PYN ELITE FUND (NON-UCITS) Báo cáo về ngày không còn là cổ đông lớn Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương (mã SCD-HOSE).
Theo đó, Pyn Elite Fund thông báo đã bán ra 22.300 cổ phiếu SCD trong ngày 4/4 qua đó giảm sở hữu xuống còn 415.600 cổ phiếu (tỷ lệ 4,9%) và không còn là cổ đông lớn tại Nước Giải khát Chương Dương.
Như vậy, việc bán cổ phiếu SCD của quỹ ngoại này diễn ra sau khi cổ phiếu SCD bị HoSE ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 6/5/2024 và giao dịch phiên cuối cùng trên HoSE vào ngày 3/5.
Hiện, HOSE cho biết cổ phiếu SCD của Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương hiện đang thuộc các diện chứng khoán bị kiểm soát như sau:
Một là, diện kiểm soát theo Quyết định số 448/QĐ-SGDHCM ngày 17/08/2023 của HOSE do căn cứ Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng năm 2023, lỗ lũy kế là -119,77 tỷ đồng và vốn điều lệ thực góp là 85 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 38 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Hai là, diện kiểm soát theo Quyết định số 149/QĐ-SGDHCM ngày 04/04/2023 của HOSE do lợi nhuận sau thuế năm 2021 là -35,59 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế năm 2022 là -48,68 tỷ đồng căn cứ Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 và năm 2022, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31 tháng 03 năm 2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Tiếp theo đến ngày 01/04/2024, HOSE đã nhận được công bố thông tin Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của SCD. Theo đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 là -119,25 tỷ đồng, Lỗ lũy kế năm 2023 là -200,95 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là -11,73 tỷ đồng.
Theo giới thiệu, CTCP Nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I (Pháp) và đây là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn trước năm 1975. Giữa năm 1977, Tập đoàn B.G.I chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho nhà nước với tên gọi Nhà máy nước ngọt Chương Dương.
Năm 2004, Chương Dương chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và niêm yết tại HOSE sau đó hai năm.
Được biết ngày 22/4 tới đây, Sá xị Chương Dương sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại Khách sạn Grand Sài Gòn, số 8 Đồng Khởi, Quận 1, TP.HCM. Theo tài liệu họp đã công bố, công ty đặt mục tiêu năm 2024 sẽ lỗ tiếp 73 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đến cuối năm dự kiến sẽ ở mức 275 tỷ đồng.
Trên thị trường, SCD đang ở vùng đáy 11 năm với thị giá 12.100 đồng/cp với giao dịch rất ảm đạm, chỉ thi thoảng có phiên khớp lệnh từ vài trăm đến vài nghìn đơn vị. Giá trị vốn hóa thị trường còn khoảng 100 tỷ đồng.