Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ khi kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (10/8) nhờ báo cáo thống kê cho thấy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục giảm nhanh hơn kỳ vọng. Giá dầu thô quay đầu giảm khá mạnh sau mấy phiên tăng liên tiếp, do nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng suy yếu ở Trung Quốc lấn át hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ dừng chiến dịch nâng lãi suất.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 52,79 điểm, tương đương tăng 0,15%, chốt ở 35.176,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,03%, đạt 4.468,83 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,12%, đạt 13.737,99 điểm.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần và CPI lõi đều tăng 0,2% trong tháng 7 so với tháng 6. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI toàn phần tăng 3,2% và CPI lõi tăng 4,7%. Các con số này đều thấp hơn một chút so với dự báo trước đó của giới phân tích, phản ánh xu hướng tiếp tục xuống thang của lạm phát ở Mỹ.
Trong giờ đầu tiên của phiên giao dịch, cả ba chỉ số chính đo giá cổ phiếu ở Phố Wall đều tăng hơn 1%, vì số liệu lạm phát mới khiến các nhà giao dịch tăng cường đặt cược vào khả năng Fed dừng tăng lãi suất trong năm nay và bắt đầu cắt giảm lãi suất từ đầu năm tới.
Nhưng sau đó, đà tăng yếu dần và các chỉ số giằng co giữa hai trạng thái giảm và tăng trong phần lớn thời gian của buổi chiều, trước khi chốt phiên với thành quả tăng nhẹ.
“Mọi người nhìn vào con số lạm phát toàn phần trước tiên, và giá cổ phiếu đã tăng mạnh. Nhưng khi thời gian của phiên giao dịch trôi qua, đà tăng suy yếu dần, và đó có lẽ mới là phản ứng đúng đắn”, CEO Gregg Abella của Investment Partners Asset Management nhận định.
Ông Abella lưu ý rằng dù lạm phát giảm tốc, lạm phát lõi giảm còn chậm và khi các nhà giao dịch nhìn kỹ vào dữ liệu này, tâm lý lạc quan ban đầu đã giảm bớt.
Sau khi báo cáo lạm phát được công bố, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly, thể hiện quan điểm thận trọng. Bà nói số liệu lạm phát gần đây đang đi đúng hướng, vẫn cần có thêm bước tiến cần thiết để bà có thể cảm thấy thoải mái với đánh giá rằng Fed đã tăng lãi suất đủ.
Phiên tăng khiêm tốn của ngày thứ Năm mới là phiên tăng thứ hai trong tháng 8 này của S&P 500 và Nasdaq. Các chỉ số đã giảm nhiều từ đầu tháng tới nay khi giới đầu tư tranh thủ đợt tăng trước đó để hiện thực hoá lợi nhuận. Tính đến hết tháng 7, chứng khoán Mỹ đã tăng 5 tháng liên tiếp nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn.
“Định giá của nhiều cổ phiếu công nghệ đang dựa trên kỳ vọng rằng lãi suất sắp giảm đến nơi, nhưng tôi thấy không có gì trong những con số lạm phát mới nhất nói lên rằng lãi suất sắp giảm. Thậm chí, chúng ta có thể chứng kiến lãi suất tăng thêm một lần nữa trong năm nay”, ông Abella nói với hãng tin Reuters, nhấn mạnh rằng một số cổ phiếu công nghệ có thể đang được định giá ở mức quá cao.
Cùng quan điểm thận trọng như ông Abella, Giám đốc đầu tư James Demmert của Main Street Research nhận định với hãng tin CNBC: “Theo tôi, báo cáo CPI là một lời nhắc nhờ rằng Fed đã làm được nhiều việc cần làm, nhưng lạm phát còn dai dẳng. Điều đó có nghĩa là lãi suất sẽ giữ ở mức cao trong thời gian lâu hơn”.
Ông Demmert nói thêm rằng có những dấu hiệu cho thấy thị trường có thể giảm thêm nữa từ mức hiện nay. “Sự điều chỉnh là cần thiết, và chúng ta mới đi được khoảng 1/3 quãng đường điều chỉnh đó”, ông nói.
Từ đầu tuần đến nay, S&P 500 và Nasdaq đã giảm tương ứng 0,2% và 1,2%, đều trên đà hoàn tất tuần giảm thứ hai liên tiếp. Riêng Dow Jones đã tăng 0,3 từ đầu tuần.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,15 USD/thùng, tương đương giảm 1,3%, còn 86,4 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,58 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 82,82 USD/thùng.
Trước phiên giảm này, giá dầu WTI đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái và giá dầu Brent cao nhất kể từ tháng 1 năm nay trong phiên ngày thứ Tư. Giá dầu đã duy trì xu hướng tăng từ đầu tháng 6 nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+.
Mấy phiên gần đây, giá dầu được hỗ trợ bởi tin Saudi Arabia và Nga sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu, cùng với đó là mối lo về gián đoạn nguồn cung do khả năng xảy ra chiến sự giữa Nga và Ukraine trên vùng Biển Đen - tuyến vận chuyển quan trọng của dầu Nga.
Tuy nhiên, giá dầu cũng đang đương đầu với áp lực giảm từ khả năng Fed còn tăng lãi suất thêm 1 lần trong năm nay và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2%. Chưa kể, số liệu công bố tuần này còn cho thấy Trung Quốc đã rơi vào tình trạng giảm phát, dẫn tới lo ngại nhiều hơn về nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Số liệu về kinh tế Trung Quốc ngày càng tệ hơn, và điều này sẽ càng khiến Trung Quốc khó vực dậy tăng trưởng”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC ở New York nhận định.
Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày thứ Năm, OPEC dự báo thị trường dầu lửa sẽ có được trạng thái lành mạnh trong thời gian còn lại của năm nay. Đồng thời, OPEC giữ nguyên dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu mạnh mẽ trong năm 2024 vì triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ có sự khởi sắc nhẹ.