Thị trường chứng khoán vừa có một tuần giao dịch nhiều biến động nhưng vẫn tích cực. VN-Index khởi đầu tuần khá tệ khi giảm mạnh 2,1% về mức 1.023,1 điểm do khủng hoảng ngân hàng lan rộng sang châu Âu.
Sự can thiệp của giới chức Thụy Sĩ đã trấn an tâm lý nhà đầu tư và thông điệp có phần “ôn hòa” của Fed cũng giúp thị trường tài chính giải tỏa bớt áp lực, dòng tiền đã phục hồi trở lại sau đó.
Riêng VN-Index ghi nhận lực cầu bắt đáy mạnh để giúp chỉ số có 4 phiên tăng điểm liên tiếp sau đó và kết tuần tăng nhẹ lên mức 1.046,8 điểm (tăng 0,2% so với tuần trước đó. HNX-Index cũng tăng 0,6% đạt 205,7 điểm còn UPCoM-Index giảm nhẹ 0,4% xuống 76,2 điểm.
Thanh khoản thị trường tuần qua giảm với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn lùi về mức 9.919 tỷ đồng/phiên, thấp hơn 15,3% so với tuần liền trước.
Khối ngoại vẫn duy trì mua ròng trên sàn HoSE tuần thứ 3 liên tiếp, song giá trị mua ròng giảm mạnh xuống còn 386 tỷ đồng. Giá trị mua ròng trên HNX cũng giảm mạnh về 41 tỷ đồng, thậm chí khối ngoại UPCoM bán ròng 27 tỷ đồng.
Ngành bất động sản chứng kiến một tuần giao dịch tích cực nhờ thông tin Capital Land đàm phán mua lại dự án của Vinhomes, hay một số thông tin khả quan trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp liên quan tới nhóm bất động sản. Đà tăng được dẫn dắt bởi VHM (+13,0%), NVL (+3,5%), NLG (+4,4%).
Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng "ghì chân" chỉ số mạnh nhất tuần qua do ảnh hưởng của khủng hoảng ngân hàng trên toàn cầu, với mức giảm đáng kể đến từ BID (-1,7%), HDB (-2,4%), CTG (-1,7%) hay TPB (-3,5%).
Bước sang tuần mới 26-31/3, thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin vĩ mô quan trọng như tăng trưởng GDP và CPI quý I và một số doanh nghiệp có thể công bố số ước tính kết quả kinh doanh.
Các chuyên gia đánh giá tăng trưởng kinh tế cũng như kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ không thực sự khả quan trong quý đầu năm. Thị trường vẫn có một số thông tin hỗ trợ như mặt bằng lãi suất đã giảm, kênh trái phiếu có những cải thiện ban đầu.
"Với những thông tin tốt xấu đan xen, chúng tôi cho rằng, thị trường có thể duy trì xu hướng tích lũy trong ngắn hạn", ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích và chính sách vĩ mô tại VNDirect nhận định.
Theo đó, VN-Index được dự báo dao động trong biên độ hẹp 1.030-1.070 điểm. Bối cảnh thị trường chưa hình thành xu hướng tăng rõ nét, việc mua vào và nắm giữ cổ phiếu chỉ nên thực hiện với tầm nhìn dài hạn.
Chuyên gia tại Chứng khoán Đông Á (DAS) cũng đồng tình VN-Index đang trong xu hướng đi ngang tích lũy, biên độ 1030-1080 điểm. Các giao dịch ngắn hạn có xác suất thành công cao trên nhóm cổ phiếu thị trường như nhóm thép, chứng khoán, bất động sản vừa và nhỏ.
Với xu hướng đi ngang, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vẫn đề xuất chiến lược swingtrade, tức mua trong các phiên giảm mạnh, thậm chí là các phiên xuyên thủng hỗ trợ đáy tháng 2 và bán trong các phiên hưng phấn với thanh khoản không cải thiện.
Trên quan điểm kỹ thuật, Chứng khoán MB cho rằng khu vực 1.050 điểm là vùng cản ở nhịp phục hồi kỹ thuật này, các hợp đồng tương lai cũng đóng cửa ở trạng thái chiết khấu rủi ro ở tuần này.