Cổ đông lo lắng, chất vấn
Tại các Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 gần đây, trả lời chất vấn của cổ đông, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng như: VPBank, SHB, VIB, ACB, Eximbank… đều cho biết, tỷ trọng cho vay bất động sản vẫn ở ngưỡng an toàn và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đều có tài sản bảo đảm, thanh khoản tốt.
Cụ thể, ngày 18/4, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của VPBank, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua một thời kỳ khủng hoảng, ảnh hưởng tới nhiều tổ chức tín dụng. Hiện VPBank đầu tư hơn 30.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp, so với thời điểm cuối 2022 đã giảm 5.000 tỷ đồng dự kiến sẽ tiếp tục giảm từ nay đến 20.000 tỷ vào cuối tháng 6. Trong đó, gần 60% là trái phiếu lĩnh vực bất động sản, 40% là các lĩnh vực khác.
Trong nhóm trái phiếu bất động sản, VPBank đang tham gia vào hơn 40 nhà phát triển bất động sản, không có nhà đầu tư nào chiếm quá 1% tổng dư nợ. Đồng thời, 100% trái phiếu doanh nghiệp có tài sản bảo đảm. “VPBank là người đầu tư đồng thời là người quản lý tài sản bảo đảm đó, do đó chúng tôi có khả năng xử lý nếu trái phiếu có vấn đề” - ông Nguyễn Đức Vinh khẳng định.
Bên cạnh đó, VPBank cũng đang sở hữu hơn 30.000 tỷ trái phiếu Chính phủ (TPCP) là tài sản có thanh khoản tốt. “Năm ngoái chúng tôi đã giảm xuống tối thiểu về số dư trái phiếu chính phủ, nhưng năm nay chúng tôi nâng tỷ trọng thêm” - ông Vinh cho hay.
Tương tự tại Đại hội đồng cổ đông SHB hôm 11/4, các cổ đông ngân hàng đề nghị lãnh đạo giải trình chi tiết danh mục trái phiếu của ngân hàng. Bà Ngô Thu Hà, Tổng Giám đốc SHB cho biết, khoản này hiện gồm: trái phiếu chính phủ (19.000 tỷ đồng); trái phiếu tổ chức tín dụng (1.150 tỷ đồng) và trái phiếu tổ chức kinh tế/doanh nghiệp (13.186 tỷ đồng).
“Trái phiếu doanh nghiệp của SHB chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng xanh chiếm 60%, đã bắt đầu có dòng tiền. 40% còn lại là bất động sản trong các dự án khu công nghiệp và nhà ở, các dự án này đều có thanh khoản và đơn vị phát hành đều thanh toán đầy đủ cho SHB với kỳ hạn 3 - 5 năm” - bà Hà nói.
Ngoài trái phiếu doanh nghiệp, cổ đông cũng đề nghị lãnh đạo SHB làm rõ khoản đầu tư hơn 4.100 tỷ vào bất động sản/quyền sử dụng đất. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB cho biết, con số 4.100 tỷ kể trên chỉ là giá trị sổ sách của các trụ sở, chi nhánh của SHB tại Hà Nội. Đây là các tài sản ngân hàng mua cách đây rất lâu và hiện giờ giá trị thực tế còn cao hơn rất nhiều.
Trong đó, SHB đã mua khu đất 31 - 33 Lý Thường Kiệt có diện tích 2.200m là đất thổ cư, đất ở lâu dài làm trụ sở. Hiện ngân hàng đã xin phép các cơ quan quản lý xây cao tầng nhưng đang bị vướng thủ tục pháp lý và năm nay sẽ chốt lại theo quy định là 8 tầng của cơ quan quản lý để xúc tiến xây dựng.
Cũng liên quan đến tín dụng bất động sản, vấn đề cổ đông VIB quan tâm nhất là khó khăn của thị trường bất động sản ảnh hưởng thế nào đến chất lượng tài sản bảo đảm của ngân hàng. Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho biết, hơn 90% dư nợ của ngân hàng thuộc lĩnh vực bán lẻ. Trong số này, hơn 90% các khoản vay có tài sản bảo đảm, phân nửa trong đó là bất động sản.
“Tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm của VIB chỉ 43%, nếu thị trường bất động sản giảm đến 57%, VIB mới đạt đến ngưỡng bình thường, còn thị trường bất động sản giảm 30% thì VIB hoàn toàn an toàn” - ông Vỹ cho hay và thông tin thêm: dư nợ bất động sản tại VIB cũng chỉ khoảng 3.800 tỷ đồng, con số rất nhỏ trên tổng quy mô tín dụng của ngân hàng.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ có hơn 1.800 tỷ đồng trên tổng dư nợ 232.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản trái phiếu này do các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, định chế tài chính phát hành, không liên quan đến ngành bất động sản.
Tại ACB, trả lời cổ đông về danh mục tín dụng và trái phiếu của ngân hàng, Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát cho hay, trong danh mục dư nợ của ACB, 65% cho vay khách hàng cá nhân; 30% là cấp tín dụng cho khối SME.
Trong danh mục cho vay cá nhân của ACB có đến 40% cho vay các hộ sản xuất kinh doanh. Phần còn lại là cho vay mua nhà và cho vay tiêu dùng. Dư nợ tín dụng cho bất động sản trong mảng bán lẻ của ACB cũng không chiếm tỷ trọng lên đến 70-80% như các ngân hàng khác.
“Tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản của ACB hiện vào khoảng 24%. Trong đó, 82% là cho vay mua nhà để ở. Với riêng lĩnh vực đầu tư các dự án bất động sản, dư nợ của ACB đang ở mức dưới 1% và con số này là không lớn” - lãnh đạo ACB khẳng định.
Liên quan đến vấn đề trái phiếu, lãnh đạo ACB khẳng định hiện ngân hàng đang có một danh mục trái phiếu an toàn, với 85% đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, 15% vào tổ chức tín dụng lớn hàng đầu tại Việt Nam. Năm nay ngân hàng không định hướng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trừ trái phiếu của các tổ chức tín dụng.
Tại Eximbank, lãnh đạo ngân hàng cho biết cho vay mua bất động sản đang chiếm tỷ trọng khoảng 19%. Dư nợ cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản hiện vào khoảng 2%. Eximbank cũng không tham gia hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Lo lắng của cổ động là có cơ sở
Như vậy, theo những thông tin mà các ngân hàng cung cấp, thì dường như họ đang kiểm soát rất tốt dòng tín dụng chảy vào bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, vấn đề tín dụng bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục làm “nóng” hội trường Đại hội đồng cổ đông các ngân hàng sắp tới, nhất là một số ngân hàng có tỷ trọng lĩnh vực này cao.
Đồng thời, những lo lắng của các cổ đông là có cơ sở khi theo số liệu của Ngân hàng nhà nước tín dụng cho lĩnh vực bất động sản luôn có tăng trưởng khá cao trong năm vừa qua. Đặc biệt, năm 2022, tín dụng chung của nền kinh tế tăng 14,17%. Riêng với lĩnh vực này, tăng 24,2%, tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ của nền kinh tế ở mức khá cao là 21,6% và giá trị tuyệt đối là 2,58 triệu tỷ đồng.
Trong cơ cấu này, trên 60% là tín dụng cho nhu cầu nhà ở, đáng nói ở đây là chủ yếu là phân khúc giá trị cao, còn hơn 30% là cho vay đối với nhu cầu kinh doanh bất động sản.
Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tổ chức hồi đầu năm, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2022, thậm chí có những doanh nghiệp bất động sản tăng tín dụng tới hơn 300%, có những tập đoàn tín dụng tăng 68 - 70%, trong khi tín dụng bình quân chung toàn nền kinh tế chỉ tăng 13-14%.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, những diễn biến trên thị trường cũng như những khó khăn của doanh nghiệp có tác động trực tiếp đến chất lượng tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến tín dụng bất động sản và điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng với mục tiêu vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường.
“Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số phân khúc có rủi ro cao trong bất động sản, có tính đầu cơ, các dự án lớn có nguy cơ dẫn tới bong bóng, có thể dẫn tới rủi ro an toàn hệ thống. Còn tín dụng bất động sản phục vụ người mua nhà được xem bình đẳng như những lĩnh vực khác của nền kinh tế, không có hạn chế nào” - ông Đào Minh Tú khẳng định
Theo các chuyên gia, trên thực tế, việc người dân mua nhà để ở hay đầu cơ là rất khó tách bạch, song việc cho vay cá nhân sẽ giúp ngân hàng phân tán rủi ro. Hơn nữa, dù dư nợ tín dụng bất động sản tăng cao, nhưng khi ngân hàng vẫn đáp ứng đầy đủ quy chuẩn về quản lý rủi ro, Ngân hàng Nhà nước không thể tùy tiện siết chặt.
Sau những biến động vừa qua, nhìn chung, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều bắt đầu chuyển dịch cơ cấu cho vay. Trong đó, tập trung vào cho vay bán lẻ, cho vay sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Đồng thời, các nhà băng cũng đang giảm dần tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản dù là đối với hoạt động mua nhà để ở. Về hoạt động trái phiếu, hầu hết các ngân hàng đều bày tỏ quan điểm thận trọng, tập trung vào trái phiếu các tổ chức tín dụng.