Sau phiên bán mạnh đầu tuần thì thị trường chứng khoán đã có phiên hồi phục trở lại. Sự bứt phá của các cổ phiếu trụ cột đã giúp chỉ số sớm có được sắc xanh và lan tỏa rộng hơn ra các nhóm khác.
VN-Index kết phiên tăng vọt 12,08 điểm (1,15%) lên mức 1.063,66 điểm, cao nhất trong 8 phiên vừa qua. Trong khi đó HNX-Index cũng kết phiên trong sắc xanh với mức tăng 2,66 điểm (1,17%) lên 229,12 điểm. UPCoM-Index đi lên 0,395 đạt 80,32 điểm.
Động lực kéo thị trường hồi phục đến từ nhóm vốn hóa lớn. Trong đó riêng rổ VN30 ghi nhận mức tăng 11,86 điểm (1,13%) với 23 mã tăng, 5 mã giảm và chỉ 2 mã đứng tại tham chiếu.
Đứng đầu về mức độ tác động là cổ phiếu VIC của Vingroup khi quay ngược tăng đến 4,3% lên 58.400 đồng. Ngoài ra cũng phải kể đến VRE của Vincom tăng 3,6% lên 25.800 đồng và VHM của Vinhomes tăng 2% đạt 50.500 đồng. Tổng nhóm này đã đóng góp gần 4 điểm trong tổng mức tăng 12 điểm của thị trường.
Ngoài hệ sinh thái Vingroup thì một số cổ phiếu lớn khác cũng có tác động rất tốt. Tiêu biểu có VCB của Vietcombank đi lên 2,1% đạt 67.700 đồng, MSN của Masan Group tăng 3,8% lên 82.000 đồng, VNM của Vinamilk có thêm 3,2% hay SAB của Sabeco tăng 2,5%.
Cổ phiếu bất động sản bứt phá ấn tượng, nhất là nhóm tầm trung. Trong đó DIG, CEO, CII, LDG đều mua hết ở mức giá trần, DXG tăng sát giá trần. Nhóm khu công nghiệp cũng tăng mạnh với các đại diện như BCM, IDC, KBC, ITA tăng 2-3%.
Cổ phiếu đầu cơ tăng tốc khi dòng tiền có xu hướng nhập cuộc. Hai mã họ Louis là TGG và BII kết phiên trong sắc tím. Tương tự họ DNP ghi nhận HUT và VC9 tăng hết biên độ. Nhóm Apec có mức tăng khoảng 3%...
Ngược lại các cổ phiếu tăng nóng thời gian qua đã quay đầu điều chỉnh. Đáng kể là các cổ phiếu bán lẻ điện thoại như FRT lao dốc 2,3%, DGW mất 3,3% hay PET giảm 1,5%. Cổ phiếu ngành thép hay phân bón cũng giảm sâu quanh mức 2%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng điều chỉnh. Đơn cử PVD mất gần 2% giá trị về 21.100 đồng, PVS giảm 1,7% xuống 23.700 đồng, PVC rớt 1,6% hay GAS cũng kết phiên trong sắc đỏ.
Thanh khoản thị trường tiếp tục có sự cải thiện cho thấy dòng tiền đã mang tính chủ động hơn. Tổng giá trị giao dịch đạt 11.932 tỷ đồng, tăng gần 10% so với hôm qua. Riêng thanh khoản HoSE đã tăng lại lên mức trên 10.000 tỷ đồng.
Dù vậy, dòng tiền từ khối tự doanh vẫn khá tiêu cực khi tiếp tục bán ròng thêm 42 tỷ đồng trên HoSE. Đây đã là phiên bán ròng thứ 9 liên tiếp với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài sau thời gian dài gom mạnh cổ phiếu đã bắt đầu đảo ngược xu thế. Trên sàn HoSE, khối ngoại quay sang bán ròng nhẹ 30 tỷ đồng, kết thúc chuỗi 7 phiên mua liên tiếp trước đó. Các mã bị bán mạnh vẫn là HPG, VHM và DXG.