Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (5/9), khi nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và triển vọng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng sau khi Nga và Saudi Arabia cùng gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 196,74 điểm, tương đương giảm 0,56%, còn 34.641,97 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,42%, còn 4.496,83 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,08%, còn 14.020,95 điểm.
Tuần trước, cả ba chỉ số tăng điểm khi thị trường hy vọng Fed sẽ giảm bớt sự cứng rắn, nhưng mối hy vọng mong manh này đã giảm xuống trong phiên ngày thứ Ba - phiên giao dịch đầu tiên của Phố Wall trong tuần này, khi thị trường mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Labor Day.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng khi nhà đầu tư tiếp tục nhận thấy khả năng trụ vững của nền kinh tế Mỹ sau 11 đợt tăng lãi suất của Fed. Thêm vào đó, Thống đốc Fed Christopher Waller nói rằng Fed không cần phải thay đổi lãi suất sớm - một tín hiệu cho thấy lãi suất có thể giữ ở mức cao trong thời gian dài.
“Một phần lý do khiến giá cổ phiếu không tăng được trong phiên này là lợi suất tiếp tục tăng lên, đưa trái phiếu trở thành một lựa chọn thay thế tốt cho cổ phiếu”, chiến lược gia trưởng Paul Nolte của công ty Murphy & Sylvest Wealth Management nói với hãng tin Reuters.
Ngoài ra, xu hướng tăng gần đây của giá dầu cũng có thể cản trở nỗ lực của Fed trong việc đưa lạm phát giảm về mục tiêu 2%, theo ông Nolte. “Mọi người đều hy vọng Fed sớm bắt đầu việc cắt giảm lãi suất. Nhưng điều đó có thể không xảy ra”, ông nói.
“Dầu thô tăng giá sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát. Điều đó khiến cho công việc của Fed trở nên khó khăn hơn. Fed đang phải cố gắng giữ cân bằng để đưa nền kinh tế hạ cánh mềm”, Giám đốc đầu tư Keith Lerner của công ty Truist Advisory Services nói với hãng tin CNBC.
Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME cho thấy các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 93% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Tuy nhiên, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11 chỉ ở mức 54% - cho thấy thị trường còn lo ngại về khả năng Fed nâng lãi suất thêm một lần nữa.
Theo chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research, Fed còn phải theo dõi các số liệu kinh tế Mỹ sắp tới, chẳng hạn số liệu lạm phát tháng 8, trước khi đưa ra quyết định lãi suất trong cuộc họp vào ngày 19-20/9. “Bởi vậy, thị trường không rõ nên đi theo hướng nào cho hợp lý”, ông nói.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 9 điểm cơ bản, đạt mức 4,27%. Tháng trước, lợi suất của kỳ hạn này đạt 4,35%, cao nhất kể từ năm 2007.
Ngân hàng Goldman Sachs đã cắt giảm khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong năm nay còn 15% từ 20% trước đó, và dự báo Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Đây có thể xem là một tin tốt cho thị trường, nhưng tháng 9 thường là tháng ảm đạm nhất hàng năm của thị trường chứng khoán Mỹ.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,04 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở mức 90,04 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent vượt mốc 90 USD/thùng kể từ tháng 11 năm ngoái.
Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,14 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 86,69 USD/thùng, cũng là mức cao nhất trong 10 tháng.
Trong một động thái đã được dự báo từ trước, Nga và Saudi Arabia tuyên bố gia hạn kế hoạch tự nguyện cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Tuy nhiên, điều khiến thị trường bất ngờ là cả Moscow và Riyadh đều gia hạn kế hoạch thêm 3 tháng nữa, cho tới hết năm nay, thay vì chỉ gia hạn 1 tháng như dự báo. Việc hai nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới hạn chế sản lượng dầu ngay trong những tháng cao điểm mùa đông đặt ra mối lo về sự thắt chặt hơn nữa của nguồn cung dầu toàn cầu.
“Với kế hoạch cắt giảm sản lượng được gia hạn của Nga và Saudi Arabia, chúng tôi dự báo thị trường sẽ thiếu hơn 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày trong quý 4/2023”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS viết trong một báo cáo. UBS dự báo giá dầu Brent đạt mức 95 USD/thùng vào cuối năm nay.
Cùng với nỗ lực hạn chế sản lượng của các nước xuất khẩu dầu lớn, khả năng kinh tế Mỹ tránh được suy thoái trong năm nay cũng đã hỗ trợ cho giá dầu khởi sắc trong những tháng gần đây. Từ cuối tháng 6 đến nay, cả giá dầu Brent và WTI đều đã tăng hơn 20%.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, năng lượng là nhóm tăng mạnh nhất trong phiên ngày thứ Ba, với mức tăng 0,5%.
Cổ phiếu VinFast giảm 11,4% trong phiên này, chốt ở mức 26,13 USD/cổ phiếu, đưa vốn hoá thị trường hạ về dưới 61 tỷ USD từ mức đỉnh hơn 190 tỷ USD thiết lập vào cuối tháng trước.