Chia sẻ quan điểm cá nhân về câu chuyện Trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường hiện nay ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam cho rằng cả nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước cần nhận diện rõ bản chất vấn đề để từ đó cân nhắc những ứng phó phù hợp nhất.
Theo ông Long, hiện nay, cần đặt giả định nếu năm 2023, sức ép về đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp gặp vấn đề thanh khoản và không có khả năng thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, đồng thời không có khả năng tiếp cận vốn để tái cấu trúc trái phiếu thì chuyện gì có thể xảy ra?
Theo đó, nếu trong trường hợp doanh nghiệp mất thanh khoản trái phiếu thì sẽ dẫn đến việc có thể mất khả năng hoạt động liên tục. Một khi doanh nghiệp không thể hoạt động liên tục thì cũng mất đi khả năng tạo ra dòng tiền để thanh toán nợ trái phiếu đến hạn.
Theo ông Long, việc doanh nghiệp gặp khó trong việc hoạt động liên tục, giống như chiếc xe đang chạy bị cái gì đó chọc vào bánh xe, có thể bị chạy chậm lại, dừng, tệ hơn là lộn nhào…, có thể khiến nợ trái phiếu không thể được thanh toán.
Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam.
Giải pháp nào cho trái phiếu “xấu”
Chia sẻ góc nhìn cá nhân về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, từ kinh nghiệm tham gia dự án do một tổ chức quốc tế lớn tài trợ để lên phương án xử lý nợ xấu ngân hàng trong giai đoạn tệ nhất của hệ thống ngân hàng 2011-2013, ông Long cho rằng có một nguyên tắc xử lý nợ xấu (gồm cả vay ngân hàng thương mại và Trái phiếu doanh nghiệp) là cơ quan chính phủ sẽ không, hoặc rất ít, sử dụng tiền.
Theo đó, vì cấu trúc thể chế, rủi ro đạo đức, cùng với những tác động vĩ mô như lạm phát khiến không thể sử dụng tiền công để thực hiện việc này. Do đó, theo ông Long, việc đề xuất cơ quan quản lý như Bộ Tài chính dùng tiền để lập công ty xử lý nợ trái phiếu doanh nghiệp là không khả thi.
Như vậy, nếu cơ quan chính phủ không bỏ tiền thì kịch bản nào sẽ diễn ra, trái phiếu doanh nghiệp sẽ đi đâu, về đâu?
Từ kinh nghiệm quá khứ, ông Long cho rằng, vào thời điểm năm 2012 khi nợ xấu ngân hàng tăng cao, đặc biệt lĩnh vực bất động sản đã đặt ra yêu cầu cần có một tổ chức để xử lý nợ xấu.
Khi đó Bộ Tài chính đang có Công ty mua bán nợ trực thuộc là DATC và DATC đã thí điểm xử lý một công ty nợ xấu, tái cấu trúc thành công, kết nối với nhà đầu tư, đó là trường hợp của Thuỷ sản Bình An.
Có một nguyên tắc xử lý nợ xấu (gồm cả vay ngân hàng thương mại và Trái phiếu doanh nghiệp) là cơ quan chính phủ sẽ không, hoặc rất ít, sử dụng tiền.
Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Long, vấn đề nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2011-2013 thuộc về thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước, thay vì Bộ Tài chính. Hơn nữa năng lực DATC lúc đó chưa đủ, do đó, VAMC đã được thành lập vào 2013 cùng với nghị quyết của Quốc hội ra cơ chế xử lý nợ xấu ngân hàng.
Theo đó, nợ xấu ngân hàng được chuyển tạm thời khỏi bảng cân đối kế toán sang VAMC, đổi lại trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Thay vì phải dự phòng ngay đối với nợ xấu khiến NHTM có thể mất vốn, không đảm bảo tỷ lệ an toàn thì ngân hàng thương mại có thời gian để xử lý dần nợ xấu và tiếp tục cho vay, có nghĩa là hoạt động liên tục. Trái phiếu đặc biệt được dự phòng trong 5 năm.
Trái phiếu doanh nghiệp và vai trò của Bộ Tài chính
Hiện nay, quy định nhà nước cho phép thành lập các tổ chức gồm Sàn giao dịch nợ với yêu cầu vốn pháp định 1.000 tỷ đồng (VAMC vừa thành lập Sàn năm 2021); Công ty mua bán nợ với vốn pháp định 100 tỷ đồng; Công ty tư vấn mua bán nợ với vốn pháp định 5 tỷ đồng.
Theo ông Long, những công ty mua bán nợ như DATC khác với VAMC là Tổ chức tái thiết doanh nghiệp (restructure).
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, đối với các trái phiếu doanh nghiệp “xấu” thì câu hỏi đặt ra sẽ là phải xử lý làm sao để Doanh nghiệp hoạt động liên tục và trả nợ?
Từ kinh nghiệm của mình, ông Long cho rằng chính Công ty mua bán nợ có thể là tổ chức tái cấu trúc doanh nghiệp có trái phiếu xấu.
Cụ thể, sẽ có hai trường hợp xảy ra:
Thứ nhất doanh nghiệp có thể tái cấu trúc, khi đó Công ty mua bán nợ lên phương án mua nợ, phát hành Note (giống trái phiếu đặc biệt của VAMC) đổi lấy Trái phiếu xấu, tìm nhà đầu tư bơm vốn (vốn xã hội, không phải vốn công) giúp doanh nghiệp hoạt động liên tục và trả nợ trái phiếu. Nghĩa vốn chuyển từ chỗ có sang chỗ cần, vốn tiếp cận cơ hội kinh doanh.
Công ty mua bán nợ có thể là tổ chức tái cấu trúc doanh nghiệp có trái phiếu xấu nhưng không phải trái phiếu doanh nghiệp nào cũng có thể tái cấu trúc.
Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam.
Trường hợp thứ hai, Công ty mua bán nợ sẽ đứng ra tái cấu trúc dự án đầu tư. Khi đó, trái phiếu “xấu” của dự án cụ thể có thể được tách ra cho mục đích tái cấu trúc. Lúc này công ty mua bán nợ lập phương án tương tự trên, tìm nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư quan tâm đến tài sản của dự án, đặc biệt bất động sản. Từ đó khiến tài sản của dự án hoạt động trở lại và tạo ra tiền trả nợ trái phiếu.
Xuất phát từ kinh nghiệm bản thân ông Long cho rằng thực tế cho thấy, không phải trái phiếu doanh nghiệp nào cũng có thể tái cấu trúc. Khi đó, Công ty mua bán nợ có thể gói các trái phiếu với nhau thành một sản phẩm (distressed asset) và bán trên Sàn cho nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, kèm theo phương án tái cấu trúc khả thi.
Nếu 10 trái phiếu doanh nghiệp “xấu” mà tái cấu trúc được 3, bỏ đi 7, cũng là thành công, tất nhiên giá mua phải có mức chiết khấu hấp dẫn.
Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Long cũng nhấn mạnh việc xử lý nợ xấu ngân hàng với trái phiếu doanh nghiệp rất khác nhau. Nhưng điểm chung là cơ quan quản lý không cần bỏ tiền, điểm chính là thời gian và phương án tái cấu trúc để kích hoạt tính “Hoạt động liên tục”. Như thế cho dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thế nào thì vẫn có phương án xử lý.
“Cần nhắc lại là không có quốc gia nào, nền kinh tế nào phụ thuộc chỉ vào vốn ngân hàng. Thị trường vốn phát triển lành mạnh là rất quan trọng, trong đó thị trường trái phiếu đặc biệt quan trọng. Vì vậy, cần có nền tảng pháp lý chặt chẽ, giúp minh bạch và phát triển thị trường trái phiếu. Và luôn có những phương án dự phòng, xử lý trái phiếu xấu (nếu phát sinh) theo cách ít tốn kém nhất, ít tổn thất nhất để giữ niềm tin của công chúng đối với trái phiếu”, ông Phan Lê Thành Long lưu ý.