Theo Reuters, trong bài phát biểu hôm 26/9 ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Cleveland - bà Loretta Mester - thừa nhận rằng biến động trên thị trường tài chính có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ nền kinh tế Mỹ, nhưng việc bình ổn giá cả vẫn quan trọng hơn.
"Mục tiêu của chúng tôi, và việc chúng tôi đưa ra các quyết sách đều dựa trên tình hình kinh tế hiện tại, nhằm thiết lập lại sự ổn định giá cả ở Mỹ”, bà Mester nhấn mạnh.
Theo bà, việc thiếu kiên quyết trong cuộc chiến chống lạm phát còn nguy hiểm hơn việc “quá tay” trong chính sách tăng lãi suất.
Ưu tiên chống lạm phát
Một người cộng sự khác của bà Mester là ông Raphael Bostic - Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta cũng đồng tình với mục tiêu này. Thậm chí, khi được hỏi rằng liệu nhà đầu tư có quá lạc quan về chính sách của Fed để sau đó dẫn đến cuộc bán tháo trên thị trường chứng khoán hiện nay, ông Bostic cho rằng hai việc này chẳng liên quan gì đến nhau.
“Dù họ quá lạc quan hay không đủ lạc quan thì điều quan trọng là chúng ta cần phải đưa lạm phát về tầm kiểm soát. Cho tới khi đạt được điều đó, thị trường sẽ còn chứng kiến nhiều biến động theo các hướng khác nhau”, ông Bostic phát biểu.
Mới đây, Fed đã nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - đánh dấu đợt nâng thứ 5 liên tiếp kể từ khi khởi động chu kỳ thắt chặt tiền tệ vào tháng 3. Tổng mức tăng lãi suất của Fed trong 5 đợt là 3 điểm phần trăm - xác lập một trong những chu kỳ nâng lãi suất mạnh tay nhất từ trước đến nay của ngân hàng trung ương này.
Để ủng hộ điều này, giới chức Fed liên tục quả quyết rằng việc tăng lãi suất lên cao là điều cần thiết để kéo lạm phát xuống, cho dù việc này có gây ra tổn thất cho thị trường việc làm và nền kinh tế, thậm chí là khiến Mỹ rơi vào suy thoái.
Một số lĩnh vực trong nền kinh tế hiện đã phản ánh rõ tác động tiêu cực của việc nâng lãi suất. Chẳng hạn lãi suất cho vay thế chấp nhà đã tăng gấp đôi lên hơn 6% và kéo theo doanh số ngành bất động sản giảm mạnh.
Phố Wall chao đảo
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, khi Fed chấp nhận đánh đổi tăng trưởng để chống lạm phát thì thị trường chắc chắn sẽ phải chịu trận.
Mấy tuần gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến sự định giá lại trên diện rộng theo các chính sách mới của Fed.
Các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo khi nhận thấy nguy cơ suy thoái kinh tế, do khả năng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất lên cao và giữ ở đó trong thời gian dài.
Trong vòng 1 tháng qua, kể từ khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra quan điểm diều hâu tại hội nghị thường niên Jackson Hole, chỉ số S&P 500 đã giảm tới 12%. Trong phiên giao dịch ngày 27/9, chỉ số này còn tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020, với mọi lĩnh vực từ tiêu dùng đến y tế đều giảm sút, riêng ngành bất động sản và năng lượng mất tới 2%.
Ngoài ra, một thước đo khác của thị trường là chỉ số biến động CBOE (VIX) - "thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall" - vào hôm 26/9 cũng tăng vọt lên mức 32,26 - mức cao nhất kể từ cuối tháng 6.
Trước đây, giới chức Fed thường bị cho là “nuông chiều” thị trường tài chính. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, Fed chưa phát tín hiệu nào cho thấy đợt bán tháo này sẽ khiến họ nghĩ lại về kế hoạch chính sách. Các quan chức cho biết rằng chừng nào giá cả và tiền lương còn tăng thì thị trường việc làm vẫn chịu được.