Phân bổ dòng tiền vào các tài sản tài chính yếu dần trong tháng 12 sau giai đoạn bùng nổ vào tháng 10 và 11 khi các yếu tố hỗ trợ việc giải ngân suy yếu, trong khi đó triển vọng về kinh tế toàn cầu kém tích cực trong năm 2023 và trong cuộc họp FOMC tháng 12, Fed vẫn chưa cho thấy tín hiệu rõ ràng nào sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ trong năm 2023 khi rủi ro về lạm phát vẫn chưa được kiểm soát, theo báo cáo dòng vốn toàn cầu vừa được thực hiện bởi SSI Research.
Dòng vốn vào cổ phiếu không có nhiều bứt phá
Điểm sáng trong tháng đến từ chính sách nới lỏng mở cửa của Trung Quốc, bao gồm loại bỏ yêu cầu xét nghiệm hàng loạt và ngừng thực hiện các biện pháp phong tỏa hay kiểm dịch trên diện rộng.
Các quỹ cổ phiếu rút ròng 32,7 tỷ USD, mức rút ròng cao nhất kể từ tháng 3/2020; trong khi dòng tiền vào các quỹ trái phiếu và tiền tệ cũng đảo chiều rút ròng nhẹ trong tháng 12. Tính chung cho năm 2022, phân bổ dòng tiền chủ yếu vẫn vào các quỹ cổ phiếu (+174 tỷ USD) trong khi đó các quỹ trái phiếu rút ròng 258 tỷ USD.
Dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu thị trường phát triển (DM) giảm mạnh trước triển vọng kém tích cực của kinh tế trong năm 2023. Dòng vốn DM rút ròng hơn 33 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022; trong đó dòng vốn vào thị trường Mỹ đảo chiều rút ròng 19,1 tỷ USD. Với phát biểu cứng rắn của Fed trong cuộc họp tháng 12, môi trường USD yếu đi và triển vọng suy thoái rõ nét hơn, các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc phân bổ vào các quỹ cổ phiếu thị trường phát triển.
Khảo sát từ BofA vẫn chưa cho thấy sự cải thiện về tâm lý từ các nhà quản lý quỹ và tỷ trọng tiền mặt vẫn ở mức cao (5,9% so với tỷ lệ trung bình dài hạn là 4,9%).
Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) cũng kém khả quan trong tháng 12 khi chỉ vào ròng nhẹ 877 triệu USD, với sự suy giảm đồng đều từ các quốc gia trong khu vực Châu Á.
Trái với kỳ vọng, dòng vốn vào thị trường mới nổi sụt giảm khá mạnh trong tháng 12, khi tâm lý đầu tư vẫn phụ thuộc nhiều vào các động thái của Fed.
Trên thực tế, các nhà quản lý quỹ cũng gặp khó khăn hơn trong việc lựa chọn phân bổ vào các tài sản EM rủi ro với mức lợi suất thu về đủ hấp dẫn tương đối so với các tài sản phi rủi ro như lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ hay nắm giữ USD.
Xét riêng trong khu vực Châu Á, dòng tiền vào ròng ở các thị trường như Trung Quốc (+4,3 tỷ USD), Ấn Độ (340 triệu USD), Việt Nam (+293 triệu USD), Đài Loan (80 triệu USD) và Thái Lan (+46 triệu USD).
Năm 2022 là một năm đầy khó khăn đối với thị trường tài chính toàn cầu khi các điều kiện tài chính thắt chặt và rủi ro địa chính trị đã tác động mạnh đến thị trường cổ phiếu, trái phiếu cũng như tiền tệ.
Sang năm 2023, mặc dù thị trường đã phần nào định giá các rủi ro kể trên, phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính sẽ vẫn phụ thuộc vào các yếu tố (1) động thái của Fed trong chu kỳ tăng lãi suất và (2) tốc độ Trung Quốc mở cửa cùng với triển vọng tăng trưởng.
Trạng thái tâm lý sẽ chỉ trở nên tích cực và việc giải ngân diễn ra đồng đều hơn khi các lo ngại trên được giải tỏa. Điểm tích cực về triển vọng dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu trong năm 2023 là chu kỳ trên thị trường chứng khoán thường đi trước chu kỳ kinh tế.
Nhìn chung, dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu được kỳ vọng sẽ không có nhiều bứt phá trong thời gian tới, trừ khi việc đẩy mạnh mở cửa hơn nữa của Trung Quốc sẽ tác động tích cực đến dòng vốn vào thị trường mới nổi (EM).
Việt Nam vẫn là điểm sáng hút vốn ngoại năm 2023
Tại thị trường Việt Nam, bất chấp diễn biến kém tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng tiền từ các quỹ ETF và quỹ chủ động khởi sắc trong năm 2022, đặc biệt trong Quý 4 sau sự kiện “thiên nga đen” liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Tiếp nối tháng 11, các quỹ ETF tiếp tục giao dịch tích cực trong tháng 12. Trong tổng cộng 14 quỹ theo dõi, có 8 quỹ nhận được dòng vốn tăng thêm trong tháng, với tổng giá trị 5.883 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật nhất là các quỹ Fubon (+2.230 tỷ), VanEck (+1.499 tỷ), VNDiamond (+1.264 tỷ), và FTSE Vietnam (+480 tỷ).
Ngược lại, chỉ có 2 quỹ bị rút vốn với giá trị không đáng kể là SSIAM VNX50 (-58 tỷ) và Mirae Assets VN30 (-23 tỷ).
Như vậy, tổng giá trị vào ròng của các quỹ ETF đạt 5.800 tỷ đồng trong tháng 12, nâng tổng giá trị cả năm 2022 lên 24.220 tỷ đồng (so với mức 13.500 tỷ đồng trong năm 2021), trong đó riêng Quý 4 ghi nhận mức vào ròng hơn 14,1 nghìn tỷ đồng. 2022 đánh dấu là năm huy động thành công nhất của các quỹ ETF trên thị trường Việt Nam.
Đối với các quỹ chủ động, quán tính dòng tiền vào ròng trong tháng 12 thậm chí còn tích cực hơn, với cường độ giải ngân đồng đều và ghi nhận là tháng vào ròng thứ 3 liên tiếp. Tổng giá trị vào ròng tháng ghi nhận hơn 2.500 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ tháng 1/2010.
Điều này đã giúp các quỹ chủ động đảo chiều vào ròng gần 2.000 tỷ đồng trong năm 2022, trong đó riêng Quý 4 là vào ròng hơn 4.000 tỷ đồng. Trong quá khứ, chỉ có 2 giai đoạn các quỹ chủ động ghi nhận mức vào ròng liên tục trong 3-6 tháng với khối lượng trung bình trên 10 triệu USD mỗi tháng là cuối 2017-đầu 2018 và cuối 2019.
Tuy nhiên, cơ cấu nhóm quỹ tham gia đa dạng hơn, đặc biệt nhóm quỹ đến từ khu vực Châu Á.
Khối ngoại tiếp tục duy trì là động lực của thị trường chứng khoán trong tháng 12, với việc mua ròng hơn 13 nghìn tỷ đồng (và 16,8 nghìn tỷ đồng – nếu loại bỏ giao dịch thỏa thuận đột biến của EIB và tương đương với mức mua ròng kỷ lục trong tháng 11).
Trên thực tế, khác với các quỹ ETF, việc giải ngân dòng tiền từ các quỹ chủ động vào thị trường chứng khoán thường có độ trễ và do vậy việc khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh trong tháng 12 là yếu tố không có quá nhiều bất ngờ.
Tính chung trong năm 2022, khối ngoại mua ròng 29,3 nghìn tỷ đồng (trong đó riêng Quý 4 là gần 29 nghìn tỷ đồng).
Như vậy, xu hướng dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 12 tiếp tục quán tính tích cực như kỳ vọng, đặc biệt là nhóm quỹ chủ động khi các yếu tố về tâm lý được cải thiện, cũng như Chính phủ (và NHNN) đã có những thông điệp rõ ràng hơn về mặt chính sách để duy trì sự ổn định của các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.
Xét về chu kỳ kinh tế, năm 2023 được nhìn nhận là một năm Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức (và khó dự đoán), tuy nhiên đây cũng thường là thời kỳ các dòng tiền lớn giải ngân vào thị trường chứng khoán.
Các yếu tố khác hỗ trợ thị trường mang tính chất dài hạn như việc Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát Covid-19 kích hoạt dòng tiền chảy vào các quốc gia sẽ được hưởng lợi về xuất khẩu và du lịch hay các cơ quan quản lý đã bước đầu triển khai các biện pháp giúp Việt Nam có thể nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Theo đó, SSI Research đưa ra quan điểm tích cực về dòng vốn các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, quan điểm trung lập hơn đối với dòng vốn do rủi ro dòng tiền khối ngoại vào Việt Nam, tuy có độ trễ, vẫn tương đồng với các quốc gia trong khu vực (xu hướng bán ròng trong tháng 12 khi các quỹ chuyển hướng vào thị trường Trung Quốc).