Phó Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng thị trường trái phiếu èo uột, doanh nghiệp khó khăn huy động vốn. (Ảnh: Int)
Chia sẻ về thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại một cuộc hội thảo mới diễn ra gần đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup cho rằng, thị trường vốn Việt Nam gặp phải thực trạng bất cân xứng thông tin rất lớn.
Theo ông Thuân, trước đây, vốn của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào ngân hàng, khi nền kinh tế phát triển nhu cầu vốn của thị trường rất lớn trong khi nguồn lực của ngân hàng không đủ, nên 5 năm gần đây quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng rất mạnh, mức tăng trưởng các năm gần đây ở mức 40%/năm, đạt quy mô 15% GDP.
Trong 5 năm qua, thị trường trái phiếu đóng vai trò rất lớn và nếu không có kênh này thì nền kinh tế không thể tăng trưởng như vừa qua. Trong 2 năm Covid, tổng quy mô 11 triệu tỷ tiền tín dụng ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu trung và dài hạn. Tuy nhiên, ông Thuân đã chỉ ra 4 thách thức của thị trường vốn và trái phiếu, cụ thể:
Thứ nhất, các thay đổi pháp lý đang ở giai đoạn nhạy cảm, tất cả các thành viên thị trường, cơ quan quản lý đang đưa ra giải pháp nhằm phát triển hài hoà, dài hạn có lợi cho thị trường.
Thứ hai, ngành ngân hàng không siết tín dụng bất động sản nhưng kiểm soát chặt chẽ hơn.
Thứ 3, năng lực vay nợ của các doanh nghiệp vẫn còn đặc biệt là các doanh nghiệp lớn niêm yết. Trong khi đó, các doanh nghiệp dự án lập nên để đi vay thì phải siết lại vì năng lực tín dụng rất yếu, hệ số khả năng trả nợ gốc 8 lần, tức là hệ số nợ gấp 8 lần năng lực tạo ra tiền trong khi đó kỳ hạn trái phiếu 3 năm nên mất cân đối nghiêm trọng.
Thứ 4, việc sửa đổi phát hành trái phiếu để đáo hạn nợ, nếu chặn lại thì điều này giống như "đoàn tàu đang chạy khựng lại sẽ đổ hết". Bản chất của thị trường trái phiếu là cho phép tái cấu trúc nợ, khẩu vị nhà đầu tư mới theo kỳ hạn dài hơn hoặc lãi suất cao hoặc thấp hơn, vấn đề là doanh nghiệp phải minh bạch thông tin.
Trước đó, ngày 8/6/2022, trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 về lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, hiện quan tâm của ngân hàng là rủi ro, mất vốn, rủi ro tín dụng và quan trọng hơn là rủi ro thanh khoản do tính chất của khoản vay bất động sản là dài hạn, vốn lớn, trong khi khoản tiền gửi là ngắn hạn.
"Ngân hàng Nhà nước có áp lực trong kiểm soát rủi ro như vậy, việc cho vay là của ngân hàng và khách hàng nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Cũng tại phiên chất vấn, vấn đề kiểm soát tín dụng lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản được nhiều đại biểu đặt ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng đáp ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đối với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định.
"Đây là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ trong thời gian qua", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với câu hỏi nhiều đại biểu nêu là có siết tín dụng với các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, trái phiếu hay không? Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, phải kiểm tra lại xem việc cho vay có đảm bảo quy định hay không.
"Hiện nay chúng ta có những điều chỉnh. Nếu trước chưa làm đúng thì làm lại cho đúng, còn làm đúng rồi thì tiếp tục làm chứ không phải siết chặt trong lĩnh vực này. Với những dự án hiệu quả thì vẫn cung cấp vốn để hiệu quả cho nền kinh tế", ông Khái nói.
Nêu quan điểm thêm sau phần trả lời của Thống đốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nói không có siết nhưng mấy tháng nay thị trường trái phiếu rất èo uột, thị trường bất động sản cũng như vậy, doanh nghiệp muốn huy động vốn nhưng khó khăn.
"Cần thanh tra, kiểm tra, giám sát từ xa, tránh trường hợp mất bò mới lo làm chuồng thì rất dở, nếu để trường hợp mất bò nhưng không dám làm lại chuồng để nuôi bò thì còn dở hơn. Tất cả thị trường phải thông suốt, vừa giám sát quản lý chặt nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường, chấn chỉnh xử lý méo mó chứ không thể đóng cửa hay hạn chế thị trường, nên tài chính kinh tế không thể để giật cục, phải nhất quán và thông suốt, phải có dự phòng", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.