Sau chuỗi phục hồi ấn tượng thì thị trường chứng khoán trong nước đã có bước điều chỉnh giảm nhẹ. VN-Index sớm xuống dưới vùng tham chiếu và duy trì sắc đỏ suốt phiên giao dịch ngày 5/8.
Chỉ số đại diện sàn HoSE đóng cửa giảm 1,41 điểm (-0,11%) về mức 1.252,74 điểm. Như vậy VN-Index đã đánh mất chuỗi tăng mạnh 4 phiên liên tiếp trước đó.
Diễn biến ngược lại tại Hà Nội. Bộ chỉ số HNX-Index sau khi mở cửa trong sắc đỏ đã quay đầu tăng 2,17 điểm (0,73%) lên 299,9 điểm. UPCoM-Index cũng kết phiên trong sắc xanh với mức tăng 0,51%.
Áp lực điều chỉnh đến từ nhóm vốn hóa lớn, trong đó rổ VN30 bị điều chỉnh 5,67 điểm (-0,44%). Bộ chỉ số này ghi nhận đến 17 trên 30 mã kết phiên trong sắc đỏ, ngược lại chỉ có 8 mã tăng giá.
Ảnh hưởng xấu nhất đến xu hướng chung là VHM của Vinhomes khi rơi thêm 1,9% về 61.800 đồng. Bên cạnh đó còn có VIC của Vingroup giảm 1,5% còn 65.400 đồng. Bộ đôi này đã làm mất gần 2,3 điểm của thị trường.
Bên cạnh đó còn phải kể đến MSN của Masan lao dốc 3,2% về 104.500 đồng. VCB của Vietcombank mất 0,6% xuống 82.000 đồng. HPG của Hòa Phát rơi 1,5% còn 23.300 đồng hay SAB của Sabeco giảm 1,3% về 182.600 đồng.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí có đóng góp quan trọng cho chỉ số. Trong đó sắc tím đã hiện diện tại PVD và PVX; cổ phiếu PVB bứt phá 4%, PSH tăng 3,5% hay PVS tiến 2,5%.
Nhóm ngành chứng khoán cũng tỏa sáng với SSI dẫn đầu tăng mạnh 5,3% lên 24.800 đồng. Thêm nữa, VIX tăng hết biên độ lên 12.800 đồng, các mã như CTS, MBS, VCI hay APS đều tăng hơn 4% giá trị.
Một số cổ phiếu riêng lẻ cũng tạo điểm nhấn lớn. Đơn cử VNS của Vinasun tiếp tục thăng hoa với chuỗi tăng trần lên 16.700 đồng. PTL của Victory Capital cũng tăng hết biên độ 3 phiên liên tiếp. TGG của Louis Capital tăng gần 7% để nối dài chuỗi 4 phiên tăng mạnh.
Độ rộng thị trường vẫn tương đối cân bằng nhưng giá trị thanh khoản có phần đi xuống. Tổng giá trị giao dịch giảm hơn 7% so với hôm qua về mức 18.309 tỷ đồng , trong đó thanh khoản khớp lệnh HoSE giảm hơn 10% chỉ còn 13.530 tỷ đồng.
Mã chứng khoán được giao dịch nhiều nhất thị trường là HPG của Hòa Phát với hơn 42,5 triệu cổ phiếu được trao tay (tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng), chiếm 7,4% tổng giao dịch sàn HoSE.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đảo chiều về xu thế khi họ mua vào lượng cổ phiếu trị giá 1.231 tỷ và bán ra 1.522 tỷ, tương đương với mức bán ròng đáng kể 291 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Cái tên bị khối ngoại tháo chạy nhiều nhất lại là HPG của Hòa Phát khi bị bán ròng khủng 453 tỷ đồng (tương đương gần 19,5 triệu cổ phiếu), tiếp đến là AGG của An Gia bị bán ròng 187 tỷ đồng. Ngược lại SSI là mã hút vốn ngoại tốt nhất khi được mua ròng 152 tỷ đồng.