Ngoài ra, kỳ vọng lãi suất sớm giảm cũng tăng lên sau một báo cáo cho thấy ngành sản xuất của Mỹ giảm tốc, qua đó giúp giá dầu thô tăng gần 2%.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 263,71 điểm, tương đương tăng 0,69%, đạt 38.503,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,2%, đạt 5.070,55 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,59%, đạt 15.696,64 điểm.
Nhiều cổ phiếu có tỷ trọng vốn hoá lớn tăng mạnh trong phiên này nhờ kết quả kinh doanh quý 1 tốt hơn dự báo: Spotify tăng 11,4%; UPS tăng 2,4%; GE Aerospace tăng 8,3%... Phiên ngày thứ Tư sẽ có thêm nhiều công ty lớn công bố báo cáo, gồm Tesla và Alphabet.
Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông dịu đi và mùa báo cáo tài chính khả quan là động lực để thị trường tăng liên tiếp trong hai phiên đầu tuần, sau khi S&P 500 ghi nhận chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp vào hôm thứ Sáu tuần trước. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn đang lo ngại rằng sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ sẽ dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trì hoãn cắt giảm lãi suất.
Trong số khoảng 20% công ty thành viên của S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính tính đến thời điểm này, có khoảng 76% đạt kết quả tốt hơn dự báo - theo dữ liệu từ FactSet.
Cổ phiếu công nghệ đang được nhà đầu tư mua trở lại trong hai phiên đầu tuần, sau đợt bán tháo vào tuần trước. Gần đây, những cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Nvidia đã bị xả ồ ạt do nhà đầu tư lo lắng về sự dai dẳng của lạm phát và rủi ro lãi suất cao hơn lâu hơn.
Báo cáo nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Mỹ do công ty S&P Global thực hiện cho thấy hoạt động trong lĩnh vực này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng. Chỉ số PMI của tháng 4 đạt 49,9 điểm, từ mức 51,9 điểm của tháng 3. Mức dưới 50 điểm thể hiện sự suy giảm.
Dữ liệu này làm gia tăng khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất, theo đó kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Tuy nhiên, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn đang trên 4,6%, gần mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Tuần này, thị trường sẽ nhận được những báo cáo quan trọng về tình trạng của kinh tế Mỹ, từ đó các kỳ vọng về lãi suất và lạm phát sẽ được định hình rõ nét hơn. Báo cáo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ được công bố vào ngày thứ Năm, tiếp đó là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) công bố vào ngày thứ Sáu. PCE là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng.
Hy vọng giảm lãi suất nhen nhóm từ báo cáo PMI giúp giá dầu có phiên phục hồi sau khi giảm liên tiếp trong mấy phiên gần đây vì căng thẳng ở Trung Đông dịu đi.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,46 USD/thùng, tương đương tăng gần 1,8%, chốt ở mức 83,36 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 1,42 USD/thùng, tương đương tăng 1,63%, chốt ở 88,42 USD/thùng.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI tăng hơn 16% và giá dầu Brent tăng gần 15%.
Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhận định hy vọng mới về giảm lãi suất “đang mang lại cho giá giá dầu ‘cảm giác mới về sự sống’, nhất là sau khi dầu đã bị bán tháo gần đây”.
Động lực chính cho dầu tăng giá năm nay là căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, nhất là nguy cơ chiến tranh bùng nổ giữa Iran và Israel sau loạt các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng giữa hai bên” từ đầu tháng 4 tới nay. Tuy nhiên, mối lo này đã lắng dịu sau khi cả Iran và Israel đều phát tín hiệu không muốn dính líu vào một cuộc chiến trên diện rộng.
Ngoài ra, thị trường cũng không còn lo ngại về nguy cơ xuất khẩu dầu thô của Iran bị áp thêm các biện pháp trừng phạt. Quốc hội Mỹ đang tiến hành thông qua một dự luật nhằm siết chặt trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của quốc gia vùng Vịnh này, nhưng Tổng thống Joe Biden có quyền hoãn thực thi dự luật nếu ông xác định thấy việc này ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ.