Theo phân tích của Financial Times, nhiều chỉ số kinh tế cho thấy lạm phát trên toàn cầu đã lên đến đỉnh điểm và tốc độ tăng giá cả hàng hóa sẽ chậm lại trong những tháng tới.
Áp lực giá được giải tỏa
Giá tại cổng nhà máy, giá vận chuyển, giá hàng hóa và dự báo lạm phát đều đã giảm so với các mức kỷ lục ghi nhận trước đó. Loạt số liệu này được các nhà kinh tế học và các nhà hoạch định chính sách theo dõi sát sao bởi đây là những chỉ báo sớm về xu hướng sẽ định hình cách tính lạm phát toàn phần.
Theo các nhà kinh tế, các chỉ số này cho thấy áp lực giá lên chuỗi cung ứng toàn cầu đang được giải tỏa và theo đó lạm phát toàn phần có thể sẽ giảm từ mức cao kỷ lục những tháng gần đây.
Đây là thông tin đáng mừng đối với các ngân hàng trung ương hàng đầu trên thế giới sau khi họ liên tục tăng lãi suất mạnh tay để kiềm chế lạm phát, dù việc này có thể đẩy các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái.
“Lạm phát có thể đã đạt đỉnh điểm rồi”, ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, nhận định. “Việc áp lực giá và tắc nghẽn chuỗi cung ứng được giải tỏa báo trước rằng giá cả hàng hóa tiêu dùng sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới”.
Moody’s ước tính lạm phát toàn cầu đạt mức kỷ lục 12,1% trong tháng 10 và đây là sẽ là mức đỉnh.
Còn theo Capital Economics, lạm phát đã đạt đỉnh tại nhiều nền kinh tế mới nổi. Giá tiêu dùng tại Brazil, Thái Lan và Chile đã giảm. Trong khi đó, các dữ liệu mới nhất cho thấy áp lực giá tại các nền kinh tế phát triển đang suy yếu.
Tại Đức, trong tháng 10, giá tại cổng nhà máy đã giảm 4,2% so với tháng trước. Đây là mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ năm 1948. Tại Mỹ và Anh, chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng đã tăng chậm lại kể từ mùa hè.
Gần như tất cả các nền kinh tế hàng đầu trong nhóm G20, bao gồm Tây Ban Nha, Mexico, Bồ Đào Nha và Ba Lan, đã công bố chỉ số giá sản xuất tháng 10 đều ghi nhận tốc độ tăng giảm so với tháng trước.
Bà Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Capital Economics, dự báo lạm phát toàn phần toàn cầu sẽ bắt đầu giảm vào năm 2023 khi giá cả của hầu hết các loại hàng hóa giảm xuống do nhu cầu suy yếu. Giá năng lượng tăng cao năm nay cũng sẽ giảm dần vào năm sau.
“Theo dự báo của chúng tôi, trong vòng 6 tháng tới, hiệu ứng giảm giá thực phẩm và năng lượng sẽ làm lạm phát toàn phần giảm khoảng 3 điểm phần trăm tại các nền kinh tế phát triển”, bà McKeown nói.
Giá cả hàng hóa và một số chỉ số khác được tính trong lạm phát toàn phần cũng đang giảm. Tốc độ tăng chỉ số giá thực phẩm FAO đã giảm khi chỉ tăng 1,9% trong tháng 10, thấp hơn đáng kể so với mức tăng kỷ lục 40% hồi tháng 5/2021. Trong khi đó, giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan hiện ở mức dưới 130 Euro/MWh, giảm so với mức đỉnh 311 Euro hồi tháng 8. Giá cả của hầu hết các loại hàng hóa khác cũng đều giảm mạnh so với mức đỉnh ghi nhận trước đó.
Giá cước vận chuyển trên toàn cầu hầu như đã trở lại mức trước đại dịch, sau khi tăng gấp 5 lần trong các đợt phong tỏa.
Tại Mỹ, chi phí sản xuất và dịch vụ tháng 11 tăng với mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020, trong khi mức tăng giá bán cũng thấp nhất trong vòng hơn 2 năm qua, theo khảo sát hàng tháng của S&P Global.
Lạm phát tại Mỹ giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 10. Trong khi đó, hầu hết các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo tốc độ tăng lạm phát tại Anh, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Australia sẽ đạt đỉnh trong quý này.
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ từ giá năng lượng
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng giá năng lượng vẫn tiếp tục ở mức cao có thể làm chậm đà suy giảm lạm phát.
“Giá dầu sẽ vẫn có sự nhạy cảm lớn với những hạn chế về nguồn cung. Và lệnh cấm nhập dầu Nga của EU sẽ tiếp tục thúc đẩy lạm phát ở Anh và Eurozone”, bà Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường và đầu tư cấp cao tại Hargreaves Lansdown, nhận định.
Bên cạnh đó, giá năng lượng và một số mặt hàng khác có thể tăng trở lại nếu kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hoặc Nga giảm xuất khẩu dầu khí thêm nữa để trả đũa việc phương Tây áp giá trần.
Đó là chưa kể, dù đã hạ nhiệt, lạm phát tại nhiều nước trên thế giới vẫn ở trên mức mục tiêu dài hạn của các ngân hàng trung ương.
“Đừng kỳ vọng lạm phát sẽ giảm nhanh xuống mức 2% - mức mục tiêu tại hầu hết các nền kinh tế phát triển”, bà Katharine Neiss, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại PGIM Fixed Income.
Bà cảnh báo rằng lạm phát lõi - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - có thể sẽ đạt đỉnh muộn hơn tại nhiều quốc gia do tác động của giá năng lượng cao tới chuỗi cung ứng chưa được tính vào.
Trong khi đó, ông Nathan Sheets, giám đốc phụ trách kinh tế toàn cầu tại Citi, cho rằng dù nhiều chỉ số cho thấy lạm phát giảm mạnh ở nhiều loại hàng hóa, “lạm phát cao có thể sẽ vẫn duy trì trong một khoảng thời gian trong năm sau”.