Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi cổ phiếu công nghệ tiếp tục xu hướng đi lên từ đầu năm đến nay, với chỉ số Nasdaq hoàn tất nửa đầu năm tốt nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Giá dầu cũng tăng, nhưng hoàn tất quý giảm thứ tư liên tiếp.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 285,18 điểm, tương đương tăng 0,84%, chốt ở 34.407,6 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,23%, đạt 4.450,38 điểm. Nasdaq tăng 1,45%, đạt 13.787,92 điểm.
Sắc xanh trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng, của quý, và của nửa đầu năm được ghi nhận ở hầu hết các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn - những công ty chiếm phần lớn mức tăng của thị trường trong 6 tháng qua.
Cơn sốt con chip trí tuệ nhân tạo (AI) đưa cổ phiếu Nvidia tăng 3,6% phiên này, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 189%. Netflix tăng 2,9%; Meta Platforms tăng 1,9%; Microsoft tăng 1,6%; và Amazon tăng 1,9%. Cổ phiếu Apple chốt phiên với mức tăng 2,3%, đưa giá trị vốn hoá thị trường cán mốc 3 nghìn tỷ USD.
Cổ phiếu hãng thời trang Nike đi ngược phiên tăng này của thị trường, giảm 2,7% sau khi công bố mức lợi nhuận quý gây thất vọng.
Nhìn lại nửa đầu năm 2023, những cổ phiếu tăng trưởng bị bán tháo trong năm 2022 đã có một cuộc phục hồi đầy ngoạn mục. Triển vọng của AI và những tia hy vọng le lói rằng chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp đến hồi kết giúp nâng cổ phiếu công nghệ lên những đỉnh cao mới đáng kinh ngạc.
Dù vậy, một số nhà đầu tư và chuyên gia ở Phố Wall dự báo thị trường sẽ biến động mạnh trong nửa sau và khả năng một số nhà đầu tư sẽ chốt lời. Điều này, cùng với các yếu tố kỹ thuật biến đổi, có thể sẽ dẫn tới tình trạng thị trường giằng co đi ngang, hoặc một sự giảm nhẹ của S&P 500 - theo chiến lược gia Anna Han của Wells Fargo Securities.
“Các chỉ báo kỹ thuật đang nói lên rằng đợt tăng do các cổ phiếu vốn hoá lớn dẫn dắt này đang diễn ra quá mức. Thị trường đã rơi vào trạng thái mua quá nhiều và chúng tôi tin đã đến lúc kiểu giao dịch này phải tạm dừng một thời gian”, bà Han nói với hãng tin CNBC.
Trong tháng 6, S&P 500 tăng 6,5%, đánh dấu tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Nasdaq tăng 6,6%. Cả hai chỉ số đều đã tăng 4 tháng liên tiếp. Dow Jones tăng 4,6%, tháng tốt nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Tính cả quý 2, S&P 500 tăng 8,3%, hoàn tất quý tăng thứ ba liên tục và là quý tăng mạnh nhất kể từ quý 4/2021. Nasdaq tăng 12,8%, đánh dấu quý tăng thứ hai liên tiếp. Dow Jones có quý tăng thứ ba liên tiếp, với mức tăng là 3,4%.
Tính nửa đầu năm, S&P 500 tăng 15,9%, nửa đầu năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2019 của chỉ số này. Nasdaq tăng 31,7%, tốt nhất kể từ năm 1983. Dow Jones tăng 3,8%.
Riêng tuần này, cả ba chỉ số cùng tăng điểm, với mức tăng hơn 2% mỗi chỉ số.
Trong phiên ngày thứ Sáu, Phố Wall đón nhận thêm một dữ liệu kinh tế khả quan nữa. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, thước đo lạm phát được ưa chuộng của Fed, tăng ít hơn dự báo trong tháng 5.
“Đây là một tin tức tuyệt vời về cuộc chiến chống lạm phát. Nếu bạn không tin là giảm lạm phát đang diễn ra, thì bạn sẽ chẳng để ý đâu. Nhưng Fed đã đúng khi tạm dừng việc tăng lãi suất trong cuộc họp vừa rồi là đúng đắn và họ cần giữ nguyên lãi suất ở mức đó để tránh việc lãi suất bị tăng quá mức hay gây ra một cuộc suy thoái không cần thiết để chống lại một ‘ác thú’ hiện đã được kiểm soát”, nhà quản lý Jamie Cox của Harris Financial Group nói với CNBC.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,56 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở 74,9 USD/thùng. Trong quý 2, giá dầu Brent giảm 6%.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,78 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 70,64 USD/thùng. Quý 2, giá dầu WTI giảm 6,5%.
Giá dầu Brent có quý giảm thứ tư liên tiếp, trong khi giá dầu WTI giảm quý thứ hai liên tiếp. Gây áp lực mất giá đối với dầu là mối lo rằng sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Mối lo này đến từ lãi suất tăng ở các nền kinh tế chủ chốt và sự phục hồi chậm hơn của kinh tế Trung Quốc.
Gần đây, những tín hiệu vững vàng của nền kinh tế Mỹ và sự sụt giảm của lượng dầu thô tồn kho của nước này mang lại cho giá dầu một lực hỗ trợ.
Trong phiên ngày thứ Sáu, báo cáo lạm phát khả quan “có thể giảm bớt khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất”, từ đó giúp giá dầu có một phiên tăng. Ngoài ra, giá dầu còn được nâng đỡ khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này. Cũng theo EIA, nhu cầu dầu thô và các sản phẩm dầu của nước này giảm nhẹ còn 20,446 triệu thùng/ngày trong tháng 4 nhưng vẫn ở mức cao.
Chưa kể, nguồn cung trên thị trường dầu toàn cầu được dự báo sẽ thắt chặt trong thời gian tới, khi Saudi Arabia cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7, ngoài các kế hoạch giảm sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh gồm Nga.
“Nhưng dù OPEC+ và Saudi Arabia cắt giảm sản lượng, giá dầu vẫn không vượt nổi mốc 80 USD/thùng. Thị trường đang bị chi phối ít bởi yếu tố cung-cầu và bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các mối lo tăng trưởng kinh tế”, một báo cáo của ngân hàng HSBC nhận định. “Chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian còn lại của mùa hè, dù mức thâm hụt nguồn cung khoảng 2,3 triệu thùng/ngày trong nửa sau của năm nay có thể tạo ra một chút động lực tăng giá”.
Một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện với sự tham gia của 37 nhà kinh tế và nhà phân tích cho thấy giá dầu sẽ còn chật vật trong năm nay khi các trở ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên lớn hơn.