Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo vào tháng 9/2022 rằng người châu Âu sẽ bị “chết cóng” nếu phương Tây tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga, mọi thứ dường như đang diễn ra chính xác theo như những gì ông Putin cảnh báo.
Giá khí đốt bán buôn ở châu Âu ở mức 200 euro/megawatt-giờ, cao hơn khoảng 10 lần so với giá trước đây trong hầu như cả năm 2021. Các kế hoạch đã được soạn thảo để cắt giảm nhu cầu khí đốt và đảm bảo nguồn cung tại các quốc gia có tình trạng thiếu hụt năng lượng tồi tệ nhất. Mất điện luân phiên thường xuyên xảy ra ở Liên minh châu Âu (EU) là một viễn cảnh rất thực tế.
Nhưng khi năm mới vừa tới, bức tranh về năng lượng châu Âu tích cực hơn hầu hết dự đoán của mọi người. Giá khí đốt đã giảm xuống còn 65 euro/megawatt-giờ, vẫn rất cao so với mức bình thường của 10 trước, nhưng dễ kiểm soát hơn so với mức tăng chóng mặt vào năm 2022.
Việc giảm giá và ổn định nguồn cung cấp khí đốt đến từ hai nguyên nhân: thời tiết mùa đông trở nên ấm áp hơn và sự thành công của châu Âu trong việc chuyển từ đường ống dẫn khí đốt của Nga sang khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng tàu biển từ các nhà cung cấp thân thiện hơn.
Tăng nguồn cung khí đốt
Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, bất chấp chi phí lớn, các nước châu Âu đã tăng cường nguồn cung LNG từ giữa đến cuối năm 2022, tăng nhập khẩu từ 83 tỷ mét khối (bcm) vào năm 2021 lên 141 bcm vào năm 2022. Con số đó bù đắp khoảng 3/4 trong số 80 bcm mà châu Âu không còn nhận được từ các đường ống dẫn khí của Nga. Cơ sở hạ tầng tiếp nhận LNG mới đang mọc lên khắp châu Âu, bao gồm cả ở Đức, nơi 6 bến nổi tiếp nhận LNG sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Rất nhiều LNG đã được nhập khẩu, phần lớn được vận chuyển từ Mỹ, hiện đang nằm trong mạng lưới các cơ sở lưu trữ ngầm của châu Âu. Thời tiết ôn hòa, kết hợp với mức tiêu thụ khí đốt giảm mạnh do giá cao hơn, có nghĩa là những kho chứa này vẫn đầy 82%. Đó gần như là con số châu Âu đạt được khi ông Putin đưa ra lời đe dọa “đóng băng” châu Âu bốn tháng trước.
Jack Sharples đến từ Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết, vào ngày 1/1, dự trữ LNG của châu Âu cao hơn khoảng 31 bcm so với một năm trước đó, “điều này đặt chúng tôi vào một vị thế rất tốt để bắt đầu một năm mới”.
Trong khi đó, Mátxcơva đang bắt đầu cảm thấy tác động từ các biện pháp trừng phạt năng lượng của phương Tây.
Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) ước tính rằng, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga của EU và mức trần giá 60 USD/thùng của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đang khiến Nga thất thu 160 triệu euro/ngày.
Bất chấp các lệnh trừng phạt và cắt giảm nguồn cung, Mátxcơva đã kiếm được 155 tỷ euro từ xuất khẩu dầu và khí đốt vào năm 2022, cao hơn 30% so với năm trước. Nhưng với giá dầu và khí đốt toàn cầu đang giảm. Theo ước tính của riêng Điện Kremlin, vào năm 2023, những khoản thu đó sẽ giảm 23%, một con số mà một số chuyên gia cho là lạc quan.
Vậy châu Âu đã chiến thắng trong cuộc chiến năng lượng hay chưa?
Dieter Helm - Giáo sư chính sách kinh tế tại Đại học New College ở Oxford và là cựu cố vấn năng lượng của Ủy ban châu Âu (EC) - nói: “Từ ‘thắng’ quá ư táo bạo. Hiện mới bắt đầu mùa đông và có rất nhiều thứ vẫn có thể xảy ra. Nhưng châu Âu đã làm tốt hơn rất nhiều so với hầu hết mong đợi của các nhà bình luận.”
“Hiện tại, mọi thứ có vẻ ổn”, một nhà ngoại giao EU đồng tình. “Người Nga chỉ có một vũ khí duy nhất trong cuộc chiến năng lượng: khí đốt. Đó là một vũ khí lợi hại và có tác động mạnh mẽ trong ngắn hạn. Nhưng họ đã sử dụng nó rồi". Nhà ngoại giao nói rằng "kho vũ khí" của EU đa dạng hơn, bao gồm: tăng cường năng lượng tái tạo, tiếp nhận nguồn cung từ nơi khác và triển khai các phương án để sử dụng ít năng lượng hơn... "Nhưng chúng ta không thể tự mãn.”
Đó là một thông điệp vang vọng khắp các thủ đô của EU.
Một Bộ trưởng năng lượng của EU nhận định: “Tỉ số hiện tại là châu Âu 1, Nga 0."
Nhưng cuộc đua còn lâu mới kết thúc. Trong nhiều tháng nay, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo rằng mùa đông tới còn có thể nguy hiểm hơn mùa đông này, với việc thị trường LNG toàn cầu bị thắt chặt và khả năng Trung Quốc hồi sinh, mở cửa trở lại sau các đợt phong tỏa do COVID-19, và cạnh tranh khi nguồn cung hạn chế.
Cái giá phải trả
Tuy nhiên, vị thế vững chắc của châu Âu trong tháng Giêng cũng đi kèm với một cái giá phải trả.
Theo ING, sản lượng công nghiệp tăng khá tốt nhưng các ngành sử dụng nhiều năng lượng đang bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, với sản lượng giảm gần 13% so với cùng kỳ trong tháng 11/2022.
Theo Viện nghiên cứu Bruegel, các chính phủ trên khắp châu Âu cũng đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ thanh toán hóa đơn năng lượng khổng lồ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, với tổng trị giá lên tới 705 tỷ euro. Những khoản tiền khổng lồ như vậy sẽ đè nặng lên ngân sách quốc gia trong nhiều năm tới.