Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (19/4), đánh dấu chuỗi phiên giảm dài nhất trong 1 năm rưỡi, trong bối cảnh triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu. Giá dầu thô tăng nhẹ nhưng hoàn tất một tuần đi xuống do nhà đầu tư cho rằng rủi ro chiến tranh lạnh rộng ở “chảo lửa” Trung Đông sẽ hạn chế.
Lúc đóng cửa, Nasdaq tụt 20,5%, còn 15.282,02 điểm. Đây là phiên giảm thứ sáu liên tiếp của chỉ số này, chuỗi phiên giảm dài nhất trong hơn 1 năm.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,88%, chốt ở mức 4.967,23 điểm, để tuột mất mốc chủ chốt 5.000 điểm. Phiên này cũng là phiên giảm thứ sáu liên tiếp của thước đo giá cổ phiếu rộng nhất ở Phố Wall, chuỗi phiên giảm dài nhất kể từ tháng 10/2022.
Riêng chỉ số Dow Jones tăng 211,02 điểm, tương đương tăng 0,56%, chốt ở mức 37.986,4 điểm. Sự ngược dòng của chỉ số blue-chip này có được là nhờ mức tăng 6% của cổ phiếu American Express sau khi hãng thẻ công bố kết quả kinh doanh quý 1 tốt hơn dự báo.
Trong khi đó, ngoài áp lực từ triển vọng lãi suất và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, Nasdaq và S&P 500 bị kéo tụt bởi cú giảm 10% của cổ phiếu hãng sản xuất con chip Nvidia.
Cổ phiếu chip bị bán tháo mạnh mẽ vào buổi chiều, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ khỏi lĩnh vực đã dẫn dắt xu hướng thị trường giá lên thời gian qua. Phiên này là phiên giảm mạnh nhất của cổ phiếu Nvidia kể từ tháng 3/2020. Cổ phiếu một hãng chip khác thậm chí còn ghi nhận mức giảm “kinh hoàng” hơn, và đó là Super Micro Computer với mức giảm hơn 23%.
Dù công bố kết quả kinh doanh quý 1 với doanh thu và lợi nhuận đều tốt hơn dự báo nhưng công ty dịch vụ truyền nội dung trực tuyến Netflix vẫn chứng kiến giá cổ phiếu giảm hơn 9%. Netflix báo cáo số lượng thuê bao tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cho biết từ năm tới sẽ không báo cáo về số lượng thuê báo có trả phí.
Cổ phiếu công nghệ - “nạn nhân” của triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn - là một nguồn áp lực giảm lớn lên toàn thị trường trong phiên này. Bên cạnh đó, nhà đầu tư dõi theo sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông sau khi Israel tấn công Iran. Dù vậy, giới phân tích cho rằng đây không phải là một mối bận tâm lớn của nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall trong phiên ngày thứ Sáu, bởi cuộc tấn công của Israel chỉ ở mức hạn chế.
Khi mới có tin về cuộc tấn công, giá dầu thô đã tăng vọt hơn 3%, nhưng sau đó chuyển sang trạng thái giằng co giữa tăng nhẹ và giảm nhẹ, và cuối cùng chốt phiên với mức tăng nhẹ.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,5%, chốt ở mức 83,14 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,21%, đóng cửa ở 87,29 USD/thùng.
Cả tuần này, giá dầu WTI giảm 3% và giá dầu Brent giảm 3,4%, về cơ bản đã để mất hết phần bù rủi ro sau khi Israel tấn công lãnh sự quán Iran ở Syria hồi đầu tháng này - sự kiện kéo theo cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel, và tiếp đó là cuộc tấn công đáp trả của Israel đối với Iran vào ngày 19/4.
“Thị trường năng lượng đã từng trải qua những đợt căng thẳng tương tự ở Trung Đông. Ngưỡng để đi đến một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông và nguồn cung dầu ở khu vực này bị gián đoạn là rất cao”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital nhận định với hãng tin Reuters.
Theo ông James Stavridis, cựu chỉ huy tối cao lực lượng đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cuộc tấn công của Israel ngày 19/4 là “rất hạn chế và được tính toán cẩn trọng”. “Cả Israel và Iran đều không đề cao tầm quan trọng của sự kiện này, một dấu hiệu cho thấy sự xuống thang”, ông Stavridis nói với hãng tin CNBC.
“Bởi vậy, chúng tôi đã sẵn sàng để kết luận một cách thận trọng rằng vòng xoáy leo thang giữa Israel và Iran đã kết thúc, ít nhất là các cuộc tấn công trực tiếp giữa hai bên”, chiến lược gia trưởng Marko Papic của công ty Clocktower Group nhận định.
Ông Clay Seigle, Giám đốc phụ trách dịch vụ dầu lửa toàn cầu của công ty Rapidan Energy, cho rằng còn quá sớm để kết luận điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ông cũng nhận định rủi ro lớn đối với thị trường dầu lửa là xuất khẩu dầu từ Vùng Vịnh - nơi cung cấp 20 triệu thùng dầu mỗi ngày - bị gián đoạn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nghiêng về lạc quan. “Thị trường đã thở phào”, Chủ tịch George Ball của công ty Sanders Morris phát biểu, cho rằng nhà đầu tư nhận thấy phản ứng của Israel là thận trọng và nhằm mục đích giảm thiểu sự leo thang căng thẳng. “Nhưng nhà đầu tư chưa thể rũ bỏ hết nỗi lo về chiến tranh. Rủi ro địa chính trị vẫn là một yếu tố phải tính đến trong quá trình ra quyết định của họ”, ông Ball nói.
Tính cả tuần này, S&P 500 giảm hơn 3%, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp và là tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Lạm phát dai dẳng dẫn tới khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn giảm lãi suất là nguyên nhân chính khiến thị trường tụt dốc. Sự giảm điểm diễn ra rõ rệt nhất ở nhóm công nghệ, và nhóm này là những cổ phiếu giảm mạnh nhất trong S&P 500 trong phiên ngày thứ Sáu cũng như trong cả tuần.
So mức đỉnh của 52 tuần, S&P 500 hiện đã giảm hơn 5%, trong bối cảnh thị trường dự báo Fed phải đến tháng 9 mới bắt đầu giảm lãi suất.
“Đang có một vài yếu tố tác động mà thị trường đang cố gắng để ‘tiêu hoá’. Lạm phát cao hơn một chút so với dự báo của thị trường và thậm chí cả dự báo của Fed”, Giám đốc đầu tư Bill Northey của công ty US Bank Wealth Management nhận xét.
Nasdaq giảm 5,5% trong tuần này, đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp - chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ tháng 12/2022. Đây cũng là tuần giảm mạnh nhất của Nasdaq kể từ tháng 11/2022.
Với phiên tăng ngày thứ Sáu, Dow Jones hoàn tất tuần giao dịch với mức tăng 0,01% sau 3 tuần giảm liên tiếp trước đó.