Với tâm lý thận trọng tiếp tục kéo dài trên thị trường chứng khoán, VN-Index ngay ở phiên đầu tuần đã lao dốc mạnh với mức giảm 35,13 điểm. Ngay phiên đầu tuần, VN-Index đã mất mốc 1.000 điểm xuống còn 985,21 điểm.
Ngay phiên sau đó, thị trường ghi nhận phiên hồi phục mạnh mẽ, sàn VN-Index lấy lại được 19,36 điểm, phiên kế tiếp nhờ vào khối cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường lấy lại mốc 1.015,66 điểm.
Tuy nhiên, tâm lý chốt lời những phiên sau đa phần rơi vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Thị trường ghi nhận 2 phiên cuối tuần liên tiếp, các chỉ số quay xe đột ngột trong những phút cuối kết phiên giao dịch.
Ở phiên cuối tuần, thị trường giao dịch khá tiêu cực, VN-Index giảm nhẹ 2,2 điểm, xuống mức 1.007,09 điểm. Đồng thời chốt năm mất gần 33% điểm số tính từ đầu năm đến nay. Riêng tuần này, VN-Index đã giảm tổng cộng 13,25 điểm, tương ứng giảm 1,3% so với tuần trước. Tính cả tuần, sàn HNX-Index cũng chỉ tăng rất nhẹ 0,01 điểm, kết năm ở mức 205,31 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn là vấn đề hết sức nan giải, ngay ở phiên cuối tuần, khối lượng giao dịch trên HoSE chỉ vỏn vẹn 7,4 nghìn tỷ đồng với hơn 400 triệu cổ phiếu được sang tay. Tính tổng cả tuần, sàn này nhà đầu tư chỉ đổ vào 45,8 nghìn tỷ, trung bình một phiên chỉ đạt 9,1 nghìn tỷ tương ứng với hơn 500 triệu cổ phiếu giao dịch/phiên.
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE đã giảm đến hơn 37% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 52 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 35,75%.
Dòng tiền của thị trường tuần này tiếp tục ghi nhận sự hỗ trợ đến từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong tuần khối này mua ròng gần 2.056 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, sàn HoSE khối ngoại mua ròng hơn 1.967 tỷ đồng, và hơn 88 tỷ đồng mua ròng trên sàn HNX.
Xét về mức độ đóng góp, cổ phiếu VHM, TCB, SAB, VIC là những mã có tác động tiêu cực nhất đến thị trường. Trong đó, riêng mã VHM đã lấy đi gần 2 điểm của chỉ số. Ngược lại, các mã VCB, OCB, SSB, KBC hay PNJ tác động tích cực nhất cho thị trường.
Cụ thể mã PNJ của nhóm ngành sản xuất phụ trợ có sự bứt phá tốt khi tăng nổi bật hơn 10%, ngoài ra còn có các mã cùng nhóm tăng điểm tốt khác như PLC, HTP, TLG…
Tiêu biểu về mức độ tăng điểm mạnh, phải nói đến mã cổ phiếu SGT tăng hơn 25%, hiện mã cổ phiếu này đang ở mức giá 15.200 đồng/CP. Chiều ngược lại, hai mã cổ phiếu GEX và TGG giảm điểm mạnh nhất thị trường với mức giảm gần 11%.
Về nhóm ngành, cổ phiếu nhóm thủy hải sản, giao dịch khá tích cực, nổi bật ở các mã như VHC, ANV, IDI duy trì liên tục được sắc xanh, dù tỷ lệ tăng không cao. Mặt khác, nhóm này được hỗ trợ thông tin ngành cá tra đã vượt qua những khó khăn trong năm 2022, với ngành xuất khẩu dự kiến năm trong năm đạt 2,4 tỷ USD, tăng tới 70% so với cùng kỳ. Và kỳ vọng sau khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, càng mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho thị trường thủy sản.
Cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, luôn là tâm điểm chú ý trong tuần qua, khi các mã trong nhóm bị phân hóa liên tục, luân phiên gánh thị trường và ngược lại khiến thị trường quay đầu giảm mạnh. Phần lớn trong tuần qua, tâm điểm giao dịch của nhà đầu tư rơi vào các mã cổ phiếu lớn của hai nhóm này.
Trong tuần, Tổng cục Thống kê đã công bố Báo cáo tình hình kinh tế xã hội Việt Nam năm 2022, theo đó tổng sản phẩm trong nước quý 4/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02%, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2021-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại. Đồng thời, trên thị trường chứng khoán cũng kỳ vọng được cải thiện hơn trong năm mới 2023.