Theo tờ Wall Street Journal, giới đầu tư ở Phố Wall đang tranh luận về việc liệu đợt tăng này của cổ phiếu công nghệ có phải là tiền đề cho một vụ nổ bong bóng, giống như thời bong bóng dotcom, hay là sự khởi đầu của một cuộc tăng bền vững hơn. Điều này sẽ tuỳ thuộc không ít vào các động thái chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed.
Cuộc bùng nổ của cổ phiếu AI: Nhất thời hay bền vững?
Những kỳ vọng lớn đặt vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là chất xúc tác thúc đẩy cổ phiếu các công ty công nghệ tăng giá kỷ lục trong năm nay. Càng về cuối quý 2 này, xu hướng tăng càng mạnh mẽ hơn.
Chỉ số Nasdaq Composite - thước đo giá cổ phiếu công nghệ ở Phố Wall - đã có tuần tăng thứ tám liên tiếp vào tuần trước, chuỗi tăng dài nhất kể từ chuỗi 10 tuần kéo dài đến tháng 3/2019. Các nhà đầu tư cá nhân đã tranh nhau mua cổ phiếu của các công ty công nghệ, với dữ liệu từ công ty Vanda Research cho thấy các nhà đầu tư này đã rót nhiều tiền hơn vào Tesla hơn bất kỳ cổ phiếu nào khác trong tuần trước.
Các đặt cược vào quyền chọn cổ phiếu cũng bùng nổ. Theo dữ liệu từ công ty Trade Alert, các hợp đồng phổ biến nhất trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu vừa rồi là đặt cược vào sự tăng giá của các cổ phiếu Tesla, Nvidia, Advanced Micro Devices, Apple và Meta Platforms.
Các nhà đầu tư và chuyên gia tin xu hướng tăng sẽ tiếp tục nhận định rằng các nhà phát triển phần mềm, nhà sản xuất chip và các công ty khác đang mạnh tay rót tiền vào AI chính là những đối tượng có tiềm năng dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ có thể biến đổi xã hội trong những năm tới này.
“Tôi không coi đây là sự lặp lại của năm 1999”, nhà phân tích Dan Ives của công ty Wedbush Securities nhận định khi so sánh những gì đang diễn ra hiện nay với đợt tăng giá dữ dội của các công ty dot-com trước một đợt bán tháo ồ ạt vào năm 2000.
Một số chuyên gia khác tỏ quan điểm hoài nghi hơn, cho rằng các chu kỳ hình thành rồi vỡ bong bóng trước đây đã dạy họ một bài học rằng việc chọn ra một số công ty cuối cùng có thể thống trị một ngành nhất định trong dài hạn là việc khó hơn nhiều so với tưởng tượng.
Ông Jason Pride, Giám đốc chiến lược và nghiên cứu đầu tư tại công ty Glenmede, nói với Wall Street Journal: “Trong sự nghiệp của mình, tôi chưa từng thấy một chu kỳ công nghệ nào mà giai đoạn khởi đầu không tràn ngập sự cường điệu và hy vọng hơn là triển vọng dài hạn”.
Ẩn số chính sách Fed
Tuần này, thị trường sẽ dõi theo cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào ngày thứ Tư và thứ Năm của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ngoài ra, thị trường cũng sẽ đón nhận các dữ liệu mới về kinh tế Mỹ, bao gồm doanh số bán nhà đã qua sử dụng và và hoạt động của ngành sản xuất.
Cho đến nay, nền kinh tế Mỹ đã cho thấy được sự vững vàng hơn mong đợi. Lạm phát vẫn ở mức cao so với mục tiêu 2% của Fed, dù đã giảm từ mức đỉnh của 4 thập kỷ thiết lập vào mùa hè năm ngoái. Sự kết hợp của các yếu tố đã khiến Fed phát tín hiệu có thể tăng lãi suất ít nhất hai lần nữa trước khi kết thúc năm 2023.
Hồi năm ngoái, một thông điệp như vậy từ Fed hoàn toàn có thể đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ. Các nhà quản lý quỹ cho rằng đợt bán tháo trên thị trường vào năm 2022 - khiến các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn mất hàng nghìn tỷ USD giá trị vốn hoá - là do Fed tăng lãi suất mạnh tay.
Cơ sở lý luận mà họ đưa ra là các nhà đầu tư thường coi các công ty công nghệ là khoản đầu tư sẽ chỉ mang lại lợi nhuận trong quá trình nhiều năm. Khi lãi suất tăng nhanh, các nhà quản lý quỹ đầu tư có thể nhận được lợi nhuận cao hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn từ các tài sản khác như trái phiếu kho bạc Mỹ. Điều đó có thể làm cho cổ phiếu - đặc biệt là cổ phiếu công nghệ với mức định giá tương đối đắt hơn - trở nên kém hấp dẫn hơn.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư dường như không còn coi Fed là mối đe dọa đối với sự phục hồi của cổ phiếu công nghệ. Nasdaq Composite tăng 31% từ năm đến nay, vượt xa mức tăng 15% của chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ.
Đâu là lý do cho sự vượt trội này? Một lời giải thích có thể là các nhà đầu tư nghi ngờ việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Ông Brad Conger, Phó giám đốc đầu tư công ty Hirtle Callaghan, nhận định: “Về cơ bản, thị trường đang nói: 'Chúng tôi không tin những gì Fed nói'”. Ông Conger lưu ý rằng chỉ một ngày sau cuộc họp của Fed vào tuần trước, chứng khoán Mỹ đã phục hồi, với cả ba chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq Composite đều đóng cửa ở mức cao nhất kể từ năm 2022.
Ông Ives là một trong số các nhà phân tích tin rằng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất. “Tôi chơi bóng rổ không giỏi, nhưng cảm thấy cơ hội để mình được chơi ở giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA còn cao hơn khả năng Fed tăng lãi suất thêm hai lần nữa”.
Ông Mike Loewengart, người đứng đầu bộ phận xây dựng danh mục đầu tư mô hình cho văn phòng đầu tư toàn cầu của Morgan Stanley, cho rằng về lý thuyết, việc Fed chuẩn bị kết thúc chu kỳ tăng lãi suất sẽ mang lại lợi ích cho các công ty công nghệ. Ông nói rằng các công ty công nghệ thường dựa vào việc vay một khoản tiền lớn với lãi suất hấp dẫn để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.
“Khi lãi suất giảm, các điều kiện bắt đầu trở nên dễ dàng hơn đối với công ty tăng trưởng như doanh nghiệp công nghệ”, ông Loewengart nói thêm.
Tuy nhiên, một rủi ro đối với lối suy nghĩ như vậy là các nhà đầu tư rốt cục sai lầm khi đoán già đoán non về Fed. Lạm phát có thể không giảm đủ nhanh theo ý muốn của Fed, và điều đó có thể buộc Fed phải tăng lãi suất hơn nữa, từ đó kìm hãm đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ, trong đó có cổ phiếu công nghệ.
Một mối đe dọa tiềm tàng khác đối với đợt tăng giá cổ phiếu này nằm ở một câu hỏi mà các nhà đầu tư khó sớm có được câu trả lời: liệu các công ty công nghệ có mức định giá tăng vọt trong năm nay có đáp ứng được kỳ vọng của các cổ đông hay không.
Ông Loewengart cho rằng sự bùng nổ của công nghệ AI là “một yếu tố rất thực thúc đẩy cổ phiếu công nghệ nói riêng và toàn thị trường nói chung. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu rằng đổi mới công nghệ không phải lúc nào cũng trở thành hoạt động kinh doanh bền vững hoặc thu nhập bền vững”.