Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (14/9), với chỉ số Dow Jones tăng mạnh nhất trong 1 tháng, khi nhà đầu tư hứng khởi với sự “hồi sinh” của thị trường IPO Phố Wall và loạt dữ liệu kinh tế khả quan. Giá dầu cũng tăng mạnh và lập đỉnh mới kể từ tháng 11 năm ngoái.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 331,58 điểm, tương đương tăng 0,96%, đạt 34.907,11 điểm. Đây là phiên tăng đầu tiên của Dow Jones sau 2 phiên giảm liên tiếp, là mức đóng cửa trên ngưỡng bình quân 50 ngày lần đầu tiên kể từ hôm 1/9, đồng thời là phiên tăng mạnh nhất của chỉ số blue-chip kể từ hôm 7/8.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,84%, chốt ở mức 4.505,1 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,81%, chốt ở 13.926,05 điểm.
Cổ phiếu Arm tăng 24,7% sau khi công ty thiết kế con chip này bắt đầu được giao dịch như một công ty đại chúng trong phiên ngày thứ Năm. Nhà đầu tư hy vọng cuộc chào sàn của Arm, cũng là vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất của một công ty công nghệ trong năm nay, có thể thổi một luồng sinh khí mới vào thị trường IPO đang ảm đạm ở Phố Wall. Hôm thứ Tư, vụ IPO của Arm chốt giá bán cổ phiếu ở mức 51 USD/cổ phiếu. Sau phiên đầu tiên, cổ phiếu này đã lên mức 63,59 USD/cổ phiếu.
“Vụ IPO thành công của Arm chắc chắn mang lại niềm tin. Đây không phải là vụ phát hành lớn nhất mà chúng ta từng chứng kiến, nhưng chắc chắn được định giá tốt và sẽ giữ giá tốt. Bởi vậy, vụ IPO này mang tới một chút tin tưởng rằng cánh cửa của thị trường vốn có lẽ lại mở ra sau khi gần như đóng kín trong suốt 18 tháng qua”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của công ty B. Riley Financial nhận định với hãng tin CNBC.
Phiên này, thị trường còn đón nhận một loạt báo cáo kinh tế khả quan cho thấy lạm phát lõi dịu đi và hoạt động tiêu dùng vững vàng.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) lõi của tháng 8 chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, một mức tăng trong tầm kiểm soát và phù hợp với dự báo mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Dow Jones. Tuy nhiên, PPI toàn phần vẫn tăng 0,7%, cao hơn mức dự báo tăng 0,4% mà giới chuyên gia đưa ra.
Trước đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Tư cho thấy CPI lõi của tháng 8 nhỉnh hơn so với dự báo, nhưng có giảm tốc so với tháng trước.
Ngoài ra, báo cáo ngày thứ Năm từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 8 tốt hơn dự báo, tăng 0,6% thay vì tăng 0,1% như dự báo của giới chuyên gia kinh tế. Nếu không tính ô tô, doanh thu bán lẻ tháng 8 tăng 0,6%, so với mức dự báo tăng 0,4%.
“Tôi cho rằng nền kinh tế đang ở trong một trạng thái tốt, với lạm phát đang đi đúng hướng như tăng trưởng không sụt dốc. Điều này cho thấy Fed đã hành động đúng đắn và nền kinh tế có thể sẽ có được một cuộc hạ cánh mềm. Ít nhất trong tuần này, chúng ta đã có được cảm giác như vậy”, ông Hogan nhận định.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày thứ Năm tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, một động thái không nằm ngoài dự báo. Tuy nhiên, ECB đánh giá rằng lạm phát đang xuống thang và phát tín hiệu có thể sắp kết thúc chiến dịch tăng lãi suất.
Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới, với dự báo của thị trường ở thời điểm hiện tại nghiêng về khả năng Fed giữ nguyên lãi suất. Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME cho thấy các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 97% Fed không thay đổi lãi suất trong lần họp này.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,9%, chốt ở mức 90,16 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 7/11/2022. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 2%, chốt ở 93,7 USD/thùng, cũng là mức cao nhất trong 10 tháng.
Trong một báo cáo công bố hôm thứ Tư tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở mức độ cao trong thời gian còn lại của năm nay, một phần do Saudi Arabia và Nga kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng cho tới hết năm.
“Từ tháng 9 trở đi, nguồn cung dầu từ nhóm OPEC+ giảm sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trong quý 4”, báo cáo hàng tháng của IEA có đoạn viết.
Tuần này, giá dầu WTI đã tăng khoảng 3%, tiến tới hoàn tất tuần tăng thứ ba liên tiếp. Nếu tính từ đầu năm, giá loại dầu này đã tăng khoảng 13%.
Ngoài báo cáo của IEA, báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) công bố trong tuần này dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ vững ở mức cao và khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu trong thời gian còn lại của năm nay.