Thị trường chứng khoán Mỹ có thêm một phiên giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (31/8), trong xu thế tụt dốc của chứng khoán toàn cầu khi giới đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tăng mạnh lãi suất và suy thoái kinh tế có thể xảy ra. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá dầu sụt sâu trong phiên cuối tháng.
Các chỉ số chứng khoán ở Phố Wall đã khởi động phiên trong trạng thái tăng, nhưng sắc đỏ dần lấn át các bảng điện tử khi thị trường châu Âu giảm mỗi lúc một sâu hơn. Phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư khắp thế giới trong những ngày gần đây là chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ gây tổn thất nhu cầu và kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Việc các quan chức ngân hàng trung ương liên tục đưa ra các phát biểu cứng rắn về chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trên thị trường.
Phát biểu ngày 31/8, Chủ tịch chi nhánh Cleveland của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Loretta Mester nói rằng ngân hàng trung ương này sẽ cần phải tăng lãi suất lên trên 4% vào đầu năm tới và duy trì ở mức đó để kéo lạm phát về mức mục tiêu của Fed. Bà Mester thừa nhận nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái trong năm tới hoặc 2 năm tới đã tăng lên.
Các chuyên gia của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics cũng cảnh báo kinh tế Mỹ sắp rơi vào suy thoái. “Các mô hình theo dõi tổng hợp của chúng tôi cho thấy rằng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế trong vòng 1 năm tới đây đã tăng mạnh. Tuy nhiên, những rủi ro trước mắt có vẻ vẫn ở mức thấp, do thu nhập thực tế được cải thiện nhờ giá xăng giảm có thể giúp tổng sản phẩm trong nước (GDP) khởi sắc trong quý 3”, một phân tích của Capital Economics được hãng tin Reuters trích dẫn.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,78%, còn 3.955 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 280,44 điểm, tương đương mất 0,88%, còn 31.510,43 điểm. Chỉ số Nasdaq tụt 0,56%, còn 11.816,2 điểm.
Tính cả tháng 8, Dow Jones tụt 4,06%; S&P 500 mất 4,24%; và Nasdaq trượt 4,64% điểm số. Đây là tháng giảm điểm mạnh nhất của cả ba chỉ số kể từ tháng 8/2015. Trong nửa cuối của tháng, S&P 500 sụt hơn 8%.
Áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ đã gia tăng sau phát biểu cứng rắn của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào hôm thứ Sáu tuần trước rằng Fed sẽ duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ. Phát biểu này dập tắt hy vọng trước đó của giới đầu tư về việc Fed sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất. Với 4 phiên giảm liên tiếp kể từ đó, S&P 500 đến nay đã mất hơn 5%.
“Tất cả những gì Fed quan tâm là kéo lạm phát xuống và tăng lãi suất để làm được việc đó. Việc Fed sẽ quyết liệt tới mức độ nào sẽ tuỳ thuộc cả vào các dữ liệu kinh tế”, nhà quản lý danh mục Tim Ghriskey của Ingalls & Snyder nhận định trên Reuters. “Hiện tại, thị trường đang giằng co và biến động nhiều. Có người lo đợt phục hồi trong mùa hè chỉ là sự tăng điểm trong xu hướng thị trường đầu cơ giá xuống (bear market rally), có người lo thị trường sẽ lập thêm đáy mới”.
Chỉ số MSCI All-Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 0,65% trong phiên cuối tháng, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên 18,8% dưới sức ép từ chiến tranh ở Ukraine, giá năng lượng leo thang, và lãi suất tăng trên toàn cầu.
Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu giảm 1,1% phiên này, xuống mức thấp nhất 6 tuần. Từ đầu năm, chỉ số này đã “bốc hơi” khoảng 15%.
Nhà đầu tư toàn cầu thêm phần bi quan khi đón nhận những số liệu cho thấy sự giảm tốc của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Kinh tế Trung Quốc hiện đang cùng lúc đối mặt với sự gia tăng của số ca nhiễm Covid-19 mới, đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản.
Ở châu Âu, lạm phát của khu vực Eurozone lập kỷ lục mới trong tháng 8, vượt xa dự báo và củng cố khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có một đợt tăng lãi suất mạnh trong tháng 9.
Nga đã bắt đầu khoá đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 với lý do để bảo trì bất thường. Cuộc bảo trì dự kiến kéo dài 3 ngày nhưng châu Âu đang lo sợ rằng Nga sẽ khóa luôn đường ống và nhiều nước trong khu vực sẽ phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông này. Khủng hoảng năng lượng đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với người tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp lao đao, và buộc các chính phủ trong Eu phải chi nhiều tỷ USD để trợ cấp.
Thị trường hiện đang đặt cược cả Fed và ECB đều phải tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9.
Nhà quản lý quỹ đầu tư trái phiếu Jamie Niven của Candriam cho rằng đến hiện tại các đợt tăng lãi suất dự kiến trong năm nay đều đã được phản ánh gần hết vào giá tài sản trên thị trường, nhất là ở Mỹ. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã bắt đầu phản ánh vào định giá tài sản các đợt tăng lãi suất có thể diễn ra trong năm tới, sau bài phát biểu cứng rắn của ông Powell vào tuần trước.
“Tôi cho rằng sẽ còn có thêm nhiều ‘nỗi đau’ trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu trước khi triển vọng sáng lên. Tôi không nghĩ sẽ có chuyện các ngân hàng trung ương sớm cắt giảm lãi suất để giảm bớt ảnh hưởng của suy thoái kinh tế”, ông Niven nói.
Cũng theo nhà quản lý quỹ này, báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu, có thể củng cố thêm khả năng Fed tăng lãi suất mạnh tay.
Trước phiên giảm của chứng khoán Mỹ và châu Âu, thị trường châu Á cũng chứng kiến sự giảm điểm trong phiên ngày thứ Sáu. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm 0,4%, trong khi Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,16%.
Kỳ vọng lãi suất tăng đưa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi lên. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm có lúc đạt mức cao nhất 15 năm ở 3,497%, nhưng sau đó hạ về 3,4847%. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm đạt mức cao nhất 2 tháng 3,1870%.
Sau khi lập kỷ lục 20 năm gần 109,5 điểm vào đầu tuần, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD hạ về 108,7 điểm khi đóng cửa phiên ngày thứ Năm.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 2,3%, còn 89,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,8%, còn 96,49 USD/thùng. Trong phiên ngày thứ Tư, giá cả hai loại dầu cùng giảm gần 6%.
Thị trường tiền ảo cầm cự trong lúc các tài sản rủi ro khác bị bán tháo. Giá Bitcoin tăng nhẹ và duy trì trên mốc chủ chốt 20.000 USD, sau khi có thời điểm tuột khỏi mốc này trong tuần này.