Nhiều doanh nghiệp chưa thể huy động vốn
Tại Diễn đàn “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 24/8, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính cho biết: Đà phục hồi kinh tế sẽ chậm lại và tương đối khó khăn do ba yếu tố gồm dịch bệnh còn phức tạp, chiến lược zero- Covid của Trung Quốc và chiến sự Nga - Ukraine. Theo đó, năm nay tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo sẽ chỉ đạt khoảng 2,9 - 3,2%, bằng 1 nửa so với năm ngoái.
Với Việt Nam, các dự báo hiện nay cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7%, tuy nhiên lạm phát ở mức tương đối cao, khoảng 4% trong năm nay và năm tới. Đối với hoạt động của doanh nghiệp, ông Lực cho rằng có sự phân hóa và vẫn còn khoảng 40% doanh nghiệp đóng cửa - cho thấy vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp còn tương đối khó khăn và kinh tế phục hồi không đồng đều.
Do đó, việc phát triển vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất cấp thiết. Dù vậy, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia tài chính cho biết, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp đều cho thấy rằng nguồn huy động vốn đang gặp khó khăn ở các kênh. Ví dụ, tăng trưởng tín dụng 6 tháng khá cao đạt 8,51% (năm 2021 là 5,47%) - đây là nguồn vốn cung cấp chính cho doanh nghiệp, nhưng các ngân hàng thương mại đang gặp nợ xấu tăng, nguồn thu nợ chậm khiến ngân hàng giảm mức cho vay, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trong huy động vốn, Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh - cho hay: Qua đợt dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã rời bỏ thị trường, chủ yếu do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn. Nguồn vốn bấy lâu nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn tiếp cận là vốn ngân hàng nhưng hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được bởi ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa không có.
Bên cạnh đó, dù có báo cáo tài chính từ 2-3 năm liền có lãi nhưng qua dịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa không có lãi nên hồ sơ tài chính không đảm bảo, không vay được vốn tín dụng ngân hàng.
Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải làm kế hoạch để chứng minh dòng tiền đó có thể trả nợ nhưng thị trường bấp bênh thế này doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó để thực hiện được việc này.
Những tiêu chí này được ngân hàng đặt ra từ trước Covid -19, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó đáp ứng được. “Chúng tôi đã từng làm chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng nhưng chỉ có doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt mới kết nối được; còn những doanh nghiệp khó khăn về tài sản đảm bảo, dòng tiền thì khó tiếp cận được vốn tín dụng”, Luật sư Phạm Ngọc Hưng chia sẻ.
Cách nào huy động vốn trong hoàn cảnh mới?
Về bài toán vốn cho doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực cho biết hiện nay thị trường vốn đang có 6 dòng vốn khác nhau, bao gồm ngân sách vốn nhà nước, nguồn vốn nước ngoài (vay, phát hành trái phiếu…); huy động từ thị trường vốn (cổ phiếu, fintech, quỹ đầu tư…); vốn tự có; nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh và vốn từ đối tác.
Tuy nhiên theo TS Đinh Thế Hiển thì huy động vốn cổ phiếu sẽ khó do thị trường chứng khoán suy giảm và huy động vốn trái phiếu giảm mạnh do các ngân hàng thương mại không tham gia. Vì vậy vốn FDI sẽ là điểm sáng trong năm 2022. “Vốn FDI 6 tháng đầu năm 2022 đạt 10 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua”- TS Đinh Thế Hiển dẫn chứng.
Riêng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) TS Đinh Thế Hiển cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là khó và cũng không thể phát hành trái phiếu; do đó, giải pháp vốn với các doanh nghiệp SME là không dựa vào quy mô vốn mà dựa trên mô hình tổ chức và lợi thế sản xuất. Đồng thời, xây dựng chiến lược trong các giai đoạn phát triển cụ thể, có phân kỳ đầu tư hợp lý; sử dụng dịch vụ outsource, liên kết, hợp tác; hoặc chọn mô hình công ty cổ phần và thuê tư vấn chuyên nghiệp để mời gọi đối tác đầu tư tài chính.
Trong khi đó, dưới góc độ của doanh nghiệp tư vấn, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư FIDT cho biết, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Theo ông Tuấn, từ khi room tín dụng ngân hàng ngừng từ tháng 4/2022 đơn vị này đã nhận nhiều thông doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ tư vấn tái cấu trúc nguồn vốn. Nhưng khi hỏi doanh nghiệp có gì thì sổ sách đưa ra cho thấy doanh nghiệp lỗ nhẹ, do đó không có căn cứ cho vay vốn.
“Các doanh nghiệp phải quan tâm quản trị tài chính; đồng thời phải tính tới những sự kiện “thiên nga đen” như Covid-19 và những bất ổn 2 năm qua, không có thặng dư tài chính, phải cuống cuồng huy động vốn. Doanh nghiệp cần có “profile” bài bản để bước vào thị trường huy động vốn, IPO hoặc kêu gọi vốn khi cần”- ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, thị trường chứng khoán vừa qua có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với 3 triệu nhà đầu tư cho năm 2020-2021, 3 sàn chứng khoán HOSE, UPCOM, HNX có lúc vượt con số 360 tỷ USD. Vì thế chiến lược để doanh nghiệp được phát hành ra công chúng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán hoặc được M&A là rất quan trọng.
Ông Tuấn lưu ý, khi chuẩn bị IPO, các doanh nghiệp cần tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn pháp định rất rõ và minh bạch, như vốn từ 120 tỷ đồng, 2 năm hoạt động liên tục có lãi và thêm 1 số yêu cầu về hiệu suất hoạt động. Bên cạnh đó, đối với chiến lược IPO thành công thì mô hình kinh doanh cực kỳ quan trọng, doanh nghiệp phải chuẩn bị một mô hình kinh doanh với mức tăng trưởng hấp dẫn.