Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (14/8) nhờ sự hồi phục của cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là các cổ phiếu chip. Giá dầu thô đi xuống vì lo ngại về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới, và dưới áp lực từ xu hướng tăng của đồng USD.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 26,23 điểm, tương đương tăng 0,07%, đạt 35.307,63 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 0,58%, đạt 4.489,72 điểm; và chỉ số Nasdaq tăng 1,05%, đạt 13.788,33 điểm.
Cổ phiếu Nvidia đóng cửa với mức tăng 7,1% - một cú “lội ngược dòng” ngoạn mục sau đợt bán tháo 8,5% vào tuần trước. Nvdia nhận được cú huých sau khi cổ phiếu này được ngân hàng đầu tư Morgan Stanley tiếp tục khuyến nghị mua vào trước khi hãng chip khổng lồ công bố báo cáo tài chính quý 2.
Loạt cổ phiếu chip khác “thơm lây”, cùng chốt phiên trong sắc xanh rực rỡ, đưa VanEck Semiconductor ETF tăng 3%. Dù vậy, quỹ chuyên cổ phiếu chip này đã giảm hơn 6% kể từ đầu tháng tới nay.
Phiên tăng này của chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh thị trường chật vật duy trì đà tăng của năm 2023 trong những tuần cuối mùa hè.
Tuần trước, S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 0,3% và 1,9%. Đó là chuỗi hai tuần giảm liên tiếp đầu tiên của Nasdaq kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, Dow Jones tăng 0,6% trong tuần trước, đánh dấu tuần tăng thứ tư trong vòng 5 tuần trở lại đây.
Tuần này, giá cổ phiếu ở Phố Wall được cho là sẽ bị chi phối nhiều bởi các số liệu phản ánh sức khỏe của người tiêu dùng Mỹ. Trong đó, sự chú ý của nhà đầu tư sẽ hướng tới báo cáo tài chính của các hãng bán lẻ lớn gồm Home Depot, Target và Walmart, cùng doanh thu bán lẻ tháng 7 dự kiến được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Ba.
Trong tuần trước, số liệu thống kê về lạm phát tháng 7 của Mỹ đã vẽ nên một bức tranh thiếu đồng nhất. Lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất vẫn trong xu hướng giảm, nhưng còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra. Những số liệu này khiến nhà đầu tư cho rằng Fed có thể sắp dừng tăng lãi suất, nhưng sẽ không sớm hạ lãi suất.
Trong một báo cáo ra ngày thứ Hai, chiến lược gia trưởng John Stoltzfus của công ty Oppenheimer nhận định rằng thị trường ở thời điểm này “không hẳn là một ‘giấc mơ đêm hè’”, nhưng ông nói thêm rằng “sự lùi lại của thị trường kể từ hôm 31/7 là tín hiệu về một sự tạm dừng mà ở đó hồi phục có khả năng diễn ra, thay vì là hồi kết của một thị trường giá lên”.
Ông Stoltzfus nói thêm: “Một sự điều chỉnh như vậy là lành mạnh, chứ không phải là khởi đầu cho sự kết thúc của thị trường giá lên bắt đầu từ sau đợt bán tháo hồi năm ngoái”.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,68 USD/thùng, tương đương giảm 0,82%, còn 82,51 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,6 USD/thùng, tương đương giảm 0,69%, còn 86,21 USD/thùng.
Với hy vọng phai dần về sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc hậu Covid-19, áp lực giảm đang quay lại thị trường dầu - theo nhà phân tích kỹ thuật Walter Zimmerman của công ty ICAP-TA. “Vấn đề là Trung Quốc không chứng tỏ được khả năng hồi phục, chứ đừng nói gì đến dẫn dắt nền kinh tế thế giới. Vì thế, giá dầu trở nên chật vật”, ông Zimmerman phát biểu với hãng tin Reuters.
Còn theo nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group, tâm trí của các nhà giao dịch dầu lửa đang bị giằng co giữa một bên là triển vọng thắt chặt nguồn cung dầu và một bên là nhu cầu yếu của thị trường Trung Quốc. “Đó chính xác là những gì diễn ra trong phiên này, nhưng tôi cho rằng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với một thị trường rất thắt chặt”, ông Flynn nói.
Ở một góc nhìn bi quan, nhà sáng lập Vandana Hari của công ty phân tích thị trường dầu lửa Vanda Insights cho rằng thị trường dầu thô có thể sắp bước vào một đợt điều chỉnh.
“Dầu thô đang ở trạng thái thị trường mua quá nhiều, bất chấp những kỳ vọng về một đợt điều chỉnh”, bà Hari phát biểu, và nói thêm rằng giá dầu ở thời điểm hiện tại đang được nâng đỡ bởi lạc quan về triển vọng hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ, dù đương đầu với áp lực giảm từ sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc và châu Âu.
Xu hướng tăng của tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn đang gây áp lực giảm lên giá các hàng hóa cơ bản, trong đó có dầu thô. Tuần trước, tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 4 tuần liên tiếp.
Phiên ngày thứ Hai, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên tăng hơn 0,3%, đạt gần 103,2 điểm.