Một số chuyên gia kinh tế dự báo rằng nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với một thập kỷ tăng trưởng ì ạch, dù có thể tránh được một cuộc suy thoái trong năm 2023.
Năm nay, các nền kinh tế trên thế giới phải chật vật xoay sở với nhiều cú sốc đồng thời, từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine cho tới chính sách Zero Covid của Trung Quốc. Tất cả đều góp phần đẩy lạm phát tăng vọt và khiến các hoạt động kinh tế suy giảm.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu sẽ giảm từ 6% trong năm 2021 xuống còn 3,2% trong năm 2022 và 2,7% vào năm 2023. IMF nói rằng đây là “mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2001 ngoại trừ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19”.
Trong khi đó, lạm phát trên toàn cầu được dự báo tăng từ 4,7% vào năm 2021 lên mức 8,8% trong năm nay, trước khi giảm còn 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024 - vẫn còn cao so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương lớn.
Hôm thứ Ba tuần này, Trung Quốc giải toả một phần nỗi lo của giới chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư trên toàn cầu khi chính thức tuyên bố chấm dứt yêu cầu cách ly đối với người nhập cảnh kể từ ngày 8/1. Động thái này được xem là chấm dứt chính sách Zero Covid đã kéo dài 3 năm. Tuy nhiên, với số ca nhiễm mới tăng mạnh sau khi các hạn chế được nới, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được cho là sẽ sụt tốc trong 2 quý đầu năm 2023.
Tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - do chính sách tăng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khả năng xảy ra suy thoái kinh tế trong năm 2023 đang là 50%, và khả năng suy thoái tại một thời điểm nào đó trong vòng 2 năm tới là 75%.
Về phần châu Âu, nơi vẫn đang phải ứng phó với khủng hoảng năng lượng, có nguy cơ rơi vào suy thoái cao hơn cả.
Trao đổi với hãng tin CNBC - chuyên gia kinh tế trưởng Daniel Lacalle của công ty quản lý tài sản Tressis Gestion - cho rằng việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế là “nhân tố tích cực lớn nhất” mà thị trường có thể kỳ vọng trong năm 2023.
“Chúng ta đã chứng kiến một bức tranh kinh tế Trung Quốc hết sức ảm đạm. Đây là một điều bất lợi đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, ông Lacalle phát biểu. “Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế chắc chắn sẽ mang lại một cú huých lớn cho tăng trưởng toàn cầu. Các nhà xuất khẩu ở Pháp, ở Đức… đều đã cảm nhận rõ ảnh hưởng tai hại của phong toả ở Trung Quốc, nên Trung Quốc mở cửa trở lại chắc chắn sẽ giúp ích nhiều cho họ”.
Tuy nhiên, theo ông Lacalle, cú huých từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ không thể đưa tăng trưởng kinh tế toàn cầu sớm trở lại mức như của những năm trước đại dịch.
“Tôi cho rằng chúng ta có lẽ đang bước vào một thập kỷ tăng trưởng rất, rất nghèo nàn mà ở đó, các nền kinh tế phát triển may mắn lắm cũng chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 1% mỗi năm. Tệ hơn cả là tăng trưởng thấp đi kèm với lạm phát cao”, vị chuyên gia phát biểu. “Tôi cũng nghĩ chúng ta đang đối mặt với hệ quả của những gói kích thích kinh tế khổng lồ được triển khai trong năm 2020 và 2021. Những gói kích cầu đó đã không mang lại mức tăng trưởng tiềm năng như kỳ vọng của nhiều chuyên gia kinh tế”.
Nhưng dù triển vọng kinh tế thế giới không mấy tươi sáng, ông Lacalle nhấn mạnh rằng trước mắt không có một cuộc khủng hoảng nào mới đang chờ đón thế giới.
“Tôi cho rằng thị trường đang bắt đầu phản ánh vào giá các tài sản một môi trường mà ở đó tình hình trên toàn cầu không phải là mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhưng thế giới vẫn tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính. Nếu mọi chuyện diễn ra đúng như vậy, đó cũng là một điều khả quan rồi”, ông Lacalle nói.
Cùng quan điểm thận trọng, giáo sư Jeffrey Frankel của Đại học Harvard dự báo trong một bài viết trên tờ The Guardian rằng năm 2023 sẽ là một năm khó khăn đối với kinh tế thế giới, nhưng sự giảm tốc sẽ không dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu. Ngay cả khi có suy thoái xảy ra, mức tăng trưởng dương của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng có thể thừa để bù lại sự mức tăng trưởng âm của các nền kinh tế phát triển. Hai ví dụ điển hình về trường hợp như vậy là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng Covid-19 vào năm 2020.
Dù Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sụt giảm còn khoảng 2,2-2,7% trong năm 2023 từ 6,1% vào năm 2021, kinh tế thế giới vẫn có thể tránh được 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp - điều kiện để coi là suy thoái.
Ngay cả khi sử dụng một định nghĩa suy thoái rộng hơn, chẳng hạn tăng trưởng GDP toàn cầu giảm dưới 2,5%, cũng chưa ai dám chắc thế giới sẽ suy thoái trong năm tới. Khả năng suy thoái là có, nhưng vẫn có thể tránh được - giáo sư Frankel nhận định.