Theo Báo cáo "The Missing (Small) Businesses of Southeast Asia" được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) vào năm 2020, có hơn 70 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMB) hoạt động tại thị trường Đông Nam Á. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ được xem là huyết mạch của nền kinh tế ASEAN khi chiếm tới 99% số doanh nghiệp tại thị trường, cũng như sử dụng hơn 140 triệu lực lượng lao động trong khu vực.
Tại Việt Nam, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2021 cho thấy, trong tổng số 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong nước, có tới 97% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khối doanh nghiệp này chiếm 97% đóng góp GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Trong những năm qua, cộng đồng SMB Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, duy trì ổn định và tăng trưởng kinh tế, và đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhiều vấn đề kinh tế, xã hội.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ được xem là huyết mạch của nền kinh tế ASEAN (nguồn: Getty).
Mặc dù vậy, ảnh hưởng của đại dịch lên nền kinh tế, cũng như tình trạng giãn cách xã hội kéo dài trong 2 năm vừa qua đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp SMB bị đình trệ, thua lỗ. Các doanh nghiệp phải loay hoay tìm cách giữ chân khách hàng, thậm chí nhiều cửa hàng truyền thống phải đóng cửa do giá thuê mặt bằng quá cao trong khi tình hình kinh doanh rơi vào tình trạng ế ẩm.
Mặc dù phải đối mặt với những thách thức toàn cầu, khu vực kinh tế Đông Nam Á lại cho thấy triển vọng phục hồi, cũng như đà tăng trưởng năng động trong 3 năm vừa qua. Với hơn một nửa dân số khu vực có độ tuổi dưới 30, việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ tại khu vực không chỉ góp phần gia tăng tầng lớp trung lưu, mà còn tạo nên một thế hệ người dùng ưu tiên sử dụng các thiết bị di động (mobile-first). Đây là điều mà các doanh nghiệp SMB có thể cân nhắc khi đánh giá lại quá trình tương tác với khách hàng để tiến đến giai đoạn phục hồi và tiếp tục tăng trưởng.
Tương tác và giúp người tiêu dùng giải trí thông qua các nền tảng giải trí online
Những tiến bộ mới nhất trong công nghệ đang dần định hình các quyết định người tiêu dùng. Không chỉ được xem như công cụ để duy trì hoạt động liên tục của doanh nghiệp, để đổi mới quy trình, hay để phục vụ cho làm việc từ xa, công nghệ còn cho phép doanh nghiệp kết nối với các bước trong quá trình ra quyết định của người tiêu dùng. Đối với những doanh nghiệp SMB đang mong muốn gắn kết hơn với các đối tượng mục tiêu, họ có thể cân nhắc tận dụng các nguồn lực công nghệ sẵn có nhằm thiết kế lại cách người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp SMB, họ có thể dựa vào hình thức livestream mua sắm đang dần phổ biến trên toàn cầu, để từ đó tương tác trực tiếp với người tiêu dùng ở khắp mọi nơi tốt hơn. Hình thức livestream này cũng truyền cảm hứng cho các sáng kiến mới trong việc kinh doanh của các doanh nghiệp - từ việc hợp tác với các nhà sáng tạo nổi tiếng, cho đến livestream trực tuyến các sự kiện thời trang (ví dụ như nhà mốt Balmain), thậm chí nhiều bảo tàng còn phát các chuyến tham quan ảo tới du khách ở khắp nơi trên thế giới.
Các doanh nghiệp SMB cũng có thể xem xét việc sử dụng công nghệ nhằm tương tác một cách sáng tạo với người tiêu dùng thông qua kết hợp giữa mua sắm và giải trí (shoppertainment). Chiến lược Marketing này được kỳ vọng sẽ định hình lại hành trình mua sắm của người tiêu dùng. Một ví dụ tiêu biểu cho việc tận dụng nền tảng TikTok cho việc thúc đẩy phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác với khách hàng là Step Up English - một doanh nghiệp SMB trong ngành Giáo dục từng gặp nhiều khó khăn trong việc tạo dựng nội dung trên nền tảng số để đánh trúng tệp khách hàng tiềm năng.
Chính thức hoạt động trên TikTok vào tháng 3/2021, Step Up English đã tận dụng các hình thức quảng cáo trên nền tảng, kết hợp với những nỗ lực trong việc sáng tạo nội dung, sản phẩm đa dạng cho từng lứa tuổi cùng chiến lược rõ ràng của TikTok. Với những nỗ lực của 2 bên, TikTok đã hỗ trợ Step Up English mở rộng tập khách hàng, cũng như gia tăng nhận diện thương hiệu, đồng thời Step Up English cũng sẵn sàng thử nghiệm nhiều tính năng mới của TikTok để giúp hiệu suất quảng cáo của SMB này tăng lên hiệu quả hơn.
Rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và người tiêu dung
Một lưu ý khác mà các doanh nghiệp SMB cần quan tâm và chú trọng là việc tạo dựng sự tín nhiệm đối với các khách hàng. Hơn 72% người tiêu dùng toàn cầu tin rằng những bài review từ góc nhìn của những khách hàng như họ sẽ đáng tin cậy hơn thông tin tiếp thị mà thương hiệu tự chia sẻ. Nói cách khác, các doanh nghiệp SMB cần cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng với các nội dung phù hợp trên nền tảng sổ, ví dụ như xem trước các sản phẩm đang được sản xuất, trải nghiệm thử sản phẩm, hoặc cho phép người dùng đăng tải nội dung review sản phẩm, hay thậm chí là các cảnh quay hậu trường nhằm gia tăng mức độ gắn kết giữa hai bên.
Nhiều khách hàng đã từng trải nghiệm các hình thức tương tác này, khi các nhãn hàng trả lời (reply) lại những bình luận (comment) của người dùng, chia sẻ lại (reshare) các bài viết có nội dung thú vị do chính người dùng tạo ra (User-generated content), hoặc trò chuyện trực tiếp với người theo dõi (follower) trong các buổi livestream. Trên thực tế, TikTok đang ngày càng trở thành nền tảng thích hợp để các thương hiệu tương tác trực tiếp với người tiêu dùng, và có đến 43% người dùng đã thử những trải nghiệm mới lạ hoặc khám phá một địa điểm mới sau khi xem quảng cáo trên nền tảng này.
Điều này cho thấy, việc tiếp cận một cách cởi mở, chân thực hay thậm chí hài hước để tạo ra nội dung liên quan đến sản phẩm và dịch vụ trên các các nền tảng nội dung trực tuyến sẽ mang lại thành công cho các doanh nghiệp SMB trong việc thu hút người tiêu dùng ngày nay.
Khai phá sức mạnh của thương mại kết hợp giải trí
Để tạo ra những trải nghiệm vui vẻ, giải trí và chân thực, các nhãn hàng cần bám sát những xu hướng tiêu dùng mới nhất. Nghiên cứu gần đây do Flamingo thực hiện đã cho thấy, 61% người dùng TikTok yêu thích thương hiệu hơn khi họ được "bắt trend", chẳng hạn như tham gia vào các Hashtag Challenge, hay hòa giọng cùng các bài hát bắt tai. Bằng cách theo dõi những xu hướng mới nhất, doanh nghiệp có cơ hội đặt mình vào các cuộc thảo luận "nóng" trên nền tảng số, từ đó mở ra cơ hội tương tác với tập khách hàng mới, đồng thời mang đến cho khách hàng cơ hội được trải nghiệm sản phẩm từ doanh nghiệp.
Các thương hiệu tại Việt Nam đã nhảy vào một số danh mục đang phát triển nhanh trên TikTok bao gồm Du lịch (tăng trưởng 210% so với cùng kỳ năm trước), đồ tự thiết kế, đồ gia dụng, làm vườn (174%), Tin tức và Giải trí (143%), Mẹ và bé (120%), Giáo dục (106%), Đồ thể thao & ngoài trời (96%). TopMax là một học viện ở Việt Nam chuyên cung cấp các khóa đào tạo dành cho những nhà bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Trước đây, các chiến dịch của TopMax trên TikTok đã có một lượng khách mua khoá học tương đối ổn định. Tuy nhiên, hiệu quả quảng cáo đã tăng đáng kể nhờ sự kết hợp giữa tính năng Display Card của TikTok và việc làm mới các mẫu quảng cáo từ TopMax. CTR (Click through rate) của họ đã tăng từ 0,8% vào tháng 11/2021 lên 1,3 % vào tháng 12/2021; số lượt click cũng tăng hơn 3 lần từ 3 nghìn lên 10 nghìn lượt. Khi số lượt click chuột tăng, tỉ lệ chuyển đổi cũng tăng và có nhiều khách hàng tiềm năng bày tỏ mối quan tâm tới các khóa học của thương hiệu hơn.
Hơn thế nữa, những hashtag như #TikTokMadeMeBuyIt đã nhận được 12,8 tỷ lượt xem trên toàn cầu tính đến tháng Năm năm nay. Điều này cho thấy doanh nghiệp có thể tận dụng những cơ hội tương tự để tiếp cận cộng đồng mua sắm trực tuyến một cách sáng tạo, đồng thời thúc đẩy người tiêu dùng vừa khám phá thương hiệu, vừa tương tác và mua hàng, và cuối cùng là đăng tải bài review sản phẩm một cách tự nhiên.
Công nghệ đã tạo sự công bằng về cơ hội tiếp thị và quảng cáo đối với các doanh nghiệp. Với các hình thức đa dạng và sáng tạo, bất kỳ thương hiệu nào cũng có thể tham gia, kết nối và thu hút lượng người dùng lớn sẵn có trong hệ sinh thái kỹ thuật số. Nói cách khác, khả năng phát triển dành cho các doanh nghiệp là vô tận, và đơn giản là không có doanh nghiệp nào quá nhỏ để có thể mơ một giấc mơ lớn hơn, tốt đẹp hơn và táo bạo hơn.