Thông tin sửa đổi Nghị định 65 được tung ra cuối tuần qua đã trở thành cú hích cho cổ phiếu bất động sản hôm nay. Chỉ số VNREAL sàn HoSE tăng 2,86%, mạnh nhất trong các nhóm. Trong 13 cổ phiếu kịch trần sàn này, hầu hết là cổ phiếu bất động sản.
Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết tăng vọt 39% so với phiên trước, đạt 3.612 tỷ đồng. HoSE tăng 43%, đạt 3.186 tỷ đồng. Đặc biệt trong Top 10 cổ phiếu gia dịch lớn nhất thị trường, cổ phiếu bất động sản chiếm 4 mã.
Dẫn đầu là NVL tăng kịch trần sau khi khớp 10,9 triệu đơn vị, tương đương 120,4 tỷ đồng. Hiện dư mua giá trần tại mã này vẫn còn 10,8 triệu cổ. DIG xếp thứ hai với 101,4 tỷ đồng, giá cũng đang kịch trần với dư mua 1,96 triệu cổ. DXG thanh khoản 84,6 tỷ đồng, giá kịch trần, dư mua trần 6,4 triệu cổ. VHM tăng 4,64%, thanh khoản 77,1 tỷ đồng.
Hàng loạt cổ phiếu nhóm bất động sản nhỏ hơn đang tăng hết biên độ như CRE, HQC, LDG, SCR, HPX, NHA, PDR, IJC... Đó là chưa kể tới vài chục cổ phiếu khác trong ngành trên các sàn tăng trên 3%.
Nhìn chung cơ hội bùng nổ ở nhóm cổ phiếu bất động sản là dễ đoán, sau khi thông tin hỗ trợ được chờ đợi nhất xuất hiện. Dĩ nhiên về mặt cảm quan, việc cho phép giãn trả nợ trái phiếu, hoán đổi tài sản thanh toán là điều tốt, tác động trực tiếp đến vướng mắc hiện tại của doanh nghiệp bất động sản có vay nợ bằng trái phiếu. Tuy nhiên theo thời gian, các giải pháp này có giúp tháo gỡ khó khăn triệt để, hay chỉ cố gắng “mua thêm” thời gian cho doanh nghiệp mới là điều cần kiểm chứng.
Tâm lý mạnh mẽ trên thị trường xuất hiện đồng loạt, không chỉ bó hẹp ở cổ phiếu bất động sản. Nhóm tài chính cũng có hiệu ứng tương tự, dù không đến mức kịch trần cả loạt. Chỉ số VNFIN trên HoSE tăng 1,82%, chỉ sau chỉ số của nhóm bất động sản. Thực tế ảnh hưởng của nhóm tài chính còn lớn hơn bất động sản: Sau VHM, loạt mã VCB tăng 1,1%, CTG tăng 3,06%, BID tăng 1,53%, VPB tăng 2,35%, MBB tăng 2,62% mới là các cổ phiếu dẫn dắt điểm số cho VN-Index. Nhóm bất động sản chỉ có VHM và VRE lọt Top 10, đơn giản là các cổ phiếu khác trong ngành tuy tăng rất khỏe, nhưng vốn hóa lại hạn chế.
Độ rộng của VN-Index cho thấy thị trường phản ứng rất sớm với kỳ vọng ảnh hưởng tích cực từ thông tin. Ngay sau khi mở cửa số cổ phiếu tăng giá đã áp đảo hoàn toàn và duy trì liên tục trong phiên. Độ rộng tốt nhất ghi nhận lúc 9h40 với 283 mã tăng/44 mã giảm. Đến cuối phiên tương quan vẫn rất tốt nhờ 292 mã tăng/67 mã giảm. Ngoài 13 mã kịch trần, HoSE còn có 90 mã khác tăng vượt 2% và 77 mã tăng trong biên độ 1%-2%.
VN30-Index đang tăng 1,69% với 27 mã tăng/2 mã giảm. Cổ phiếu đi ngược dòng duy nhất là GAS và VJC cùng giảm 0,1%. Rổ này có 6 mã tăng vượt 3%, với NVL và PDR kịch trần; 15 mã khác tăng trong biên độ 1-3%. Midcap tăng 1,6%, Smallcap tăng 1,36%.
Thanh khoản tăng tốt sáng nay cũng cho thấy sự hưng phấn đi kèm với tiền. Quy mô khớp lệnh hai sàn 3.612 tỷ đồng là cao nhất trong 5 phiên trở lại đây. Dĩ nhiên mức này cũng không phải là nhiều. Trung bình các phiên sáng tuần trước khoảng 3.039 tỷ đồng, tuần trước, hai tuần giữa tháng 2 đều xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Dù vậy tín hiệu hào hứng trở lại của dòng tiền vẫn là thay đổi tốt nhất được trông đợi lúc này, vì không có tiền thì thị trường không thể dịch chuyển được.
Khối ngoại là nhóm đi ngược dòng sáng nay khi rút ròng 244,5 tỷ đồng ở HoSE. Khối này tăng bán đột biến lên 505,9 tỷ đồng, cao nhất 12 phiên sáng trở lại đây, trong khi chỉ mua 261,4 tỷ đồng. Cổ phiếu bị xả nhiều nhất thuộc nhóm bất động sản, tài chính. Tiêu biểu là NVL -77,3 tỷ đồng, STB -29,3 tỷ, VND -27,4 tỷ, DXG -20,5 tỷ, GEX -18,2 tỷ, VIC -17,3 tỷ, SSI -17,6 tỷ, KBC -10 tỷ, HPG -52,1 tỷ.