Thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế số Việt Nam với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp tác động của dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, tư duy quản lý chính sách cần phải được đổi mới để giúp TMĐT đạt được hết tiềm năng phát triển. Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại hội thảo "Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng", do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 31/10/2022 tại Hà Nội.
Thương mại điện tử Việt Nam còn nhiều thách thức
Tại cuộc hội thảo, những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp thời kì chuyển đổi số và kinh tế số đã được ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nêu ra. Vấn đề về lòng tin, nguồn nhân lực kinh tế số còn yếu kém hay sự tham gia của người dùng tại nông thôn còn hạn chế đang là những trở ngại lớn trong thúc đẩy TMĐT tại Việt Nam.
Ông Hưng cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả trong các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thúc đẩy TMĐT Việt Nam. Trên thực tế, TMĐT không phải là một lĩnh vực mới tại VN mà đã xuất hiện từ những năm 2001-2003 với những cái tên như VDC Siêu thị, Chợ điện tử,VnEmart, Gophatdat... Tuy nhiên theo ông, tất cả đều âm thầm lặng lẽ rút khỏi thị trường trước sự cạnh tranh khốc liệt của các công ty nước ngoài.
Đồng tình với ý kiến trên, TS.Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho rằng các cơ quan chức năng cần phải “nâng cấp về năng lực” để có thể theo kịp đà phát triển của TMĐT.
“Đừng chỉ tìm cách hà hơi tiếp sức hay cấp cứu cho TMĐT, mà phải coi TMĐT là mạch máu lưu thông hàng hóa của quốc gia, phải đảm bảo hạ tầng tương xứng với nền kinh tế quốc gia", ông Quang nhấn mạnh.
Cởi mở hơn về thể chế và quản lý
“Cứ để TMĐT phát triển một cách tự do. Cơ quan chức năng của Nhà nước hãy tập trung vào thiết kế chính sách để (TMĐT) phát triển. Còn không, siết quá sẽ kìm hãm các doanh nghiệp”, Chuyên gia Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê Tài chính Việt Nam khẳng định.
Ông Hòe nhấn mạnh việc thiếu lòng tin là yếu tố lớn nhất cản trở sự phát triển của TMĐT và kinh tế số. Việc thiếu vắng các cơ chế hỗ trợ giải quyết khiếu nại hay tranh chấp trong TMĐT, hay cơ sở hạ tầng thanh toán còn khiêm tốn là những nguyên nhân lý giải tại sao thanh toán tiền mặt vẫn chiếm 78% giao dịch của người Việt.
Vị chuyên gia này khuyến nghị một số giải pháp như: Ưu đãi hơn nữa cho người dân khi thanh toán không tiền mặt (ví dụ miễn các loại thuế phí); hay xây dựng thêm 1-2 cổng thanh toán quốc gia như NAPAS để không gây tắc nghẽn và dự phòng sự cố khi giao dịch số ngày càng gia tăng.
Kết luận hội thảo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng nhất trí phải có sự đổi mới về tư duy quản lý trong lĩnh vực kinh tế số - vốn đang phát triển rất nhanh, vượt ra khỏi phạm vi của các quy định và pháp luật hiện hành không chỉ tại VN mà cả trên thế giới.
“Phải có tư duy đổi mới như những năm 1986, 1990. Từ tư duy mới sẽ có hành động mới, con người mới", chuyên gia Nguyễn Đình Cung khẳng định.