Tuần 19-23/9, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp đà điều chỉnh, song mốc 1.200 điểm được nhà đầu tư ví von như ngưỡng cản của mọi thời đại” khi VN-Index cứ lùi về vùng lại lại xuất hiện lực cầu giúp chỉ số nhanh chóng phục hồi. Dù vậy, mọi thành quả đã “đổ sông đổ bể” ngay trong phiên đầu tuần 26/9. Áp lực bán tăng mạnh trong khi lực mua tỏ ra quá yếu ớt đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm một phiên thứ hai tiêu cực.
VN-Index có thời điểm đánh rơi hơn 44 điểm, xuyên qua mốc 1.160 dưới áp lực bán tháo mạnh. Dù biên độ giảm có thu hẹp dần về cuối phiên song chỉ số chính của TTCK vẫn đóng cửa giảm gần 29 điểm về mức 1.174,35. Tính chung trên toàn thị trường, có tới 874 mã cổ phiếu giảm điểm, trong đó có tới 73 mã giảm hết biên độ.
Hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn bị bán mạnh trong phiên hôm nay. Có tới 27/30 mã giảm điểm trong rổ VN30, trong đó có đến 16 mã giảm sâu dưới 2%. Duy chỉ có VIB và GAS ghi nhận sắc xanh khoảng 1%, song mức độ đóng góp cho thị trường không quá đáng kể.
Xét về các nhóm ngành, thị trường chứng khoán hôm nay ghi nhận thêm một phiên giao dịch buồn với cổ đông nhóm bất động sản, xây dựng. Đồng loạt L14, TDC, HDC, LDG, NLG, DXG, DPG… chìm sâu trong sắc “xanh sàn”, nhiều mã trong số đó cón “trắng bên mua”. Cổ đông nhóm ngân hàng cũng có một phiên không mấy vui vẻ khi mức tăng trên 2% xuất hiện tại hầu hết các mã, các "ông lớn" như CTG, BID, VPB, VCB, SHB, STB,... đồng loạt chìm trong sắc đỏ.
Tương tự, nhóm chứng khoán ghi nhận VIG,ART, FTS, CTS, VDS giảm hết biên độ, các mã khác cũng chìm sâu trong sắc đỏ. Diễn biến tiêu cực còn được ghi nhận tại các cổ phiếu ngành thép khi HPG, HSG, NKG, SMC giảm sâu, thậm chí TLH giảm sàn. Tại nhóm dầu khí, “ông lớn” GAS, POS và PGS giữ được sắc xanh ; còn lại BSR, OIL, PVB, PVS, POS, PGC... đồng loạt giảm điểm, PVD giảm sàn.
Phiên thứ hai đã "thổi bay" gần 115.000 tỷ đồng vốn hoá của HoSE, giá trị còn lại rơi về mức 4.670.101 tỷ đồng.
Xét về mức độ đóng góp cụ thể, bộ đôi ngân hàng CTG và BID trở thành "tội đồ" lớn nhất khiến VN-Index đánh rơi tới 3,5 điểm trong phiên đầu tuần. Cụ thể, CTG giảm tới 6% về mức giá 23.500 đồng/cổ phiếu, khiến VN-Index giảm hơn 1,8 điểm; BID có thời điểm trong phiên giảm hơn 6% tuy nhiên đã hồi phục đôi chút chỉ còn giảm 3,9% lúc kết phiên xuống 33.400 đồng/cp, khiến VN-Index giảm hơn 1,7 điểm.
Bên cạnh đó, VHM và VNM tiếp tục là hai nhân tố đè mạnh lên thị trường khi lần lượt lấy đi 1,42 điểm và 1,41 điểm của chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hai ông lớn này trong phiên hôm nay cũng kết phiên với mức giảm mạnh, trong khi VHM điều chỉnh tới 2,3%, về mức 55.900 đồng/cp thì VNM cũng giảm 3,5% xuống 74.000 đồng/cp.
Top 15 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này này còn có những cổ phiếu như VRE, DGC, VIC, REE, MWG... Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng nằm trong nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường hôm nay như VCB, TCB, MBB, SHB, STB, ...
Việc những nhóm trụ cột của thị trường như "bank, chứng thép" cùng dòng bất động sản điều chỉnh đã khiến các chỉ số nhanh chóng lao dốc không phanh. Cộng thêm lực cầu chưa thực sự sẵn sàng quay trở lại khiến thị trường càng mất đi lực chống đỡ.
Ở chiều ngược lại, sắc xanh le lói tại GAS hay VIB cũng không thể giúp thị trường tránh một phiên giảm mạnh. GAS hôm nay ngược dòng tăng 1% lên mức 113.600 đồng/cổ phiếu đã trở thành "công thần" lớn nhất giúp VN-Index tăng 0,53 điểm. Hai mã nhà băng là VIB và EIB cũng xuất sắc đi ngược xu hướng điều chỉnh, tăng lần lượt 1,1% và 1,2% cũng giúp thị trường chung bớt phần ảm đạm.
Trao đổi mới đây về diễn biến tuần mới, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng hiện tại thị trường vẫn chưa thực sự quá bán trên các chỉ báo kỹ thuật, do đó vị chuyên gia này bỏ ngỏ kịch bản thị trường có thể tiếp tục giảm điểm trong tuần sau.
Theo ông Huy, chỉ số VN-Index trong tuần qua chưa thủng 1.200 điểm nhưng ngưỡng này nhìn chung là khá mong manh. Có một điểm đáng lưu ý nữa là các cổ phiếu trụ đang rất yếu, trong khi chỉ số chính vẫn tạm thời cách đáy 1 đoạn thì VN30-Index đã về đến vùng đáy cũ. Hiện tại, ông Huy cho rằng vùng đệm 1.180-1.200 điểm đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không giữ được vùng điểm này này, khả năng VN-Index sẽ kiểm định lại đáy và thậm chí thủng đáy là khá cao.