Tỷ giá đồng Yên của Nhật Bản có thể giảm dưới mức thấp nhất của 3 thập kỷ thiết lập vào năm ngoái, trong bối cảnh chính sách tiền tệ ngày càng trái chiều giữa Nhật và Mỹ - một chuyên gia nhận định. Trong khi đó, trên thị trường tài chính, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy khả năng hồi phục của đồng Yên, ít nhất trong ngắn hạn.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg cách đây ít ngày, chuyên gia Eisuke Sakakibara - người được biết đến với biệt danh “Ông Yên” vì khả năng ảnh hưởng đến tỷ giá đồng tiền này khi ông còn giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản trong thời gian 1997-1999 - nói rằng đồng Yên có thể giảm giá hơn 10% nữa từ mức hiện tại. Cơ sở cho dự báo này, theo ông Sakakibara, là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.
“Mốc 160 yên/USD có thể bị xuyên thủng”
“Đồng Yên thậm chí có khả năng giảm giá quá mức 160 Yên đổi 1 USD, có thể là vào năm tới”, ông Sakakibara - người hiện giữ cương vị Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế Ấn Độ ở Tokyo - nhận định. Theo vị chuyên gia, ở ngưỡng khoảng 160 Yên đổi 1 USD, nhà chức trách Nhật Bản gần như chắc chắn sẽ can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng Yên.
Gần đây, bán khống đồng Yên đã trở thành một giao dịch phổ biến của giới đầu cơ quốc tế, vì giá trái phiếu kho bạc Mỹ giảm dẫn tới lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, khuyến khích nhà đầu tư bán đồng Yên và mua đồng USD nhằm theo đuổi mức lợi tức cao hơn.
Từ đầu năm đến nay, đồng Yên là một trong những đồng tiền giảm giá nhiều nhất trong nhóm 10 đồng tiền giao dịch phổ biến nhất thế giới (G-10). So với đồng USD, tỷ giá đồng Yên từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 9%, dẫn tới việc giới chức Nhật Bản đưa ra nhiều tuyên bố mang tính chất can thiệp bằng lời nói để ngăn sự trượt giá của đồng Yên, đồng thời cảnh báo sẽ có động thái cứng rắn hơn.
Ông Sakakibara, người đã dự báo chính xác việc đồng Yên giảm giá về ngưỡng 150 Yên đổi 1 USD vào năm ngoái, nói rằng đồng nội tệ của Nhật Bản có thể tiếp tục trượt giá cho tới khi BOJ chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ. Sự thắt chặt của BOJ có thể đến dưới dạng đồng thời chấm dứt chính sách lãi suất âm và từ bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) vào cuối năm 2024.
Nếu “nền kinh tế Nhật Bản nóng lên như được kỳ vọng, việc BOJ thắt chặt có thể trở thành hiện thực trong năm 2024”, vị chuyên gia nói.
Tháng 9 năm ngoái, cơ quan chức năng của Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng Yên, lần đầu tiên trong gần 1/4 thế kỷ, sau khi tỷ giá Yên giảm còn 145,9 Yên đổi 1 USD sau một cuộc họp của BOJ. Tháng 10/2022, Nhật Bản tiếp tục can thiệp khi tỷ giá Yên giảm nhanh về sát mốc 152 Yên đổi 1 USD. Tổng cộng, nước này đã chi 65 tỷ USD trong năm ngoái để đỡ tỷ giá đồng nội tệ.
Dấu hiệu khởi sắc của đồng yên từ thị trường tài chính
Có một tin tốt cho giới chức Nhật Bản là đồng USD đã sụt giá trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu vừa rồi, sau khi có những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động ở Mỹ đã kém vững vàng hơn trước - nhân tố làm giảm bớt triển vọng Fed giữ lãi suất cao trong thời gian dài. Ngoài ra, giới phân tích dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Tư tuần này cũng cho thấy lạm phát tiếp tục dịu đi, đạt ra khả năng Fed có thể chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần trong cuộc họp vào cuối tháng 7.
Hôm thứ Sáu, tỷ giá Yên so vớI USD có lúc hồi phục về mức 142,13 Yên đổi 1 USD, cao nhất trong 2 tuần, sau khi giảm về sát mốc 145 Yên đổi 1 USD trong tuần.
Thị trường kỳ vọng Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ can thiệp nếu mốc 145 Yên/USD bị phá vỡ. Nếu ở ngưỡng đó, sự can thiệp chưa diễn ra, thì mốc 150 Yên/USD sẽ mốc tiếp theo cần theo dõi.
Việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng 4% vào hôm thứ Sáu cũng làm gia tăng kỳ vọng rằng Tokyo sắp có động thái can thiệp, vì mức lợi suất này của trái phiếu kho bạc Mỹ làm gia tăng áp lực mất giá đối với Yên.
“Đây có thể là một giai đoạn bước ngoặt. Đợt tăng giá của đồng USD từ nửa sau của tháng 6 có thể chỉ là một cuộc điều chỉnh phản xu hướng. Còn xu hướng chủ đạo của đồng USD là giảm giá, bắt đầu từ tháng 9-10 năm ngoái tới nay, sẽ được nối lại”, chiến lược gia trưởng Marc Chandler của công ty Bannockburn Global Forex nhận định với hãng tin Reuters.
Số liệu do Bộ Lao động Nhật Bản công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy tiền lương ở nước này trong tháng 5 tăng mạnh nhất kể từ năm 1995. Dữ liệu này củng cố khả năng BOJ sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ sớm hơn so với kỳ vọng.
“Các cuộc đàm phán tăng lương đang bắt đầu có ảnh hưởng, và đó là điều mà BOJI mong muốn. Họ đã nói rõ rằng nếu họ nhận thấy bằng chứng của tăng trưởng tiền lương bền vững và mạnh hơn, họ sẽ tự tin về việc đạt mục tiêu lạm phát, và chắc chắn sẽ xem xét dịch chuyển khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo”, chiến lược gia Lee Hardman của MUFG nói.
Ngoài ra, theo ông Hardman, giới đầu cơ đang nắm giữ một lượng lớn trạng thái bán khống Yên. Điều này đồng nghĩa với việc khi các nhà đầu cơ có sự điều chỉnh trạng thái, đồng Yên có thể bật tăng trở lại.
Số liệu hàng tuần từ cơ quan chức năng Mỹ cho thấy các nhà đầu cơ trên thị trường tài chính nước này đang nắm lượng trạng thái bán khống Yên ở mức 9,793 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 5/2022, cao gấp đôi so với mức của 3 tháng gần nhất.
Dù vậy, trao đổi với Reuters, nhà phân tích cấp cao Joe Manimbo cho rằng một động thái can thiệp của BOJ đang rất gần.
“Tâm lý thận trọng với rủi ro là một chủ đề chính trên thị trường trong tuần vừa rồi, cùng với việc tỷ giá USD/Yên duy trì ở mức cao, thị trường đang kỳ vọng rằng Nhật Bản có thể đang tiến gần tới một động thái can thiệp. Tỷ giá Yên so với USD chỉ còn cách mốc 145 một khoảng rất ngắn, và mốc đó có thể là giới hạn. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức trên 4%, là một dấu hiệu cho thấy bất kỳ sự giảm giá nào của USD so với Yên cũng sẽ rất hạn chế”, nếu không có hành động can thiệp - ông Manimbo nói.