Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (20/6), khi nhà đầu tư khởi động tuần giao dịch mới bằng cách bán chốt lời sau một đợt tăng kéo dài, trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu về sự suy yếu của nhu cầu trên toàn cầu và trước thềm cuộc điều trần trước Quốc hội của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. Những mối lo này cũng là nguyên nhân dẫn tới phiên xuống giá trên thị trường dầu thô.
Giới phân tích nhận định rằng cuộc điều trần trước Hạ viện và Thượng viện Mỹ trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm tuần này của ông Powell - người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới - có thể gây ra nhiều biến động trên thị trường tài chính Mỹ và thậm chí toàn cầu.
Phiên ngày thứ Ba diễn ra khi nhà đầu tư ở Phố Wall quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ Juneteenth hôm thứ Hai. Cả ba chỉ số chính cùng chốt phiên trong sắc đỏ, nhưng đã thoát khỏi mức đáy của phiên. Do giá dầu đi xuống, cổ phiếu của các công ty dầu khí lớn như Exxon Mobil đã gây áp lực giảm đồng loạt lên cả S&P 500 và Dow Jones.
Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 245,25 điểm, tương đương giảm 0,72%, còn 34.053,87 điểm. S&P 500 giảm 0,47%, còn 4.388,71 điểm. Nasdaq giảm 0,16%, còn 13.667,29 điểm.
Cổ phiếu bị xả trên diện rộng sau khi Nasdaq có tuần tăng thứ 8 liên tiếp vào tuần trước, chuỗi tuần tăng dài nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2019. S&P 500 cũng vừa ghi nhận chuỗi 5 tuần tăng, dài nhất kể từ tháng 11/2021.
Sau phiên giảm vào ngày thứ Ba, S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - đã tăng 14,3% từ đầu năm đến nay.
“Thị trường đang cố gắng kiểm tra xem liệu xu hướng tăng gần đây có phải là bền vững hay không”, nhà quản lý danh mục cấp cao Robert Pavlik của công ty quản lý tài sản Dakota Wealth nhận định. “Thị trường vận hành theo chu kỳ và đợt tăng gần đây nhất đã khiến nhiều người ngạc nhiên”.
Về cuộc điều trần của ông Powell, nhà đầu tư chờ đợi những tín hiệu mới về việc Fed sẽ giữ chính sách tiền tệ thắt chặt trong bao lâu. “Fed chưa dành cho những đợt tăng lãi suất đã có một khoảng thời gian cần thiết để phát huy ảnh hưởng thực sự tới nền kinh tế”, ông Pavlik nói.
“Tôi không rõ Fed có nhìn thấy điều gì đó mà chúng ta không thấy hay không. Lạm phát không còn căng thẳng như trước nữa. Điều này được thể hiện rõ cả ở trạm bán xăng và cả các cửa hiệu bán thực phẩm”.
Mối lo về sự suy yếu của nhu cầu toàn cầu càng hiện rõ hơn sau khi Trung Quốc có động thái cắt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp trong vòng chỉ hơn 1 tuần để kích thích nhu cầu. Lần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giảm lãi suất cơ bản (LPR) các khoản vay kỳ hạn 1 năm và 5 năm.
Theo bà Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu của LPL Financial, cổ phiếu đang bị mua quá mức và cần một chất xúc tác để đưa thị trường lên cao hơn. “Với việc S&P 500 và Nasdaq đã tăng nhiều và vượt qua các ngưỡng kháng cự quan trọng, đồng thời được củng cố bởi khối lượng giao dịch lớn hơn và sự tham gia rộng rãi hơn của nhà đầu tư, thị trường đã đạt đến trạng thái mua quá mức trong ngắn hạn vào hôm thứ Sáu,” bà Krosby nhận định.
“Ông Powell dường như phân vân giữa nhu cầu khôi phục sự ổn định giá cả, nhưng cũng gợi ý rằng Fed có thể chờ xem nền kinh tế phản ứng như thế nào sau khi lãi suất đã tăng tổng cộng 5 điểm phần trăm”, vị chiến lược gia nhận định.
Bà cho rằng với tâm lý lạc quan và thị trường “mua quá mức”, “ông Powell có thể mang lại một chút hỗ trợ cho đà tăng của thị trường, nhưng nếu vị Chủ tịch Fed có ý rằng ông ấy đang ở phe cứng rắn, thì thị trường có thể tiếp tục giảm thêm cho đến khi xuất hiện một chất xúc tác khả thi hơn”.
Giá dầu thô Brent giao tháng 8 tại London giảm 0,19 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 75,9 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,28 USD/thùng, tương đương giảm 1,8%, còn 70,5 USD/thùng.
Áp lực giảm đối với giá dầu đến từ mối lo rằng nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai thế giới, đang tăng chậm lại. Thị trường cũng thất vọng với mức cắt giảm lãi suất cơ bản của PBOC. Ngoài ra, giới đầu tư còn thất vọng khi có tin nguồn cung dầu thô từ Iran và Nga đã tăng trong những tuần gần đây.
“Giá dầu đang phụ thuộc bất cứ thông tin gì liên quan đến Trung Quốc”, ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty phân tích và dữ liệu OANDA - nhận định.
Còn theo bà Tina Teng, chuyên gia đến từ công ty CMC Markets, các nhà giao dịch dầu mỏ có thể cần phải chứng kiến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc để có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng nhu cầu dầu.
Chính phủ Trung Quốc đã họp vào tuần trước để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi một số ngân hàng lớn đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại rằng khả năng kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 của nước này đang chững lại.
Một chuyên gia tại bộ phận nghiên cứu của Tổng công ty Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cho biết nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ tăng ít hơn so với dự kiến trước đây do mối quan tâm mạnh mẽ đối với xe điện gây áp lực lên nhu cầu sử dụng xăng.
Bất chấp những dự báo về nhu cầu dầu tăng trưởng chậm hơn, tiêu thụ dầu ở cả Trung Quốc và Ấn Độ vẫn được dự báo sẽ tăng trong những tháng tới. Điều này là một nhân tố hỗ trợ giá dầu, tránh cho giá giảm sâu hơn. Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Eurasia Group cho rằng “tăng trưởng nhu cầu có thể tăng lên trong nửa cuối năm nếu Bắc Kinh đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mới” và “ngành hàng không đang bùng nổ của Ấn Độ cũng sẽ góp phần vào tăng trưởng nhu cầu chung”.
Về phía cung, xuất khẩu dầu thô và sản lượng dầu của Iran đã đạt mức cao mới trong năm nay bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nga cũng dự kiến sẽ tăng xuất khẩu dầu diesel bằng đường biển trong tháng này, vượt xa các khoản cắt giảm sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm cả chính Nga.