Trong bảng xếp hạng mới nhất năm 2022, Hoàng gia Abu Dhabi đứng thứ 4 trong số 5 hoàng gia giàu nhất thế giới.
Cụ thể, giá trị tài sản ròng của gia đình hoàng gia này hiện vào khoảng 300 tỷ USD, bao gồm các khoản đầu tư vào những bất động sản nổi tiếng ở London hay Paris, cũng như cổ phần tại nhiều doanh nghiệp lớn như SpaceX của Elon Musk hay hãng hàng không Etihad Airways.
Tuy nhiên theo Bloomberg, đây chỉ là ước tính khối tài sản cá nhân, còn việc xác định tổng tài sản chính xác của gia đình Hoàng gia Al Nahyan gần như là không thể. Nguyên nhân là bên cạnh khối tài sản cá nhân trị giá 300 tỷ USD, Hoàng gia Abu Dhabi còn nắm quyền quản lý 1.200 tỷ USD tài sản quốc gia mà chưa tính đến trữ lượng dầu mỏ.
Vậy hãy cùng xem Hoàng gia Abu Dhabi làm những gì với khối tài sản khổng lồ này.
Cung điện vàng và bất động sản xa xỉ trên khắp thế giới
Hoàng gia Abu Dhabi sống trong khu tích hợp Cung điện tổng thống tại thủ đô Abu Dhabi của các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - một công trình với mái vòm trắng khổng lồ, khu vườn xanh mướt và những chiếc đèn treo lớn lộng lẫy. Công trình lớn này bao gồm tới 15 cung điện nhỏ hơn, và một bãi đậu xe cho hơn 500 ôtô, với chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ USD.
Ngoài ra, Hoàng gia Abu Dhabi cũng sở hữu một loạt bất động sản nổi tiếng trên thế giới như cung điện Chateau de Baillon ở phía bắc Paris hay quảng trường Berkeley ở London.
Đặc biệt, riêng cựu tổng thống UAE Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan đã sở hữu mảnh đất trị giá 7,1 tỷ USD ở thủ đô London của Anh và thu lại khoảng 200 triệu USD tiền cho thuê hàng năm.
Bên cạnh Cung điện Hoàng gia và các bất động sản nổi tiếng, gia đình Al Nahyan hiện còn là cổ đông lớn của hàng loạt đội bóng nổi tiếng như Manchester City, Yokohama F Marinos hay Montevideo City Torque.
Tập đoàn Hoàng gia Abu Dhabi
Mặc dù những bất động sản nổi tiếng hay Câu lạc bộ bóng đá Manchester City được biết đến nhiều hơn, mấu chốt để gia đình Al Nahyan phát triển khối tài sản này lại nằm ở Tập đoàn Hoàng gia Abu Dhabi. Tập đoàn này là một mạng lưới rộng hơn với hơn 27.000 nhân viên làm việc trong mọi lĩnh vực từ tài chính đến máy móc công nghiệp.
Trong 2 thập kỷ qua, Tập đoàn Hoàng gia đã đi lên từ những hoạt động nhỏ lẻ đến đạt được tổng tài sản khoảng 150 tỷ USD.
Sheikh Tahnoon - chủ tịch của Tập đoàn Hoàng gia - cho biết việc mở rộng tập đoàn đã giúp gia tăng ảnh hưởng của UAE trên toàn thế giới. Các khoản đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập của tập đoàn này cũng mang lại nhiều lợi thế chính trị quan trọng về cho UAE.
Thành lập các quỹ đầu tư
Bên cạnh Tập đoàn Hoàng gia, gia tộc Al Nahyan còn quản lý khối tài sản trị giá 1.200 tỷ USD của quốc gia và số tiền này được dùng để phân bổ vào các quỹ đầu tư trong nước.
Các quỹ này sẽ hoạt động giống với các quỹ tài sản có chủ quyền truyền thống, và làm nhiệm vụ đầu tư một cách bài bản để mang lại lợi nhuận cho quốc gia.
International Holding Co. (IHC) - một công ty đầu tư mới thành lập của đất nước này - đã vượt qua mọi công ty trên thế giới với tổng tài sản đầu tư trị giá hơn 1.000 tỷ USD chỉ trong 5 năm kể từ khi thành lập. Một số quỹ đầu tư khác như Mubadala hay Cơ quan đầu tư Abu Dhabi cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong nền kinh tế nước này.
Đầu tư cho ngành công nghiệp xanh
Ngoài việc phát triển tập đoàn và đầu tư tài chính, Hoàng gia Abu Dhabi đang ngày càng chú trọng hơn vào việc phát triển ngành du lịch của đất nước.
Trong khi người anh em Dubai từ lâu đã thu hút sự chú ý của quốc tế, Abu Dhabi ngay bên cạnh lại kém hấp dẫn hơn. Do đó, gia đình Hoàng gia đã xây dựng thêm các điểm du lịch đặc biệt như công viên giải trí trong nhà Ferrari World, bảo tàng Louvre và cả đường đua Công thức 1 để hấp dẫn du khách.
Ngoài ra, nước này cũng rất cố gắng để thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế trước khi kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch kết thúc.
Đối với UAE, họ cần phải tận dụng tối đa cơ hội để phát triển, đặc biệt là khi Mỹ và châu Âu đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế và Trung Quốc vẫn đang vật lộn với đại dịch Covid-19.