Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26/4), đưa hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq hoàn tất tuần tăng tốt nhất kể từ tháng 11, nhờ cổ phiếu Big Tech tăng mạnh sau loạt báo cáo kết quả kinh doanh khả quan và bất chấp số liệu lạm phát gây bất lợi cho triển vọng giảm lãi suất. Giá dầu thô cũng có thêm một phiên tăng và khép lại tuần tăng đầu tiên sau 2 tuần giảm liên tiếp.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 1,02%, đạt 5.099,96 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,03%, đạt 15.927,9 điểm - phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 2. Chỉ số Dow Jones tăng 153,86 điểm, tương đương tăng 0,4%, chốt ở mức 38.239,66 điểm.
S&P 500 và Nasdaq cùng có tuần tăng mạnh nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Với mức tăng 2,7%, S&P 500 kết thúc chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp. Nasdaq tăng 4,2% và ghi nhận tuần tăng đầu tiên sau 4 tuần giảm không nghỉ. Dow Jones tăng 0,7% trong tuần.
“Thị trường đã kết thúc một tuần đầy biến động trong trạng thái tăng mạnh. Thật tuyệt vời khi thấy sắc xanh quay trở lại bảng giao dịch. Động lực tăng của phiên này rõ ràng là những báo cáo tài chính khả quan đến từ các công ty công nghệ vốn hoá lớn”, chiến lược gia đầu tư Mona Mahajan của công ty Edward Jones nhận định với hãng tin CNBC.
Alphabet, công ty mẹ của Google, và hãng phần mềm Microsoft đều đưa ra kết quả kinh doanh quý 1/2024 tốt hơn so với kỳ vọng. Đây là hai công ty đang cạnh tranh mạnh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Cổ phiếu Alphabet tăng hơn 10%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2015. Cùng với đó, Alphabet công bố kế hoạch trả cổ tức lần đầu tiên trong lịch sử công ty và một chương trình mua lại cổ phiếu 70 tỷ USD.
Cổ phiếu Microsoft tăng gần 2%. Báo cáo tài chính của công ty cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ ở bộ phận đám mây.
Bà Mahajan nhận xét cả Alphabet và Microsoft đều gây ấn tượng với nhà đầu tư không chỉ bởi hai công ty này đầu tư vào AI, mà còn bởi kết quả mà họ đã gặt hái được nhờ sự đầu tư đó. Kết quả của Alphabet và Microsoft giúp nhà đầu tư giải toả được một phần nỗi lo sau khi Meta Platforms, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook, trong tuần này đưa ra triển vọng ảm đạm về tình hình kinh doanh những quý tới.
Phiên tăng ngày thứ Sáu diễn ra bất chấp số liệu lạm phát mới tiếp tục đẩy cao mối lo về lãi suất cao hơn lâu hơn. Các báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ vào ngày thứ Năm và thứ Sáu cho thấy sự dai dẳng của lạm phát và sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo ngày thứ Sáu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (PCE) lõi tháng 3 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 2,7% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Chi tiêu cá nhân tăng 0,8%, cao hơn con số dự báo là tăng 0,7%.
PCE lõi là thước đo lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng khi sử dụng các số liệu kinh tế làm căn cứ cho các động thái chính sách tiền tệ. Hôm thứ Năm, báo cáo về tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho thấy PCE lõi quý 1 tăng tốc so với quý trước đó. Ngoài ra, GDP quý 1 của Mỹ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với dự báo.
Sự ảm đạm của tăng trưởng và tình trạng dai dẳng của lạm phát dẫn tới mối lo về sự hình thành của môi trường “stagflation” - tăng trưởng trì trệ kết hợp lạm phát cao - một “cơn ác mộng” đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ. Chứng khoán Mỹ đã tụt điểm trong phiên ngày thứ Năm sau khi các số liệu trên được công bố.
Tuần tới, sự chú ý của nhà đầu tư sẽ tiếp tục hướng đến báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết lớn, nhất là các Big Tech như Apple và Amazon. Fed sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ trong hai ngày vào thứ Ba và thứ Tư.
Lần họp này của Fed, thị trường dự báo sẽ không có động thái điều chỉnh lãi suất nào. Thay vào đó, kỳ vọng về thời điểm Fed bắt đầu giảm lãi suất đã bị đẩy lùi tới tháng 9 do tiến trình giảm lạm phát chậm lại và có nguy cơ bị đảo ngược.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,28 USD/thùng, tương đương tăng 0,34%, chốt ở mức 83,85 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,49 USD/thùng, tương đương tăng 0,55%, chốt ở mức 89,5 USD/thùng.
Tuần này, giá dầu WTI tăng 0,85% trong khi giá dầu Brent tăng 2,53%.
Tương tự như giá cổ phiếu, giá dầu gặp bất lợi từ số liệu lạm phát nóng hơn dự báo.
“Dữ liệu kinh tế sáng nay đủ để các nhà tham gia thị trường kết luận rằng Fed sẽ không sớm cắt giảm lãi suất”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital LLC nhận định với hãng tin Reuters.
Ông Kilduff cho rằng giá dầu tăng là do nhà đầu tư còn lo về bất ổn địa chính trị ở Trung Đông. “Mối lo địa chính trị là nhân tố giữ giá dầu tăng. Hai yếu tố tác động ngược chiều này sẽ khiến giá dầu giằng co”, ông Kilduff nói thêm.
Ngoài ra, giá dầu còn đương đầu với áp lực giảm từ xu hướng tăng giá của đồng USD. Chỉ số Dollar Index chốt phiên ngày thứ Sáu với mức tăng gần 0,5%, đạt 106,1 điểm, gần mức cao nhất 5 tháng thiết lập vào đầu tuần. So với đồng yên Nhật Bản, tỷ giá đồng USD đang cao nhất trong 34 năm.
Tại Trung Đông, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết bất kỳ phán quyết nào của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) - cơ quan đang điều tra các cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas nhằm vào Israel và cuộc tấn công quân sự của Israel vào Gaza - sẽ không ảnh hưởng đến hành động của Israel nhưng sẽ “đặt ra một tiền lệ nguy hiểm”.
Trong một tuyên bố được chia sẻ trên Telegram, ông Netanyahu nói: “Dưới sự lãnh đạo của tôi, Israel sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào của Tòa án Hình sự Quốc tế ở Hague nhằm làm suy yếu quyền tự vệ cơ bản của Israel”.
Israel đã tăng cường không kích vào Rafah, sau khi tuyên bố sẽ sơ tán dân thường khỏi thành phố ở miền Nam Gaza này và tiến hành một cuộc tấn công tổng lực, bất chấp cảnh báo của các đồng minh rằng làm như vậy có thể gây thương vong hàng loạt.
Ông Tim Snyder, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu Matador Economics, nhận định: “Israel không ngại tự làm mọi việc nếu họ phải làm vậy. Mọi người đang theo dõi xem điều gì xảy ra giữa Israel và Mỹ”. Căng thẳng địa chính trị vẫn chưa kết thúc và điều này vẫn đang mang lại sự hỗ trợ cho giá dầu, giúp bù lại áp lực mất giá dầu do dữ liệu lạm phát, ông Snyder nhấn mạnh.