Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (16/8), sau khi biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho thấy các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương này để ngỏ khả năng tăng thêm lãi suất. Giá dầu thô có thêm một phiên giảm mạnh vì mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc lấn át sự hỗ trợ từ tình trạng thắt chặt nguồn cung.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 180,65 điểm, tương đương giảm 0,52%, còn 34.765,74 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,76%, còn 4.404,33 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,15%, còn 13.474,63 điểm.
“Thị trường đã có một đợt tăng điểm khó tin từ đầu năm đến nay. Điều đó đi ngược lại tất cả các kỳ vọng rằng thị trường sẽ phản đối tiêu cực đối với khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong năm nay. Nhưng bây giờ, đà tăng của thị trường đang đuối đi”, Phó chủ tịch Mike Reynolds của công ty Glenmede nhận định với hãng tin Reuters.
“Nhà đầu tư đang bắt đầu có cái nhìn kém lạc quan hơn về bức tranh kinh tế”, ông Reynolds nói.
Trong khi đó, biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tháng 7 của Fed cho thấy phần lớn các thành viên tiếp tục ưu tiên cuộc chiến chống lạm phát, và chỉ một số ít cho rằng lãi suất đã tăng đủ. Điều này có nghĩa là Fed không loại trừ khả năng phải tăng lãi suất thêm nữa và sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn.
“Tôi nhất trí với các quan chức Fed rằng chúng ta chưa thể tin chắc rằng lạm phát đã hoàn toàn lùi vào dĩ vãng”, Chủ tịch Peter Tuz của công ty Chase Investment Counsel nói với Reuters.
“Tôi cho rằng thị trường sắp tới diễn biến thế nào sẽ tuỳ thuộc vào những tín hiệu và động thái của Fed trong tháng 9 và tháng 10”.
Chứng khoán Mỹ đã trải qua nửa đầu tháng 8 đầy chật vật, với S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - đang ở vùng đáy của gần 1 tháng. Các số liệu thống kê gần đây cho thấy lạm phát ở Mỹ còn dai dẳng và nền kinh tế vẫn trụ vững, đặt ra mối lo lãi suất sẽ giữ cao hơn lâu hơn, cho dù phần đông trên thị trường tin rằng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đã gần tới hồi kết.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,44 USD/thùng, tương đương giảm 1,7%, còn 83,45 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,61 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 79,38 USD/thùng.
Trước đó, giá cả hai loại dầu giảm hơn 1%, xuống mức thấp nhất kể từ hôm 8/8. Phiên này, giá dầu giảm dù báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng tồn kho của nước này giảm gần 6 triệu thùng/ngày trong tuần trước do nước này đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô và các nhà máy lọc dầu ở Mỹ tăng công suất hoạt động.
Một phần áp lực giảm đối với giá dầu phiên này đến từ mối lo rằng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài - nhân tố có thể gây áp lực lên nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Mỹ và toàn cầu.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến dầu giảm giá trong phiên này cũng như phiên trước là bức tranh ảm đạm về kinh tế Trung Quốc. Số liệu công bố tuần này cho thấy doanh thu bán lẻ, sản lượng công nghiệp, và đầu tư của Trung Quốc đều không đạt kỳ vọng, đẩy cao mối lo rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ bước vào một thời kỳ giảm tốc tăng trưởng sâu và kéo dài.
Báo cáo kinh tế tháng 7 của Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nước này chưa chắc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 5% trong năm nay nếu không tăng cường các biện pháp kích cầu, đồng thời kêu gọi nhà chức trách có những động thái quyết đoán hơn.
Một cuộc họp nội các Trung Quốc do Thủ tướng Lý Cường chủ trì vào ngày thứ Tư tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, nhưng không nói rõ biện pháp cụ thể là gì.
Cả Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều đặt kỳ vọng vào Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, là nguồn động lực tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong thời gian còn lại của năm nay.
Dù vậy, nhà phân tích Tamas Varga của công ty PVM Oil cho rằng nguồn cung dầu toàn cầu vẫn đang thắt lại do OPEC+, liên minh của OPEC và các nước ngoài khối như Nga, ra sức cắt giảm sản lượng.