ coi đó là những vấn đề nghiêm trọng hơn là việc Chính phủ đóng cửa”, ông Gordon nhận định.
Giá dầu thô Brent giao tháng 12 tại thị trường London giảm 1,49 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 90,71 USD/thùng. Nếu so với mức đóng cửa khi hết hạn của hợp đồng giao tháng 11 vào hôm thứ Sáu tuần trước, giá dầu Brent phiên này giảm khoảng 5%.
Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,97 USD/thùng, tương đương giảm 2,2%, còn 88,82 USD/thùng.
Giá dầu đang ở mức thấp nhất 3 tuần dưới áp lực từ đà tăng của đồng USD và hoạt động chốt lời của nhà đầu tư. Ngoài ra, tín hiệu nguồn cung tăng và sức ép đối với nhu cầu tiêu thụ dầu trong môi trường lãi suất cao cũng là những nguyên nhân khiến dầu trượt giá.
Giới phân tích cho biết nhiều nhà giao dịch đã bán dầu để hiện thực hóa lợi nhuận sau khi giá dầu tăng gần 30% lên mức cao nhất 10 tháng trong quý 3 vừa qua. “Nhiều khả năng hoạt động chốt lời của các nhà đầu cơ đang đóng một vai trò không nhỏ trong sự giảm giá gần đây của dầu. Dần dần, việc chốt lời sẽ giảm bớt”, một báo cáo của công ty tư vấn Gelber and Associates nhận định.
Đồng USD tiếp tục lập đỉnh mới của 10 tháng do kỳ vọng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Lãi suất cao có thể cản trở tăng trưởng kinh tế, từ đó gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu. Đồng USD tăng giá cũng khiến dầu giảm giá vì dầu được định giá bằng USD.
“Triển vọng kinh tế toàn cầu đang xấu đi, và điều này càng thúc đẩy nhu cầu nắm giữ USD như một tài sản an toàn và gây áp lực mất giá lên dầu”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định.
Dữ liệu từ châu Âu cho thấy ngành sản xuất của eurozone nói chung và của Đức và Anh nói riêng vẫn trong trạng thái suy giảm trong tháng 9 vừa qua. Về Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Ngân hàng Thế giới (WB) giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 5,1% cho năm 2023, nhưng hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 vì lo ngại về cuộc khủng hoảng bất động sản.
Trong một dấu hiệu của sự gia tăng nguồn cung dầu, Thổ Nhĩ Kỳ tuần này sẽ khởi động lại một đường ống dẫn dầu từ Iraq đã tạm ngừng hoạt động khoảng 6 tháng.
Một báo cáo của ngân hàng ING dự báo Saudi Arabia có thể giảm bớt kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng dầu/ngày mà nước này đang thực thi. Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 9 vừa qua, dù Saudi Arabia giảm sản lượng.
OPEC+, liên minh giữa OPEC và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, sẽ họp về sản lượng dầu vào ngày thứ Tư tuần này. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo OPEC+ sẽ không có động thái thay đổi sản lượng nào trong lần họp này.