“Mới tốt nghiệp đại học, tôi đã nhận được một công việc với mức lương khởi điểm là 54.000 USD/năm. Con số thực sự sau khi trừ thuế còn khoảng 40.000 USD. Chỉ sau 3 năm rưỡi, tôi đã tự mình tiết kiệm được hơn 100.000 USD”, chuyên gia tài chính Bola Sokunbi chia sẻ.
Để tiết kiệm được con số tương đương 2,3 tỷ đồng này, Bola Sokunbi cho biết mình may mắn không có khoản vay sinh viên nào. Sau khi tốt nghiệp, cô cũng tìm được một công việc có mức lương khởi điểm khá tốt.
Chia sẻ với tờ CNBC, Bola Sokunbi thừa nhận chế độ đãi ngộ của công ty khá tốt. Cô được nhận thưởng hàng năm, có cơ hội thăng chức và chỉ sau 3 năm rưỡi làm việc đã được tăng lương lên mức 74.000 USD/năm.
Tuy nhiên, Bola Sokunbi khẳng định, bí quyết quan trọng nhất nằm ở 5 điều quan trọng sau đây:
1. Tiết kiệm từ 30% - 40% thu nhập
Theo Bola Sokunbi, bí quyết quan trọng nhất của việc tiết kiệm là vạch ra mục tiêu ngay từ đầu. Hàng tháng, cô chi tiêu ít nhất có thể, cắt giảm các khoản không cần thiết để cất đi từ 30 - 40% thu nhập.
Để cuộc sống không quá gò bó, cô kiếm thêm công việc bên ngoài với mức lương từ 1.350 USD đến 1.400 USD (tương đương khoảng 33 triệu đồng) để chi tiêu thoải mái hơn.
“Tôi cố gắng tiết kiệm 500-700 USD từ số tiền làm thêm, cộng thêm tiền thưởng hàng năm khoảng 1.500 USD. Chúng không quá nhiều nhưng tích tiểu vẫn thành đại”, Sokunbi nói.
2. Hạn chế chi tiêu tối đa
Sau khi có kế hoạch tiết kiệm, Bola Sokunbi vạch ra một vài quy tắc để hạn chế chi tiêu tối đa:
- Quyết định sống chung với bố mẹ để tiết kiệm tiền thuê nhà đắt đỏ ở New Jersey
- Xin việc gần nhà để không tốn nhiều tiền đi lại
- Tự nấu ăn các bữa và mang cơm đi làm (Bola Sokunbi cho biết chỉ riêng việc cắt giảm ăn ngoài đã giúp cô tiết kiệm được khoảng 2.500 USD mỗi năm (tương ứng với 60 triệu đồng)
- Từ chối những cuộc đi chơi quá thường xuyên và tốn kém, lựa chọn kết bạn với những người cũng có thói quen tiết kiệm như mình để hạn chế bị rủ đi chơi
- Không sử dụng truyền hình cáp mà chỉ theo dõi tin tức từ các kênh miễn phí
- Dùng gói 3G hợp lý, vừa nhu cầu nhất để tránh lãng phí
- Hạn chế đi siêu thị vì siêu thị khiến chúng ta mua quá nhiều thứ không cần thiết
- Tập thể dục tại nhà thay vì đến phòng gym
- Luôn kiểm tra lịch sử tiêu dùng hàng tháng thông qua các ứng dụng theo dõi để kiểm soát chi tiêu
3. Bắt đầu một công việc phụ ổn định
Cách tốt nhất để tăng tiền tiết kiệm là cải thiện thu nhập. Bola Sokunbi hiểu rõ điều này nên đã bắt đầu một công việc tay trái từ sở thích chụp ảnh của mình.
Cô tận dụng những người bạn thân thiết có chung sở thích và người quen xung quanh để xây dựng các mối quan hệ, giới thiệu khách hàng. Chỉ sau một vài tháng, công việc này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Khó khăn duy nhất của Sokunbi là phải cân đối thời gian và làm nhiều việc cùng một lúc. Tuy nhiên nhờ đó, thu nhập của cô đã tăng lên từ 10.000 - 30.000 USD/năm.
4. Xây quỹ lương hưu
Theo Bola Sokunbi, nhiều người Mỹ gặp sai lầm về tài chính vì không xây dựng quỹ nghỉ hưu từ sớm. Cô chia sẻ ngay từ năm đầu tiên đi làm đã dành 15% thu nhập để gửi vào tài khoản lương hưu với mức lãi suất 6%. Nhờ mức lãi kép tăng đều đặn, số tiền tiết kiệm này đã tăng lên nhanh chóng.
5. Không so sánh mình với những người khác
“Mọi sự so sánh đều là khập khiễng” vậy nên dù mọi người xung quanh thoải mái mua sắm, cô tuyệt đối không để tâm. Khi bản thân thực sự thấy hạnh phúc, Bola Sokunbi vẫn tự thưởng cho mình một món quà song giá tiền không được phép vượt quá ngân sách.
Theo: CNBC